Trường Sa trong tim tôi

29/04/2019 - 08:23

 - Âm thanh phát ra lúc 5 giờ sáng từ loa thông tin trên tàu 561: “Đã hết giờ ngủ nghỉ; toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu”; hình ảnh đầy sức sống, kiên cường của những đảo chìm, đảo nổi; những người lính và nhân dân sinh sống đang ngày đêm canh giữ biển trời thiêng liêng Tổ quốc… luôn khắc ghi trong tâm trí của chúng tôi, sau cuộc hành trình đến với Trường Sa.

Hơn 1 năm trôi qua khi đoàn công tác của tỉnh An Giang có chuyến đi đến với quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 vào đầu tháng 4-2018. Những kỷ niệm về chuyến đi vẫn tồn tại mãi trong trí nhớ của chúng tôi. Cảm xúc đọng lại chính là lòng biết ơn, sự cảm phục, tình cảm của những người con từ đất liền với biển, đảo quê hương; niềm trăn trở phải làm gì để góp phần bảo vệ, giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Chụp ảnh lưu niệm cùng chiến sĩ và học sinh trên đảo

Trong chuyến hải trình 10 ngày đến với 10 đảo lớn, nhỏ và Nhà giàn DK1, giữa biển cả mênh mông, mây trời lồng lộng, chúng tôi mới thấm thía sâu sắc: biển, đảo quê hương ta thật giàu đẹp, trù phú. Những hòn đảo chìm, đảo nổi sừng sững hiên ngang vươn cao; những trụ thép vững vàng dựng lên một Nhà giàn DK kiên cố giữa những cơn bão tố gầm gào. Một màu xanh bất tận của những hàng cây tại thị trấn Trường Sa; một Sinh Tồn, An Bang luôn ưỡn căng ngực chắn sóng; những đảo đá đơn lẻ ở Tiên Nữ, Thuyền Chài… Tất cả đều làm nên một bức tranh sống động mang niềm kiêu hãnh về cùng biển đảo cực Đông của đất nước.

Cũng trong chuyến đi, đoàn công tác 2 lần long trọng tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ đảo Gạc Ma (ngày 14-3-1988) và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên thềm lục địa phía Nam. Dẫu biết đối mặt với hy sinh, nhưng các anh không hề run sợ, vẫn dũng cảm ngoan cường chấp nhận ngã xuống để bảo vệ biển, đảo đến hơi thở cuối cùng. Tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên từng hòn đảo thật vững vàng. Ở nơi đầu sóng, ngọn gió, họ luôn mang ý thức lạc quan, yêu đời, đoàn kết gắn bó, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để giữ vững chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thân yêu của Tổ quốc.

10 ngày đến với Trường Sa, chúng tôi mới cảm nhận được thế nào là sóng gió biển khơi. Phải vượt qua những giây phút say sóng kinh khủng, mệt vật vã giữa các cơn sóng tới tấp; cái nắng chát chúa của tháng 4… Từ thông báo dí dỏm của loa phát thanh trên tàu, chúng tôi chế ra đủ thứ câu tương tự: “Toàn tàu đánh chén, đánh chén toàn tàu”, “Toàn tàu ăn cháo, ăn cháo toàn tàu”, “Toàn tàu say sóng, say sóng toàn tàu”… Cánh phóng viên chúng tôi  vất vả tác nghiệp nhiều giờ liền trong nắng nóng rát mặt và cả trong thời tiết xấu, gió cấp 5, 6 giật cấp 7. Những con sóng cao gần 3m khiến chúng tôi mệt lả, chỉ biết liều mình bảo vệ máy móc mang bên người, cất giữ những tư liệu hình ảnh quý giá của chuyến đi. Ngày chia tay, từng thành viên trong đoàn đều vinh dự được nhận Kỷ niệm chương Trường Sa hoặc Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa, hạnh phúc lắm!

Trong 10 ngày, chúng tôi nhận được rất nhiều nụ cười. Nụ cười của những cán bộ, chiến sĩ, người dân khi quà được trao đến tay họ. Nụ cười của các em học sinh trên đảo, rộn ràng trong ánh nắng. Nụ cười của những đêm giao lưu văn nghệ tưng bừng trên tàu 561, gắn kết mấy trăm con người với nhau, để cùng vượt qua quãng hành trình dài vất vả. Là thành viên trẻ nhất của đoàn cán bộ An Giang tham gia chuyến công tác, chị Quang Lê Hồng Chuyên, (Phó Bí thư Tỉnh đoàn) chia sẻ: “Tôi sẽ không bao giờ quên được 10 ngày đến với Trường Sa. Có thể, chuyến đi ấy là lần duy nhất trong cuộc đời. Những hình ảnh biển, đảo thiêng liêng, cán bộ, chiến sĩ ngày đêm vững chắc tay súng, chấp nhận hy sinh, quyết giữ gìn chủ quyền biển, đảo bầu trời Tổ quốc; những người dân từ đất liền không sợ gian khổ, khó khăn, đến với biển, đảo… luôn khắc ghi trong tâm trí tôi. Tôi sẽ không quên giây phút ngồi ca-nô di chuyển vào đảo, đi qua những con sóng lớn. Nhìn người điều khiển ca-nô, tôi rất khâm phục. Bởi, ngoài am hiểu thời tiết ở biển, các anh còn là những người dày dặn kinh nghiệm, nắm rõ quy luật của những con sóng dữ giữa trùng khơi, mới chẻ sóng thành thạo, tiến thoái từng bước để đảm bảo an toàn cho cả đoàn công tác. Sau chuyến đi, bản thân tôi cố gắng góp một phần nhỏ vào công tác tuyên truyền sâu rộng trong đoàn viên, thanh niên về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của nước ta”.

Chuyến đi dù đã kết thúc hơn 1 năm, nhưng những kỷ vật nhỏ mang từ Trường Sa về với đất liền vẫn được tôi trân trọng lưu giữ một góc riêng cho mình. Ký ức về Trường Sa trở thành máu thịt trong tim tôi. Qua chuyến đi, tôi được trang bị thêm những kiến thức thực tế về biển, đảo Việt Nam, nhất là quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, về các hoạt động tiêu biểu của Hải quân nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Từ đó, giúp mọi thành viên trong chuyến đi có trách nhiệm tiếp tục tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về biển, đảo ngày càng sâu sắc hơn, sinh động hơn.

Bài, ảnh: NGUYỄN HƯNG