Theo nhiều người, bến phà Vàm Cống có từ thời Pháp thuộc. Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (năm 1975), được địa phương tiếp nhận, quản lý. Nơi đây trở thành địa điểm nổi tiếng, đánh dấu hành trình bước vào hoặc ra khỏi địa phận TP. Long Xuyên - cửa ngõ của An Giang. Bờ bên kia là huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp). Bến phà hồi trước vang danh khắp miền Tây, bình quân hơn 40.000 lượt phương tiện các loại, hành khách qua lại mỗi ngày. Cao điểm lễ, Tết, cuối tuần, số lượng tăng lên gấp đôi.
Cầu Vàm Cống hoàn thành, mở ra hướng thông thương, phát triển mới cho các tỉnh, thành phố lân cận. Không đi ngang địa phận An Giang, nhưng cây cầu vẫn đóng lại sứ mệnh của phà Vàm Cống - cách đó gần 3km.
Nói như bà Trần Kim Huy (61 tuổi, ngụ huyện Lấp Vò): “Lúc chưa có cầu, mỗi lần đi qua phà thấy lâu lắc, chờ đợi sốt ruột. Tới hồi có cầu, té ra chúng tôi phải đi bọc đường vòng thêm chục cây số, chứ đâu đi ngang sông. Tự nhiên, lúc đó lại tiếc bến phà, ước gì phà hoạt động trở lại”.
Năm 2019, cầu Vàm Cống chính thức được sử dụng, cũng là lúc phà Vàm Cống đìu hiu một góc bên sông Hậu. Khách đi đường, đôi khi theo thói quen, định rẽ vào phà, rồi giật mình dừng lại, chuyển hướng chạy thẳng. Người dân sinh sống ở bến phà, nhờ lượng khách tấp nập để mua bán, giờ mạnh ai nấy tìm việc khác. Quen không gian ồn ào nhộn nhịp rồi, tự dưng vắng vẻ, sao thấy lòng nao nao khó tả!
Đến lúc dịch COVID-19 xuất hiện, bến phà… nhộn nhịp trở lại. Nhưng không phải để đón khách qua lại sông Hậu, mà đón người cách ly tập trung. F0, F1, cán bộ y tế ra vào liên tục, khẩn trương. Cơ sở vật chất của bến phà được trưng dụng phòng, chống dịch, trở thành ký ức khó quên của nhiều người. Dịch dùng dằng rời đi, bến phà trở lại yên tĩnh. Tập trung cho “hậu COVID-19”, lo phục hồi cuộc sống bình thường mới, mấy ai còn tâm trạng lưu luyến bến phà xưa!
Năm 2023, cơ quan chức năng thông báo: Phà Vàm Cống hoạt động trở lại. Thông tin ấy khuấy động lại mặt nước yên tĩnh, làm gợn sóng lòng người. Qua thời gian bỏ trống, bến phà có dấu hiệu xuống cấp, nhân sự đã luân chuyển các nơi, nên gần như phải chuẩn bị lại từ đầu. “Bến phà Vàm Cống hoạt động trở lại trên cơ sở thống nhất của 2 tỉnh, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đôi bờ.
Phà An Giang và Đồng Tháp có trách nhiệm phối hợp, chuẩn bị điều kiện về cơ sở hạ tầng bến bãi, phương tiện, nhân sự để tái hoạt động. Chúng tôi triển khai công tác chuẩn bị, lắp đặt mới hệ thống ponton 275 tấn và 30m cầu dẫn C400, kinh phí đầu tư 7,2 tỷ đồng. Đồng thời, nâng cấp, làm mới bến bãi, đường dẫn lên xuống khu vực bến phà; sửa chữa, bảo đảm hoạt động an toàn đối với 4 phà bố trí cho Vàm Cống” - ông Hồ Hải Luân (Trưởng phòng Kế hoạch vận tải Công ty Cổ phần Phà An Giang) thông tin.
Phà Vàm Cống được bố trí 1 phương tiện trọng tải 100 tấn; 3 phương tiện trọng tải 40 - 60 tấn, hoạt động từ 4 giờ - 22 giờ hàng ngày. Tùy tình hình sản lượng hành khách, đơn vị sẽ cân nhắc tăng cường thêm phương tiện. Đội ngũ thuyền viên có tay nghề chuyên môn, soát vé, điều hành xe... được bố trí đầy đủ. Đúng 7 giờ, ngày 1/9/2023, phà xuất bến chuyến đầu tiên, phục vụ hành khách và ôtô các loại (ôtô khách từ 30 chỗ trở xuống; ôtô tải dưới 7 tấn).
Theo thống kê của Công ty Cổ phần Phà An Giang, trong 4 ngày lễ (từ ngày 1 đến 4/9), bình quân mỗi ngày bờ Long Xuyên hoạt động 76 chuyến phà. Nếu tính cả bờ Lấp Vò, có 22.700 lượt khách qua lại. So với con số 70.000 - 80.000 lượt khách qua lại của “thời hoàng kim”, rõ ràng là một trời một vực. Nhưng mỗi chuyến phà hôm nay đều chở đầy nụ cười, niềm vui của hành khách. Họ cảm thấy việc phà mở lại rất hợp lòng dân, đặt lợi ích chính đáng của người dân đôi bờ lên trên doanh thu, lợi nhuận.
“Nếu được lựa chọn giữa việc chạy xe qua cầu Vàm Cống, chưa chắc nhanh hơn, mà chắc chắn tốn xăng hơn, thì tôi chọn đi phà. Đừng nghĩ rằng đợi phà tốn thời gian, mà nghĩ đó là trạm dừng chân ngắn, để nghỉ ngơi, thư giãn tay chân, chuẩn bị sức để tiếp tục hành trình. Có thể, khách đi phà ít hơn xưa, nhưng đều đặn, liên tục. Tôi tin rằng, bến phà sẽ hoạt động lâu dài, còn khách còn chạy” - ông Trần Văn Nghĩa (72 tuổi, ngụ TP. Cần Thơ) chia sẻ.
Nhiều năm vắng bóng phà, đường dẫn xuống phà gần như thành đường cụt. Người dân bắt đầu quen với nếp sống bình dị ở vùng ngoại ô thành phố. Một khoảnh chợ nhỏ mọc lên, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của cả xóm. Thậm chí, bầy chó trong xóm ung dung nằm ngủ giữa đường, chẳng sợ bị xe cộ làm phiền. Nhưng đó là chuyện của những ngày trước tháng 9/2023.
Khi phà hoạt động trở lại, khách tới lui chẳng ngớt. Người dân vẫn chưa thay đổi nhịp sống. Hay nói đúng hơn, họ còn đang dõi theo tình hình thực tế, để cân nhắc thay đổi mình thế nào. Đã quen bán quán ăn sáng nhỏ, ông Xuân Hoàng lắc đầu khi chúng tôi hỏi thăm: “Khách không đông như hồi trước đâu, nên tôi chưa định mở rộng buôn bán gì thêm. Chờ một thời gian nữa xem sao…”.
Rồi đây, khi mới mẻ qua đi, người ta sẽ xem sự hiện diện của bến phà Vàm Cống là lẽ đương nhiên, sẽ gắn chặt với thói quen di chuyển của họ. Nhưng điều được nhắc đến nhiều nhất, là những chuyến phà chuyên chở tình nghĩa, san sẻ lợi ích với cộng đồng, tiếp tục cần mẫn đón đưa khách đôi bờ, như chúng đã từng.
GIA KHÁNH