Tự tin giảm nghèo

24/11/2022 - 07:23

 - “Vươn lên thoát nghèo không khó, quan trọng là mình có muốn vượt khó hay không” - chị Nguyễn La Ngọc Loan (ngụ khóm Đông An 5, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) đúc kết, từ chính hành trình thoát nghèo của mình.

Cởi bỏ tư duy rụt rè

Hiện nay, hàng loạt chính sách giảm nghèo tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận đầy đủ dịch vụ xã hội cơ bản, được tiếp sức giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, chương trình hỗ trợ của người dân còn nhiều vướng mắc. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này đến từ nhận thức và tâm lý của người dân, khi họ chưa thực sự muốn thoát nghèo hoặc chưa đủ tự tin, hiểu biết để thụ hưởng chính sách giảm nghèo. Phần lớn thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định; thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản; thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm. Những cái khó ấy đan xen, kéo níu nhau, như một vòng lẩn quẩn.

Trong sự kiện truyền thông về giảm nghèo đa chiều được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp tổ chức tại An Giang, rất nhiều suy nghĩ đọng lại sau tiểu phẩm “Đường thoát nghèo”. Gia đình chị Thương đại diện cho một bộ phận hộ nghèo sống đắp đổi bằng nghề làm thuê, nằm trong danh sách hộ nghèo nhiều năm liền. Cái nghèo, cái đói luôn bủa vây, họ quyết định phải thoát khỏi. Con đường thoát nghèo của họ có sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là sự tự tin, tự chủ với ý chí vươn lên từ chính họ, để chuyển mình từ “thụ động” sang “chủ động” thoát nghèo. Kết thúc tiểu phẩm là lời khẳng định chắc nịch của các nhân vật: “Cứ làm đi, sai thì sửa, nhưng phải làm tới cùng. Nhất định sẽ thành công!”.

Trở lại câu chuyện của chị Loan, người phụ nữ đã từng nghèo khổ với công việc bán nước đá nhỏ lẻ. Không muốn cuộc sống chìm trong túng quẫn như trước, chị mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội do Hội LHPN phường Mỹ Xuyên giới thiệu. Cộng với tiền dành dụm, chị đầu tư vào kinh doanh nước giải khát các loại. Qua 2 năm kiên trì, đến nay chị thu lợi nhuận bình quân 15 triệu đồng/tháng. “Tôi rút ra nhiều kinh nghiệm, nhưng quan trọng hơn hết là tự bản thân phải có sự nỗ lực, kiên trì, quyết tâm vượt qua khó khăn, ham học hỏi, giữ vững chất lượng sản phẩm để mọi người tin dùng, khẳng định uy tín của mình” - chị Loan bày tỏ.

Tiếp thêm niềm tin

Phụ nữ, với những đặc thù về giới, cần sự tiếp sức mạnh mẽ từ vật chất đến tinh thần mới tăng khả năng thoát nghèo. Hội LHPN Việt Nam với vai trò là tổ chức chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em. Trong năm 2022, hội đề ra chỉ tiêu “Hàng năm, giúp 33.500 hộ có phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo” và khẩn trương thực hiện tiêu chí “Không đói nghèo” trong thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”.

Tại An Giang, Hội LHPN tỉnh tích cực triển khai hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bằng cách vận động hội viên, phụ nữ tham gia phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Giúp thoát nghèo có địa chỉ”, “Tổ hùn vốn xoay vòng”, xây dựng mô hình giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững... Hội viên phụ nữ là chủ doanh nghiệp, hộ sản xuất có ý tưởng khởi nghiệp sẽ được quan tâm hỗ trợ, giúp hoàn thiện ý tưởng, đưa sản phẩm ra thị trường. 

Ngoài ra, các cấp hội tăng cường mở rộng nguồn vốn tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn vay sản xuất - kinh doanh của phụ nữ. Tính đến tháng 7/2022, hội nhận ủy thác 19 chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội, dư nợ trên 1.186 tỷ đồng (chiếm 30% tỷ trọng so với 4 hội đoàn thể); hỗ trợ thành lập và duy trì 72 hợp tác xã do phụ nữ quản lý, điều hành (hơn 1.300 thành viên), góp phần tạo thêm việc làm cho phụ nữ nông thôn.

“Đây là những thành quả đáng được ghi nhận trong công tác giảm nghèo của Hội LHPN tỉnh. Vai trò của hội viên, phụ nữ trong việc tuyên truyền, vận động hỗ trợ, giúp đỡ nhau thoát nghèo là vô cùng quan trọng. Hội viên, phụ nữ trở thành những thành phần nòng cốt trong công tác tuyên truyền, thực hiện các mô hình, tổ hùn vốn, vay vốn ở địa phương, cùng giúp nhau thoát nghèo bền vững. Tại sự kiện truyền thông này, thông qua hình thức sân khấu hóa, tọa đàm về tạo dựng sinh kế bền vững và các hoạt động diễn ra trong sự kiện, chúng tôi mong muốn hội viên, phụ nữ và nhân dân được cung cấp thêm thông tin, kiến thức về chính sách, chủ trương hỗ trợ giảm nghèo của Đảng và nhà nước. Đồng thời, khuyến khích chị em hội viên, phụ nữ nỗ lực vượt qua khó khăn, tìm kiếm cơ hội thoát nghèo, xây dựng kinh tế bền vững tại địa phương” - bà Đặng Hương Giang (Phó Trưởng ban Tuyên giáo, Trung ương Hội LHPN Việt Nam) chia sẻ.

Thông qua nhiều hoạt động truyền thông giảm nghèo, thông điệp lớn nhất được đưa ra là: Con đường thoát nghèo chưa từng bằng phẳng. Nhưng, với sự vào cuộc của chính quyền, sự đồng hành của các đơn vị có thẩm quyền, cộng với khát khao, nghị lực thoát nghèo của chính người trong cuộc, con đường này sẽ dẫn tới tương lai tốt hơn!

Theo Báo cáo nghèo đa chiều quốc gia năm 2021, với chuẩn nghèo đa chiều mới, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của nước ta là 9,35%. Đây là bộ phận người dân khó có cơ hội thoát nghèo, tập trung chủ yếu ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tại tỉnh An Giang, theo kết quả rà roát, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 3,81% hộ nghèo (tương đương hơn 20.000 hộ); 5,89% hộ cận nghèo (hơn 31.000 hộ). Trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm rất lớn. Có thể nói, giải bài toán thoát nghèo là một thách thức đối với Việt Nam để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

GIA KHÁNH