Tái hiện vua đi cày tại Hội Tịch điền
Ngày 22-2 (tức mùng 7 Tết Mậu Tuất), tại xã Đọi Sơn (huyện Duy Tiên, Hà Nam), UBND huyện Duy Tiên đã tổ chức khai Hội Tịch điền nhằm khuyến khích nông trang và cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.
Lễ Tịch điền được mở đầu bằng nghi thức rước chân nhang vua Lê Đại Hành từ đền Lăng ở Bảo Thái (xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm). Tiếp đó là các nghi lễ: Cáo yết mở cửa đình, Lễ rước nước lên Đàn tế Thần nông, Lễ sái tịnh, Lễ cầu an trên chùa Đọi, Lễ rước kiệu vua Lê Đại Hành, kiệu Thành hoàng làng và kiệu Tổ nghề trống, Lễ Khai hội tịch điền, Lễ dâng hương trước bàn thờ Thần nông và Linh vị vua Lê Đại Hành… Trong đó, nghi lễ chính là lễ Tịch điền được phục dựng theo thứ tự Vua Lê Đại Hành (do vị bô lão của làng Đọi nhấp thế, mặc Long bào, đeo mặt nạ) cày 3 sá đầu tiên.
Phần hội cũng diễn ra hàng loạt những hoạt động văn hóa, thể thao như: Giải vật mùa xuân thượng võ, thi đấu bóng chuyền, cờ tướng, biểu diễn nghệ thuật chèo, cùng nhiều trò chơi dân gian… Tại lễ khai hội, UBND tỉnh Hà Nam đã trao giấy chứng nhận Nông thôn mới cho các xã đạt tiêu chuẩn.
Theo ông Trương Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Tiên, sau nhiều năm bị gián đoạn, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được khôi phục lần đầu vào mùng 7 tháng Giêng năm Kỷ Sửu (năm 2009) nhằm tái hiện huyền tích vua Lê Đại Hành làm Lễ tịch điền, nhà vua xuống đồng cày ruộng ở chân núi Đọi từ hơn một ngàn năm trước. Từ đó, lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn được tổ chức trang trọng vào mùng 7 tháng Giêng hàng năm.
Trước đó, nằm trong khuôn khổ của lễ hội Tịch điền, hội thi vẽ trang trí trâu cũng được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Nam tổ chức. Tham gia hội thi có 20 họa sĩ đến từ Hà Nội, Hà Nam và một số họa sĩ trẻ quốc tịch Mỹ, Tây Ban Nha. Hầu hết các họa sĩ đều chọn cách thể hiện tác phẩm nghệ thuật trên mình trâu là các hình vẽ mang đậm chất truyền thống lễ hội và mang đậm bản sắc của nền nông nghiệp, tạo nên những chú trâu khác biệt, độc đáo.
Tái hiện vua đi cày tại Hội Tịch điền
Tưng bừng khai hội
Đúng 23 giờ ngày 22/2 (tức mùng 7 tháng Giêng), chợ Viềng (Nam Định) đã khai hội. Người mua, người bán tấp nập. Năm nay, phiên chợ diễn ra trong tiết trời mưa rét, nhưng không vì thế mà ngăn được bước chân của người dân khắp nơi đổ về. Ai đến chợ cũng đều mong muốn sẽ được may mắn trong năm mới, bởi phiên chợ mua may bán rủi này mỗi năm chỉ họp đúng một lần. Cảnh mua bán diễn ra tấp nập lúc nửa đêm. Theo truyền thống, chợ Viềng bắt đầu họp từ đêm mùng 7 tháng Giêng, đến hết ngày mùng 8 thì kết thúc chợ. Nhiều năm nay, từ sáng ngày trước đêm chợ khai hội hàng vạn người đã kéo nhau về đây đi chợ. Tuy nhiên, nhiều người quan niệm rằng, muốn có may mắn thì phải mua hàng lúc nửa đêm khai chợ, vì thế mà cảnh mua bán thời điểm này diễn ra tấp nập hơn cả.
Lễ hội Lim năm nay sẽ diễn ra vào 2 ngày là 12 và 13 tháng Giêng (tức 27 và 28/2) tại 3 xã thuộc tổng Nội Duệ xưa, nay là thị trấn Lim, xã Nội Duệ và xã Liên Bão, trong đó trung tâm lễ hội là núi Hồng Vân (núi Lim), thị trấn Lim. Theo Ban tổ chức, từ năm ngoái lễ hội đã hạn chế được hiện tượng liền anh, liền chị trên bến, dưới thuyền “ngả nón xin tiền” gây phản cảm cho người dự hội, chỉ còn một, hai cá nhân riêng lẻ có hình ảnh không đẹp chứ không thể coi đó là hiện tượng của lễ hội. Năm nay để không xảy ra những hành động nói trên, BTC tiếp tục áp dụng những biện pháp nhắc nhở, tuyên truyền và đề nghị các CLB tham gia biểu diễn ký cam kết. Người nào vi phạm sẽ có biện pháp "mạnh tay” không cho biểu diễn trong những kỳ lễ hội sau, và không được tham gia vào những chương trình văn hóa, nghệ thuật do địa phương tổ chức.
