Trồng dâu tây trên núi Cấm

19/03/2019 - 07:42

 - Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Trường Đại học An Giang (ĐHAG) trồng thử nghiệm cây dâu tây trên núi Cấm, kết quả bước đầu cho thấy cây dâu tây rất phù hợp thổ nhưỡng và cho hiệu quả kinh tế.

Đề tài nghiên cứu kỹ thuật trồng dâu tây trong chậu ứng dụng tưới nhỏ giọt tại núi Cấm (Tịnh Biên), do ThS Nguyễn Thị Mỹ Duyên, Phó Trưởng Bộ môn công nghệ sinh học (Trường ĐHAG) thực hiện. Đang thí nghiệm trồng 2.000 chậu cây dâu tây trong nhà lưới có mái che, diện tích 1.000m2, tại núi Cấm (xã An Hảo, Tịnh Biên).

Nhận thấy núi Cấm có thổ nhưỡng phù hợp trồng một số loại cây đặc sản giá trị kinh tế cao, nên Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Trường ĐHAG thực hiện đề tài này. Đề tài thực hiện trong 15 tháng (từ tháng 7-2018 đến 9-2019), mục tiêu nhằm xây dựng được kỹ thuật trồng cây dâu tây giống New Zeland với hệ thống tưới nhỏ giọt tại vùng núi Cấm trên giá thể và dinh dưỡng thích hợp; trồng 200 cây dâu tây ra hoa và phát triển tốt, trong đó có hơn 50% cây đậu trái. Đến nay, đã thực hiện thí nghiệm khảo sát ảnh hưởng của giá thể trồng và nồng độ dinh dưỡng đa lượng đến khả năng thích nghi của cây dâu tây trong giai đoạn sinh trưởng, khảo sát ảnh hưởng của nồng độ đạm và kali đến năng suất và chất lượng trái dâu tây.

ThS Nguyễn Thị Mỹ Duyên cho biết: “Đã thử nghiệm về giá thể trồng và đánh giá dinh dưỡng để theo dõi sự sinh trưởng của cây từ lúc cây con đến trưởng thành. Ở giai đoạn đầu, trồng chọn giá thể và dinh dưỡng được đánh giá rất tốt, cây phát triển nhanh và đạt yêu cầu về chiều cao và số chồi. Hiện đang ở giai đoạn 2 trồng từ cây trưởng thành đến cho trái. Thí nghiệm 1 đã hoàn thành, cây phát triển rất tốt, sinh trưởng và thích nghi khá tốt vùng núi Cấm. Thí nghiệm 2 đang thực hiện hơn 1 tháng, cây cho trái tốt, dù lượng trái không bằng như trồng ở Đà Lạt”.

Tham quan vườn dâu tây trồng thử nghiệm trên núi Cấm

Đến nay, sau 5 tháng triển khai trồng cây phát triển tốt, đã thu hoạch 4 đợt. Qua kiểm nghiệm thực tế, nhóm thực hiện đề tài đánh giá, cây dâu tây sinh trưởng và phát triển tốt, trái màu sắc đẹp, to, có vị ngọt thanh và thịt giòn, không bị mềm hay xốp, có hương thơm đặc trưng. Đây là những yếu tố quan trọng của đề tài, mở ra giống cây trồng tiềm năng, phù hợp thổ nhưỡng trên vùng đất núi.

Kỹ sư Nguyễn Quốc Thanh (phụ trách kỹ thuật đề tài) cho biết: “Giai đoạn cây con chăm sóc 2 tuần đầu thuần dưỡng trong nhà lưới, giai đoạn tiếp là nhân cây giống từ chồi ngó, giai đoạn 3 thu năng suất. Lúc đó, cây ra hoa thụ phấn nuôi cây và thu hoạch trái. Nhiệt độ trung bình tối ưu thích hợp cho cây dâu tây từ 18-250C là phù hợp để cây sinh trưởng và phát triển trên vùng núi Cấm”.

ThS Duyên cho biết: “Theo đánh giá của tôi và Sở Khoa học và Công nghệ, khi đề tài thực hiện thành công sẽ mang lại nhiều kết quả, chứng minh cây dâu tây thích nghi ở vùng An Giang và phát triển tốt. Đây sẽ là loại cây trồng mới phục vụ khách tham quan du lịch khi đến núi Cấm”.

Kết quả nghiên cứu sẽ được chuyển giao phục vụ cho ngành nông nghiệp. Theo Sở Khoa học và Công nghệ, đề tài thực hiện nhằm góp phần đa dạng hóa cây trồng, cung ứng nguồn cây cảnh nâng cao giá trị kinh tế trong nông nghiệp. Đồng thời, tìm giống cây phù hợp, góp phần chuyển đổi cây trồng vật nuôi mới tiềm năng, kết hợp phát triển du lịch.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích