Trường Chính trị Tôn Đức Thắng phấn đấu đạt trường chính trị chuẩn mức 1

21/06/2023 - 06:00

 - Từ khi Ban Bí thư ban hành Quy định 11-QĐ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang ban hành Đề án 04-ĐA/TU, ngày 22/12/2021 về xây dựng và phát triển Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đạt các tiêu chí trường chính trị chuẩn, tập thể nhà trường đã nêu cao quyết tâm chính trị, phấn đấu trở thành trường chính trị chuẩn mức 1 vào cuối năm 2023.

Trong mỗi bài học, học viên tiến hành thảo luận để hiểu sâu sắc hơn các nội hàm của bài giảng

Quyết tâm chính trị

Việc công nhận trường chính trị chuẩn theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư nhằm chuẩn hóa và nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn cùng các hoạt động khác của nhà trường. Việc công nhận Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đạt chuẩn mức 1 cũng chính là chứng nhận năng lực, định hướng phát triển để nhà trường thực thi nhiệm vụ của Đảng và nhà nước giao phó.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề vừa nêu, trong hơn 1 năm qua, tập thể nhà trường đã nêu cao quyết tâm chính trị, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực và sự ủng hộ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành tỉnh tiến hành xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giảng dạy có đủ năng lực, đáp ứng nhu cầu cho từng vị trí công việc.

Chia sẻ về cách triển khai thực hiện Đề án 04/ĐA-TU của Tỉnh ủy về xây dựng trường đạt chuẩn mức 1, TS Hồ Ngọc Trường, Hiệu trưởng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng cho biết, trên cơ sở quy định về trường chính trị chuẩn, Đảng ủy, Ban Giám hiệu trường cụ thể hóa thành nghị quyết, kế hoạch phù hợp tình hình thực tế của trường và tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện đến từng phòng, khoa, đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động trong toàn trường, nhất là quan tâm phân công trách nhiệm gắn với lộ trình thực hiện cụ thể, phấn đấu đạt các tiêu chí, chỉ tiêu đề ra.

Đi cùng với việc triển khai đề án trong nội bộ nhà trường, thời gian qua, UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng các hạng mục công trình để trường đạt trường chính trị chuẩn. Theo đó, kinh phí được duyệt ban đầu 150,6 tỷ đồng, thực hiện 45 gói thầu cải tạo và đầu tư mới các hạng mục công trình trên khuôn viên rộng 42.000m2.

Việc đầu tư xây dựng các hạng mục công trình đã từng bước tạo cho bộ mặt của nhà trường ngày một khang trang, sạch đẹp, đáp ứng tốt công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học. “Mục đích công nhận trường chính trị chuẩn nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và các hoạt động khác của trường chính trị” - TS Hồ Ngọc Trường chia sẻ thêm.

Những “quả ngọt” đầu tiên

Theo quy định, để trường đạt chuẩn mức 1, nhà trường cần phải đạt 55 tiêu chí với 6 nhóm chỉ tiêu, gồm: Chỉ tiêu về thể chế, quy định; đội ngũ cán bộ, viên chức; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; xây dựng văn hóa trường Đảng...

Trong đó, có 5 tiêu chí quan trọng hàng đầu phải đạt là việc chuẩn hóa chương trình, giáo trình, tài liệu, phục vụ đào tạo, bồi dưỡng. Chuẩn hóa phương pháp đào tạo, bồi dưỡng; quy chế quản lý đào tạo; chuẩn hóa kết quả đào tạo, bồi dưỡng cùng với công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn… Sau hơn 1 năm phấn đấu, đến tháng 2/2023, trường đạt 45/55 tiêu chí (chiếm 81,48% số tiêu chí phải đạt), còn 10/55 tiêu chí chưa đạt, nhà trường tiếp tục triển khai thực hiện…

Phấn đấu để đạt trường chính trị chuẩn mức 1 vào cuối năm 2023, mới đây, ngày 26/5, trường tổ chức hội thảo khoa học cấp trường với chủ đề: “Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ đảng viên hướng đến mục tiêu Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đạt chuẩn mức 1 trong năm 2023”. Hội thảo nhận được 47 tham luận, trong đó có 43 bài tham luận đảm bảo giá trị lý luận và thực tiễn và có 7 bài tham luận được trình bày trực tiếp tại hội thảo.

Các tham luận tập trung phân tích, luận giải, làm rõ thêm một số vấn đề trọng tâm, như: Ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giảng viên trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng trường chính trị chuẩn… Hội thảo tiếp tục khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của Trường chính trị Tôn Đức Thắng là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ duy nhất của tỉnh. Vì vậy, các tham luận thống nhất việc xây dựng trường trở thành trường chính trị chuẩn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, cấp thiết để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh trong thời gian tới.

Nỗ lực phấn đấu xây dựng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng trở thành trường chính trị chuẩn, thời gian qua, bằng trí tuệ và niềm say mê dạy học, nghiên cứu khoa học, các thế hệ lãnh đạo, giảng viên, viên chức của trường đoàn kết trên dưới một lòng, quyết tâm đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, đẩy nhanh tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

“Việc xây dựng trường chính trị đạt chuẩn mức 1 được xem là giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn nhằm góp phần thúc đẩy tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp…” - Ths. Huỳnh Đức Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng khẳng định.

MINH HIỂN