Bên cạnh đó, Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh) sẽ diễn ra từ mùng 10 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Không chỉ là lễ hội thu hút đông đảo khách du lịch, hội xuân Yên Tử 2018 còn là một trong những sự kiện mở đầu chào đón Năm Du lịch quốc gia 2018 do tỉnh Quảng Ninh đăng cai tổ chức. Theo đó, chương trình khai hội sẽ diễn ra vào 8 giờ sáng ngày 25/2/2018 tại Trung tâm văn hóa Trúc Lâm, thuộc dự án Khu trung tâm lễ hội Yên Tử. Đây là năm đầu tiên lễ hội được tổ chức tại đây với không gian đẹp, hiện đại và quy mô hơn.
Lễ hội đền Trần (Nam Định) sẽ diễn ra trong khoảng thời gian 26/2 đến 3/3 (tức 11 đến 16 tháng Giêng) với rất nhiều hoạt động văn hóa truyền thống độc đáo như: Rước kiệu Ngọc Lộ; rước nước, tế cá; múa lân; biểu diễn võ thuật...; trong đó, trọng tâm là lễ khai ấn diễn ra đêm 14 tháng Giêng. Năm nay BTC lễ hội sẽ chuẩn bị đủ số lượng ấn và phát cho nhân dân, du khách từ 5 giờ ngày 15 tháng Giêng (tức 2/3 dương lịch) cho đến khi hết ấn. Hội Xuân núi Bà Đen cũng tổ chức từ mùng 5 đến mùng 8 tháng Giêng năm Mậu Tuất. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần cáp treo núi Bà Ðen cũng đưa vào khai thác hệ thống máng trượt mới theo công nghệ châu Âu, với các ưu điểm vượt trội so với hệ thống máng trượt trước đây. Máng trượt mới có hệ thống giám sát hành trình, tránh tình trạng xe đụng nhau, khi xe đạt tốc độ trên 40km/h sẽ tự động kích phanh giảm tốc độ… tạo an toàn tuyệt đối cho du khách.
Xử lý nghiêm hành vi phản cảm, bạo lực trong lễ hội
Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) vừa gửi công văn số 91/VHCS-QLHĐLH tới Sở VH-TT, Sở VH-TT&DL các địa phương về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu năm 2018. Theo công văn, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong những ngày đầu xuân Mậu Tuất 2018 đã diễn ra an toàn, tiết kiệm, phù hợp truyền thống văn hóa của dân tộc, thuần phong mỹ tục, tập quán của địa phương. Tuy nhiên, ở một số lễ hội, di tích vẫn còn để xảy ra hiện tượng đổi tiền lẻ, rải tiền lễ, đặt tiền lễ không đúng nơi quy định, nguy cơ cháy nổ, mất an toàn trong di tích và lễ hội.
Xây dựng phương án bảo đảm an ninh, trật tự, công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt chú trọng đến phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người tham gia hoạt đông lễ hội; tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy tại di tích và lễ hội.
Các di tích phải có biện pháp kịp thời thu gom tiền lẻ, tiền đặt lễ; hướng dẫn người dân thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh... Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong quản lý và tổ chức lễ hội; không để xảy ra các hành vi phản cảm, kích động bạo lực, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.
