Từ vùng Đông Xuyên hoang vu đến đô thị Long Xuyên sầm uất

22/11/2022 - 06:19

 - Nhìn lại 190 năm trước, với đức tính dũng cảm, cần cù, đầu óc đổi mới, nhạy bén đầy sáng tạo, cư dân người Việt đã biến vùng đất Long Xuyên còn hoang vu, rừng rậm xưa kia trở thành trung tâm kinh tế - xã hội và là lỵ sở của hạt Long Xuyên, tỉnh Long Xuyên và tỉnh An Giang ngày nay.

Dấu ấn thủ Đông Xuyên

Để tăng cường phòng thủ đạo Châu Đốc, năm 1789, tại vàm Tam Khê, chúa Nguyễn cho dựng lên đồn nhỏ gọi là thủ Đông Xuyên (khu vực cầu Hoàng Diệu ngày nay) để kiểm soát lưu thông trên sông, quản lý chủ quyền vùng đất mới mở và bảo vệ lưu dân người Việt đến làm ăn sinh sống. Vùng đất bên vàm Tam Khê được mang tên Đông Xuyên.

Đến cuối thế kỷ XVIII, dân cư vùng đất Long Xuyên còn thưa thớt, đất hoang nhiều, bởi địa thế trũng thấp, khí hậu khắc nghiệt. Vua Gia Long giao cho Trấn thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thoại tổ chức đào vét sông Đông Xuyên, nối hữu ngạn sông Hậu ra biển Tây tại Rạch Giá vào năm 1818. Sau khi đào xong, việc tưới tiêu, rửa đất được đảm bảo; ghe xuồng qua lại thuận tiện, hình thành mạch giao thông thủy ngắn nhất nối liền Đông Xuyên với Kiên Giang ra biển và ngược lại. Người dân lần lượt kéo đến khai hoang, sinh sống, mật độ dân số tăng lên, dẫn đến sự ra đời của thôn Mỹ Phước, Bình Đức (năm 1818), rồi thôn Mỹ Thạnh (năm 1820) thuộc huyện Vĩnh Định, trấn Vĩnh Thanh.

Về hoạt động kinh tế, sản xuất nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế vùng đất Long Xuyên. Theo kết quả đo đạc năm 1836, diện tích thực canh của vùng đất Long Xuyên là 2.048 mẫu, 10 sào, 14 thước, tương đương khoảng 1.002ha, trong đó diện tích trồng lúa chiếm 92,8% tổng diện tích, kế đến trồng khoai đậu, đất làm vườn và đất nhà ở. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, người dân làm ra dụng cụ phục vụ nghề nông và sinh hoạt gia đình, như: Nghề rèn, nghề mộc, nghề nấu dầu cá, nghề làm mắm, làm khô, làm nước mắm, nghề thủ công gia dụng (đan lát đồ mây tre, rổ, rá, thúng…).

Nhộn nhịp lỵ sở

Nhờ giao thông đường thủy thuận lợi, chợ Đông Xuyên sớm trở thành đầu mối giao lưu hàng hóa, hoạt động thương mại phát triển. Về sau, để cai trị và kiểm soát, Pháp chia tỉnh An Giang ra thành nhiều hạt Thanh tra. Năm 1868, chợ Đông Xuyên được chọn làm trung tâm chính trị, kinh tế của hạt, bởi có vị trí quan trọng về phương tiện giao thông. Địa danh Long Xuyên xuất hiện từ đây. Chợ Đông Xuyên đổi thành chợ Long Xuyên.

Theo các nhà nghiên cứu, với vị trí trung tâm hạt lỵ, Long Xuyên được chính quyền Pháp xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho bộ máy cai trị, các công trình giao thông, xây dựng phố chợ… Từ năm 1877, hạt lỵ Long Xuyên được chia thành 2 khu vực riêng biệt: Khu thương mại ở làng Mỹ Phước, khu hành chính ở làng Bình Đức.

Đến năm 1930, chợ Long Xuyên đã theo kịp các thành phố cũ lân cận, như: Sa Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho về quy mô xây dựng và hoạt động thương mại (chủ yếu lúa, gạo), giữ vai trò chợ đầu mối cho khu vực Tứ giác Long Xuyên - Rạch Giá - Hà Tiên - Châu Đốc. Chính sự phát triển nhanh đó, ngày 31/1/1935, Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định cải biến trung tâm tỉnh lỵ Long Xuyên thành thị xã hỗn hợp Long Xuyên (có tài liệu gọi là thành phố cấp 3 Long Xuyên).

Vùng đất Long Xuyên là trung tâm của tỉnh lỵ, nơi đặt các cơ quan đầu não của kẻ thù, địch thường xuyên phong tỏa, kiểm soát gắt gao và được xem rằng “khó có thể nổ ra các phong trào đấu tranh cách mạng” như ở các vùng nông thôn. Nhưng, với truyền thống yêu nước của dân tộc, ngay từ khi thực dân Pháp xâm lược, tại Long Xuyên đã có nhiều gia đình và cá nhân vùng lên hưởng ứng các cuộc đấu tranh do tầng lớp sĩ phu yêu nước khắp đất nước đứng lên phát động. Nhân vật tiêu biểu và mang đến tự hào cho người dân Long Xuyên là thanh niên Tôn Đức Thắng - sau này làm Chủ tịch nước - lớn lên từ quê hương Mỹ Hòa Hưng.

Đô thị ven sông hôm nay

Từ sau ngày giải phóng, Long Xuyên phát triển vượt bậc. Năm 1999, Long Xuyên đạt tiêu chuẩn đô thị loại III, được công nhận là thành phố, giữ vị trí chiến lược trong vùng ĐBSCL, dễ dàng kết nối đường không quốc gia, quốc tế; có đường thủy quốc tế sông Hậu.

Sau 10 năm xây dựng và phát triển, Long Xuyên được công nhận là đô thị loại II. Theo điều chỉnh quy hoạch vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, TP. Long Xuyên là đô thị loại I, trung tâm tăng trưởng kinh tế, trung tâm thương mại dịch vụ của tiểu vùng giữa đồng bằng tại khu vực phía Nam sông Hậu; là trung tâm đào tạo, chuyển giao công nghệ, trung tâm công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với tỉnh An Giang, vùng ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.

Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, cùng với nỗ lực vượt qua khó khăn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, TP. Long  Xuyên đã có bước phát triển mạnh mẽ, năng động; nền kinh tế tăng trưởng nhanh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ trong nền kinh tế.

TP. Long Xuyên hiện là đô thị có tỷ trọng thương mại dịch vụ cao nhất trong hệ thống các đô thị tỉnh lỵ của vùng ĐBSCL trên 80%; cơ cấu nông nghiệp chuyển đổi nhanh, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, có sức cạnh tranh trong nước và thị trường khu vực, quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển đô thị; từng bước xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, mở rộng không gian đô thị với nhiều công trình dịch vụ công cộng, góp phần nâng cao chất lượng đô thị.

GIA KHÁNH