Đạo diễn, họa sĩ, NSƯT Hồ Quảng bên tác phẩm của ông.
Trước khi đến với điện ảnh, NSƯT Hồ Quảng đã có nhiều năm gắn bó với hội họa: là học trò của họa sĩ nổi tiếng Nguyễn Đỗ Cung, là họa sĩ sáng tác rồi trở thành người thầy dìu dắt nhiều lớp học trò của Trường Mỹ nghệ - tiền thân của Trường Mỹ thuật công nghiệp Việt Nam sau này.
Năm 1959, Hồ Quảng cùng Trương Qua và Lê Minh Hiền thành lập “Tổ làm phim hoạt họa”. Ba họa sĩ trẻ ấy được coi là những người khai sinh thể loại phim hoạt hình cho điện ảnh Việt Nam. Lớp học sinh năm ấy của họa sĩ Hồ Quảng đã trở thành lực lượng nòng cốt đầu tiên của xưởng phim hoạt hình Việt Nam sau này. Cũng từ cái “duyên kỳ ngộ” ấy mà họa sĩ Hồ Quảng đã nối được đường dây sáng tạo từ họa sang phim, biến những sắc màu, hình khối vốn tĩnh lặng trong tranh thành những hình ảnh động có tính cách, có cuộc đời, tung hoành trên màn ảnh. Xưa nay người ta mới nói đến mối quan hệ giữa họa và thơ thì nay Hồ Quảng đã tạo được mối quan hệ đằm thắm giữa phim và họa.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo (con trai cố họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung) đánh giá cao các sáng tác của họa sĩ Hồ Quảng: Lối vẽ của Hồ Quảng là lối hiện thực, chân chất, mộc mạc, dễ hiểu và dễ đi vào đời sống rộng lớn. Ở hoạt hình, ông cũng dùng cách vẽ như vậy, hình ảnh trau chuốt, chuyện phim dễ hiểu. Hồ Quảng là một trong 108 hội viên đầu tiên của Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Hoạt hình là thể loại phim có những yêu cầu, tiêu chí cao hơn bất cứ loại phim nào trong điện ảnh. Để làm được phim hoạt hình, không chỉ cần tài năng mà còn cần cả những vật liệu đặc chủng, những phương tiện máy móc chuyên dùng. Vậy mà trong giai đoạn sơ khai ấy, mọi phương tiện máy móc, đồ nghề phần lớn phải làm thủ công, vật liệu phải tự tìm kiếm, tự chế tạo… Nhưng bộ ba Hồ Quảng, Trương Qua, Lê Minh Hiền và cộng sự của họ vẫn hoàn thành xuất sắc bộ phim hoạt hình đầu tiên của điện ảnh Việt Nam: “Đáng đời thằng cáo”. Bộ phim đã được tặng Giải Bông sen Vàng trong Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ hai năm 1973. Hồ Quảng và Trương Qua được tặng giải đồng hạng: Họa sĩ xuất sắc nhất.
Với tài năng và tình yêu nghề vô bờ bến, ông đã giành được nhiều giải thưởng cao quý trong sự nghiệp điện ảnh. Ở công việc đạo diễn, ông đoạt một Giải Bông sen vàng, hai Giải Bông sen bạc, hai Giải đạo diễn xuất sắc nhất. Ở công việc họa sĩ điện ảnh, ông đoạt hai Giải Bông sen vàng. Năm 1984, Hồ Quảng vinh dự được Nhà nước phong tặng NSƯT đợt 1.
Kể từ năm 1984 cho đến khi nghỉ hưu (1991), ông đã viết 15 kịch bản phim, trong đó có nhiều kịch bản đoạt giải.
Họa sĩ Mai Long - nguyên Bí thư Đảng ủy Hãng phim Hoạt hình Việt Nam (cùng thời với họa sĩ Hồ Quảng) cho biết: “Anh Hồ Quảng có tài, vừa đạo diễn vừa vẽ, vừa viết cả kịch bản. Là đảng viên, Phó giám đốc và Giám đốc Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, anh Quảng cũng giỏi về công tác quản lý. Phong thái điềm tĩnh và ứng xử tình cảm của anh Quảng được anh chị em trong hãng rất quý mến”.
Ông còn dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp đào tạo hàng ngũ kế cận để tiếp nối và phát triển sự nghiệp hoạt hình. Trong 13 năm làm Giám đốc, ông đã đào tạo 15 đạo diễn mới, trong đó có không ít người đã được công nhận NSƯT, NSND. Trong năm 1990, ông đã đề bạt sáu đạo diễn mới và tận tình truyền đạt kiến thức chuyên môn cho họ. Không ít người trong số họ đã thành danh như NSND Hà Bắc, NSƯT Nhân Lập… Năm 2012, họa sĩ Hồ Quảng được Chủ tịch nước tặng thưởng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Tâm huyết với lĩnh vực phim hoạt hình Việt Nam, tuy tuổi đã cao, nhưng đạo diễn - họa sĩ - NSƯT Hồ Quảng vẫn dõi theo sự phát triển của phim hoạt hình Việt Nam và có những đóng góp với thế hệ đạo diễn trẻ. Theo ông, hoạt hình đã có những bước đột phá, dần bắt kịp với thế giới.
Theo UY VIỄN (Nhân Dân)