Trở lại miền nhớ…

29/04/2022 - 06:52

 - Nắng cuối tháng 4 như vắt kiệt mồ hôi, khiến người ta ngại ra đường. Nhưng có một cựu chiến binh ngoài 70 tuổi, ngày hôm ấy lần dò từng bậc đá lên núi, trở lại thăm chiến trường xưa. Thời gian làm phôi phai nhiều ký ức của bà, chỉ riêng tháng ngày mưa bom bão đạn thì không. Quên làm sao được, bởi bà đã sống giữa lằn ranh mỏng manh sống và chết, còn và mất, chiến tranh và hòa bình…

Mậu Thân 1968, bà Nguyễn Thị Kim Lợi (sinh năm 1950, ngụ xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) chưa kịp trưởng thành, mà những trận chiến nảy lửa đã thúc giục bà trốn gia đình, ra tiền tuyến. Bà được đặt tên mới là Nguyễn Thị Ngọc, được đào tạo ngắn hạn và trở về nhận nhiệm vụ y tá, thuộc Văn phòng Công an tỉnh. Ngày từ Campuchia trở về “nhận nhiệm sở”, bà tưởng đâu “Văn phòng” đẹp lắm, hoành tráng lắm. Nào ngờ, theo chân mấy anh mấy chú đi quanh co theo đường rừng núi ở đồi Tức Dụp (huyện Tri Tôn), đến hang “Văn phòng”, thực tế khác xa tưởng tượng của bà!

“Cú sốc” ban đầu này khiến bà nhận ra: Đi làm cách mạng không phải như ở nhà. Chiến tranh luôn gắn liền với hy sinh, gian khổ và tàn khốc! Nữ y tá Ngọc vượt qua tuổi 17 bằng những hôm nhớ nhà da diết, bằng cách bỏ lại giây phút bình yên thiếu nữ ở quá khứ. Bà dần trưởng thành, biết “nằm gai nếm mật”, đủ bản lĩnh bám trụ núi rừng 9 năm trời (từ năm 1967-1976). “Mọi người sao mình vậy: Ăn cùng ăn, nhịn cùng nhịn (dĩ nhiên là đói nhiều hơn no), vậy thôi!” - bà chia sẻ nhẹ tênh, mà nặng trĩu trải nghiệm.'

Bà Ngọc trở lại chiến trường xưa với nhiều cảm xúc

Đó là những hôm địch bắn phá dữ dội, bà và đồng đội rời Tức Dụp, lánh nạn ở căn cứ Ô Tà Sóc (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn). Bữa ăn nào có cơm thì mừng lắm, dù là ăn với đặc sản “muối kho rốp” (để nước vào muối, nấu đến khi muối nổ lốp rốp). Gạo vơi dần, mọi người chuyển sang nấu cháo cùng chuối rừng. Hết gạo, lại ăn nừng (một loại củ rừng) cho qua bữa. Chờ chiến sự lắng xuống, người dân mới vào tiếp tế, mới có bữa no đúng nghĩa.

Đó là những trận địch bỏ bom B52 lúc gần sáng, cả hang rung chuyển, không ai ngồi dậy được, chỉ cố gắng nằm chịu trận. Rồi khi bom ngạt tấn công, mọi người phải dùng khăn thấm nước tiểu, đắp lên mũi để chống ngạt… Chưa kể pháo, mìn gài dày đặc xung quanh, mỗi bước đi của chiến sĩ cách mạng gian nan, khổ cực vô cùng!

Câu chuyện của bà gắn liền với nhiều cái tên thân thương, vào sinh ra tử hàng ngày với bà lúc ấy: Bộ ba “Mai, Lan, Ngọc”, đồng chí Mười Ly, Hai Hoàng, Ba Thịnh… “Có hôm, chúng tôi ngồi giữa hầm nước từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Chỉ cần giở hầm bí mật ngoi lên, tất cả sẽ bị phát hiện, tổn thất vô cùng. Đến khi an toàn, tôi đã lạnh cóng, nhúc nhích không nổi, mọi người phải kéo lên.

Hoặc có hôm, tôi chịu hết xiết, muốn rời hầm bí mật, bất ngờ địch đổ quân ào ạt. Chỉ có 1 cây súng duy nhất, tôi là nữ duy nhất trong hầm, nên lo lắng lắm. Một chút tôi kêu tên người này, lúc sau kêu người khác. Hai anh động viên tôi bình tĩnh, chứ nếu không “chết cả đám, đâu phải mình ên mình”. May sao, địch rút quân, chúng tôi trở lên mặt đất, chờ đêm tối lén nấu cơm ăn” - bà Ngọc nhớ lại.

Rừng bây giờ trở mình, vơi bớt rậm rạp, nhọc nhằn ngày xưa. Đường mòn có bàn tay con người cải tạo, rộng hơn, dễ đi hơn, xe máy len lỏi lên đến tận đỉnh núi. Bà con cùng nhau xẻ đá, tạo thành bậc thang, chỗ nào trũng thì kê thêm cho bằng. Từ lúc phục viên đến giờ, bà Ngọc chỉ mới có vài dịp trở lại Ô Tà Sóc. Cảnh vật thay đổi, bao bọc bà giữa miền ký ức của quá khứ xen lẫn hiện tại. Nói đường dễ đi hơn trước, chứ đám trẻ chúng tôi lội lưng lửng núi đã xanh xám mặt mày. Bà yếu sức, vóc dáng nhỏ gầy trong chiếc áo bà ba đen, phải nhờ các chiến sĩ dìu mới lên đến nơi, nhưng nụ cười phúc hậu luôn nở rộ.

Ngồi trước hang Quân y, bà thủng thỉnh kể chuyện xưa cho chúng tôi nghe. Nhưng mà, 9 năm thanh xuân gắn bó với căn cứ cách mạng, đâu thể nào dốc cạn trong mấy mươi phút! Bà lựa lời, kể ngắn gọn vất vả đã qua, nén thương cảm về đồng đội đã khuất, rồi dặn chúng tôi: “Mình có tự do, hạnh phúc vầy là quá quý! Bác Hồ dạy: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.

Thế hệ của bà đã hoàn thành nhiệm vụ giữ nước, giờ đến lượt các cháu. Tuổi trẻ phải cố gắng lên nhé, bất cứ nhiệm vụ nào đều hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”. Lời nhắn nhủ của cựu chiến binh - từng được tặng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất - vang vọng trong không gian chiến sự ngày trước. Không gian ấy thấm đẫm xương máu của ông cha, xây đắp nền độc lập hôm nay, nên lời nói của thế hệ đi trước càng thêm phần sức nặng.

Đại úy Trần Thanh Ly (Trợ lý Thanh niên, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang) bày tỏ: “Tháng 4 lịch sử, cán bộ, đoàn viên, thanh niên lực lượng vũ trang tổ chức thăm lại khu di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi mong muốn hoạt động này giúp các bạn nhận thức sâu sắc truyền thống hào hùng của quân và dân An Giang trong kháng chiến. Đặc biệt, khi trực tiếp nghe nhân chứng lịch sử kể chuyện tại khu di tích, hiệu quả giáo dục tư tưởng được nâng lên rõ rệt. Chúng tôi sẽ biến những điều được thấy, được nghe thành hành trang tri thức, góp phần cùng các lực lượng, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”.

    GIA KHÁNH