Nikkei Asia Review cho biết EVFTA sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á thứ hai, sau Singapore, có hiệp định thương mại như vậy với Liên minh châu Âu (EU).
Dự kiến, sau khi EVFTA có hiệu lực, 71% hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang EU và 65% hàng hóa của EU xuất khẩu sang Việt Nam sẽ được miễn thuế. Có tới 99% các loại thuế quan còn lại sẽ được Việt Nam bãi bỏ trong vòng 10 năm và EU bãi bỏ trong vòng 7 năm.
Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA sẽ là cơ hội lớn cho cho ngành da giày của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU. Ảnh: TTXVN
Theo báo trên, Việt Nam vẫn đang được hưởng lợi từ chương trình ưu đãi thuế quan của EU. Tuy nhiên, EVFTA chắc chắn sẽ khiến khối này trở thành khách hàng lớn hơn của Việt Nam. Đặc biệt, các ngành có thể sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ là may mặc và giày dép, vốn chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Nikkei Asia Review nêu rõ hy vọng đang gia tăng về việc EVFTA sẽ mang lại cú hích rất cần thiết cho Việt Nam – nền kinh tế được dự đoán sẽ tăng trưởng chậm hơn so với tốc độ 7% trước thời điểm xảy ra dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Không chỉ có Việt Nam, EVFTA được đánh giá là tin tốt cho các công ty đa quốc gia bên ngoài EU. Trong số các doanh nghiệp Nhật Bản, các công ty may mặc như Fast Retailing – doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng thời trang Uniqlo và có cơ sở sản xuất tại Việt Nam - và các hãng sản xuất phụ tùng ô tô, máy móc sẽ tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang châu Âu.
Riêng đối với Anh – quốc gia đã rút khỏi EU, nước này vẫn sẽ là một phần của EVFTA cho đến cuối năm 2020. Trong một hội nghị trực tuyến, Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward thông báo với các công ty Anh tại Việt Nam rằng hai nước đang làm việc về một thỏa thuận thương mại song phương và dự kiến sẽ đạt được vào cuối năm nay.
Về phần EU, EVFTA sẽ giúp cho EU tăng khả năng tiếp cận với một thị trường tiêu dùng hấp dẫn.
Sự kiện Quốc hội Việt Nam thông qua EVFTA với gần 95% đại biểu tán thành cũng được hãng tin Anh Reuters đưa tin và bình luận tích cực. Theo Reuters, hiệp định này sẽ mở cửa các lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam, trong đó có viễn thông, ngân hàng, vận tải... Reuters dẫn nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng 5-2020 cho rằng EVFTA sẽ tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam thêm 2,4%, xuất khẩu tăng 12% vào năm 2030 và giúp hàng trăm nghìn người thoát nghèo. WB nhận định những lợi ích đó đặc biệt cần thiết để duy trì những thành quả kinh tế tích cực trong lúc Việt Nam ứng phó với đại dịch COVID-19.
Trước đó, ngày 30-3, Hội đồng châu Âu đã phê chuẩn EVFTA. Đây là quyết định quan trọng, đánh dấu việc hoàn thành toàn bộ tiến trình phê chuẩn EVFTA về phía EU. Theo quy trình, EVFTA sẽ có hiệu lực thực thi sau khi được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và sau 30 ngày kể từ khi hai bên hoàn thành các thủ tục thông báo cho nhau.
Theo ĐÀO THANH TÙNG (TTXVN)