Trước đó, sáng 21/2 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Mậu Tuất), lễ khai hội chùa Hương 2018 đã diễn ra với sự tham gia của hàng nghìn du khách. Cũng theo BTC lễ hội năm nay sẽ có khoảng 4.500 đò tham gia phục vụ du khách, dự kiến đón khoảng 1,5 triệu lượt khách đến lễ chùa và du lịch. Năm nay tại lễ hội chùa Hương, giá dịch vụ không thay đổi. Vé thắng cảnh chùa Hương 80.000 đồng/lượt, dịch vụ đò 50.000 đồng/người, gửi xe 9 chỗ trở xuống 40.000 đồng/lượt vào ban ngày, 60.000 đồng/lượt vào ban đêm, xe máy 2.000 đồng/lượt vào ban ngày, 5.000 đồng/lượt vào ban đêm. Đặc biệt, năm nay, lực lượng ứng trực bảo đảm an ninh trật tự lễ hội được tăng cường nhằm siết chặt công tác quản lý, bảo đảm tốt việc kiểm soát vé tham quan thắng cảnh, phát hiện sớm hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu và xử lý nghiêm đối với những trường hợp chèo kéo, nhũng nhiễu, lừa đảo du khách... Cùng với hoạt động tuần tra liên tục của các tổ kiểm tra liên ngành, BTC còn niêm yết công khai số điện thoại của lãnh đạo huyện để du khách có thể liên lạc trực tiếp khi cần thiết. Bên cạnh đó, công tác quản lý cũng đã được siết chặt để tránh tình trạng tranh giành cướp lộc như năm 2017. Từ 8 giờ sáng, các nhà sư và BTC kết thành hai dải vải ngăn cách khu vực làm lễ tránh tình trạng chen lấn. Đặc biệt, trong phần nghi lễ khai hội đã không tiến hành phát lộc nên đã giảm tải được tình trạng du khách chen lấn, xô đẩy để cướp lộc.
Cũng trong ngày 21/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tới dự và đánh trống khai hội chùa Bái Đính năm 2018. Từ nhiều năm nay, cứ vào mùng 6 tháng Giêng, chùa Bái Đính lại đón hàng nghìn tăng ni, phật tử cùng du khách thập phương về trẩy hội, chiêm bái, lễ phật, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.
Chùa Bái Đính cổ được xây dựng cách đây hàng nghìn năm, là một trong những danh thắng nổi tiếng của đất Cố đô; dù trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử nhưng chùa Bái Đính cổ vẫn được tăng ni, tín đồ phật tử và nhân dân trân trọng, gìn giữ. Theo BTC lễ hội, trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, BTC sẽ phối hợp với Công an huyện Gia Viễn và Công an tỉnh Ninh Bình thực hiện các nhiệm vụ hướng dẫn phân luồng giao thông, phát hiện, xử lý các vi phạm trộm cắp, móc túi, cướp giật có thể xảy ra; chấn chỉnh các dịch vụ xe chở khách, bán hàng rong chèo kéo khách và các vi phạm lợi dụng nơi đông người phát tán tài liệu, tuyên truyền vi phạm pháp luật…
Nhiều hoạt động văn hóa truyền thống
Lễ hội truyền thống không chỉ thu hút du khách bởi không gian tâm linh với những nghi thức quan trọng trong phần lễ, mà còn đặc biệt hấp dẫn công chúng bởi các hoạt động văn hóa truyền thống trong phần hội. Tại di tích đền Sóc năm nay, khu vực tổ chức lễ hội đã được mở rộng hơn để có thể đưa thêm nhiều hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian vào không gian lễ hội. Người dự hội có thể tham gia nấu cơm thi, theo dõi những màn đấu vật cổ truyền, cờ tướng, đánh đu, xem phần tái hiện lễ kéo mỏ...
BTC các lễ hội khác như Lễ hội đền Cổ Loa (Đông Anh), Hội chùa Trầm (Chương Mỹ), Hội gò Đống Đa (quận Đống Đa), Hội đền Hai Bà Trưng (Mê Linh) cũng tăng cường nhiều hoạt động vui chơi giải trí. Đó vừa là cách góp phần giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống, vừa nhằm giảm tải lượng người tập trung tại khu vực hành lễ, tránh nguy cơ ùn tắc giao thông.
Mùa lễ hội năm 2018 vừa mới khai mạc và sẽ còn diễn ra trong thời gian dài. Theo đánh giá của Thanh tra Bộ VH-TT&DL, các địa phương đều đã quan tâm chỉ đạo, ban hành các văn bản chỉ đạo yêu cầu đảm bảo văn minh, an toàn, trật tự trong hoạt động lễ hội trên địa bàn. Bên cạnh đó, nhiều lễ hội có kịch bản phần lễ, phần hội ngày càng được hoàn chỉnh, khôi phục các trò chơi dân gian, phát huy được truyền thống văn hóa, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Thủ tướng: Không đi lễ hội giờ hành chính, không dùng xe công đi lễ hội
Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới (21-2), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Đặc biệt, công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động, khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên, đặc biệt là những công việc tồn đọng, chậm tiến độ do nghỉ Tết, những công việc và thủ tục trực tiếp liên quan đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp và nhân dân.
"Không tổ chức du Xuân, liên hoan, chúc Tết làm ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc. Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính. Không sử dụng xe công đi lễ hội trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ. Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công"- công điện của Thủ tướng nêu rõ.
Theo HUYỀN MINH - DUY LINH (Dân Sinh)