Trình Quốc hội xem xét Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào tháng 11/2024

04/10/2024 - 08:17

Hồ sơ Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và các dự thảo văn bản quy định chi tiết Luật sẽ được hoàn thiện, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, diễn ra vào tháng 11/2024.

[

Hụ Quần thể di tích Cố đô được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Ảnh minh họa: Minh Đức/TTXVN

Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Phạm Định Phong cho biết, đến nay, hồ sơ Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cơ bản đã đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan soạn thảo với cơ quan thẩm tra là Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội. Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vào tháng 11/2024.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2024). Sau Kỳ họp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (cơ quan soạn thảo) đã phối hợp với Ủy ban Văn hóa - Giáo dục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật (tháng 8/2024) và đang tiếp thu chỉnh lý để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tháng 11/2024.

Việc chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng, đáp ứng các mục tiêu đề ra, nhất là thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013, nhằm bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa của dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, bảo đảm tính minh bạch, khả thi và tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, nội luật hóa bảo đảm phù hợp các Công ước của UNESCO về di sản văn hóa mà Việt Nam là thành viên.

Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này có nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và một số quy định liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể, di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu và bảo tàng…

Cụ thể: Bổ sung những quy định mới tại dự thảo Luật về hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu; thay đổi, mở rộng chính sách đối với nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể; bảo vệ di sản văn hóa có nguy cơ mai một, thất truyền; bổ sung việc phân cấp thẩm quyền cho địa phương trong việc bảo quản, sửa chữa nhỏ, tu sửa cấp thiết di tích; quy định, thẩm quyền đối với các công trình thực hiện trong khu vực bảo vệ của di tích và điều chỉnh ranh giới khu vực bảo vệ di tích. Bên cạnh đó là quy định rõ việc phát huy giá trị di tích; quy định thăm dò, khai quật khảo cổ dưới nước và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước; quy định mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước; đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình, trưng bày bảo tàng công lập; bổ sung quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam; quy định xếp hạng, ghi danh, quản lý di sản văn hóa có địa bàn phân bố từ 2 địa phương trở lên, hồ sơ đa quốc gia; quy định sử dụng, khai thác di sản văn hóa...

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhấn mạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa, chuyển đổi số...

Theo TTXVN