Đầu năm đến nay, toàn tỉnh An Giang đã tư vấn xuất khẩu lao động cho 695 lượt lao động. Kết quả, có 22 lao động có hợp đồng làm việc và được vay vốn. Trong đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh giới thiệu xuất khẩu lao động cho 38 người. Có 21 lao động đã xuất cảnh sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, còn lại đang chờ bay và đang học.
Theo ghi nhận từ các DN tham gia thị trường xuất khẩu lao động, hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động ở các nước, như: Nhật Bản, Đài Loan rất lớn. Vị trí công việc được mở rộng và các điều kiện nới lỏng hơn so trước đây. Các nhóm ngành nghề cần tuyển lao động làm việc, gồm: Điện tử, cơ khí, lắp ráp xe điện, xây dựng, chế biến thực phẩm, dệt may, điều dưỡng, hộ lý…
Giám đốc Công ty Vinaincomex (TP. Hồ Chí Minh) Mông Phát Thành cho biết, sau đại dịch COVID-19, thị trường Đài Loan đang cần rất nhiều lao động ở các ngành nghề, như: Công xưởng, sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, hộ lý… Đây là những ngành nghề đa số là dịch vụ cộng đồng. Công ty Vinaincomex không hướng dẫn NLĐ hướng đến những cơ sở tư nhân mà chủ yếu làm việc với Chính phủ Đài Loan, nên đảm bảo được những quyền lợi và phúc lợi cho NLĐ. Mức lương làm việc căn bản (chưa tính tăng ca) bình quân từ 21,3 triệu đồng/người/tháng.

Tư vấn, giới thiệu việc làm về xuất khẩu lao động tại các địa phương và phiên giao dịch việc làm
Dù đang có công việc ổn định tại 1 công ty tài chính ở TP. Long Xuyên, nhưng bạn Trần Thị Tú Nhi (huyện Phú Tân) cân nhắc để tham gia xuất khẩu lao động. “Thông qua phiên giao dịch việc làm, em được tư vấn về các công việc phù hợp với khả năng của mình. Điều em quan tâm là công việc có mức thu nhập cao, nhiều cơ hội để thử sức và trải nghiệm hơn so với công việc hiện tại” - Tú Nhi chia sẻ.
Còn em Chau Paris (huyện Tri Tôn) sau tư vấn của nhà trường và giới thiệu của DN đã mạnh dạn đăng ký xuất khẩu lao động. Có công việc thu nhập cao để cải thiện cuộc sống gia đình, rèn luyện tác phong công nghiệp, tính kỷ luật lao động và học hỏi tay nghề, kỹ năng trong môi trường làm việc tiên tiến là điều Chau Paris hướng đến khi được tham gia vào thị trường việc làm Nhật Bản.
Với vai trò là cầu nối giữa NLĐ với công ty có chức năng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tăng cường công tác tư vấn, tuyển chọn, tạo nguồn và hỗ trợ cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh An Giang Hồ Hoàng Tuấn thông tin, hiện nay, lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được vay với tối đa 100% chi phí (tối đa 100 triệu đồng/lao động). Ngoài chính sách trên, NLĐ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, đồng bào dân tộc thiểu số, thân nhân của người có công với cách mạng được hỗ trợ khoảng 11 triệu đồng/lao động. Lao động thuộc hộ khó khăn về kinh tế (được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận); bộ đội, công an phục viên, xuất ngũ... được hỗ trợ 5 triệu đồng/lao động.
Để hỗ trợ tốt cho NLĐ, tránh những rủi ro khi tham gia xuất khẩu lao động, NLĐ có thể liên hệ các điểm hỗ trợ tư vấn từ cán bộ lao động của xã, phường, thị trấn đang ở; hoặc trực tiếp tư vấn tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thị xã, thành phố hay Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (số điện thoại: 02963.853.566).
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh luôn chú trọng lựa chọn những công ty, DN uy tín, đủ tư cách pháp nhân và được phép tuyển dụng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động và phòng tránh thiệt hại cho NLĐ. Trung tâm sẽ ký kết với các công ty, DN xuất khẩu lao động nhằm tuyển chọn, cung ứng lao động làm việc ở những thị trường ổn định, có thu nhập cao, góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã khai thác tốt tiềm năng lao động địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Để công tác xuất khẩu lao động thời gian tới đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, các cấp, ngành tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách về công tác xuất khẩu lao động. Đặc biệt, tập trung vào lực lượng lao động trẻ, lao động ở các vùng nông thôn, học sinh THCS, THPT, các trường nghề, bộ đội xuất ngũ…
Tiếp tục mở rộng các thị trường có thu nhập cao, ổn định và lựa chọn các công ty, DN cung ứng lao động có uy tín, có trách nhiệm trong quản lý đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Chính quyền các cấp nâng cao vai trò quản lý, điều hành, đồng thời các cơ quan liên quan đến xuất khẩu lao động nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.
HOÀI ANH