Ông Chiến và cháu ngoại
Hơn nửa đời ông Chiến chỉ biết lặng lẽ làm việc kiếm tiền để nuôi vợ, con và 2 đứa cháu. “Lặng lẽ” đúng theo nghĩa đen và nghĩa bóng đã “bấu víu” cuộc đời ông, bởi ông hoàn toàn không thể nghe và không thể nói. Bệnh câm điếc bẩm sinh làm ông chỉ có thể nhìn và hiểu cuộc đời qua ánh mắt và tư duy. Cảnh đời bất hạnh của ông Chiến bắt đầu từ những tháng ngày vợ ông chết, để lại đứa con gái đang tuổi thiếu niên. Lớn lên, cô con gái lập gia đình, nhưng không bao lâu hôn nhân đổ vỡ, cô một nách hai con trở về nhà cha ruột. Những tưởng có thể xây dựng cuộc sống mới, vậy mà cơn bạo bệnh kéo đến đã cướp đi sinh mạng người mẹ của 2 đứa con khi ấy chỉ mới 5 tuổi và giáp thôi nôi. Từ đó, cuộc sống ông Chiến khó khăn hơn bao giờ hết.
Những ngày đi làm thuê, làm mướn ngoài đồng ruộng, ông Chiến phải gửi cháu cho nhà hàng xóm, khi không gửi được ông đành mang theo. Vào mùa nước nổi, ông bơi xuồng đi giăng câu, bắt cá cũng phải mang 2 đứa trẻ đi cùng. Người chứng kiến ai cũng lo sợ ông mải mê làm việc, mấy đứa nhỏ có thể bị rơi xuống nước lúc nào không hay. Khi được bà con nhắc nhở, ông chú ý hơn và buộc chân 2 đứa trẻ vào xuồng. Năm tháng trôi qua, dù bữa đói bữa no nhưng 2 đứa trẻ lần lượt khôn lớn. Không còn cảnh mưu sinh theo con nước, ông Chiến cặm cụi với công việc cắt lúa, bón phân, làm đất. Đứa cháu trai nào được ăn học gì, 13 tuổi đã biết phụ ông ngoại vác lúa, làm cỏ, mong có thêm ít tiền để đứa em gái được cắp sách đến trường. Nay đứa cháu trai đã 19 tuổi vẫn ngày ngày đi khắp xóm tìm việc làm thuê, mướn, ông Chiến vẫn miệt mài làm ngoài đồng từ 5 giờ sáng đến 12 giờ trưa, có nhiều việc thì làm tới chiều tối, khi không ai thuê mướn thì mấy ông cháu phải sống hết sức tằn tiện qua ngày.
Cô Tư (người hàng xóm gần nhà ông Chiến) chia sẻ: “Trước kia, nhà ông Chiến ở xóm trên, mấy ông cháu sống khổ lắm. Căn nhà dột trước, dột sau như lán trại tạm bợ. Nay ông Chiến được chính quyền địa phương quan tâm tặng căn nhà “Mái ấm tình thương” nên chỗ ăn, ở đỡ hơn chút. ở tuổi 64 nhưng ông Chiến vẫn ngày ngày đi làm thuê, mướn, mò ốc, hái rau để có thêm miếng ăn cho mấy ông cháu”. Phó Trưởng ban Nhân dân ấp Tân Lợi Nguyễn Thị Cẩm Vân cho biết: “Gia đình ông Chiến thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh rất khó khăn. Biết được tình cảnh khó khăn của ông, hàng xóm luôn chung tay giúp đỡ, từ việc góp sữa, gạo nuôi các cháu khôn lớn. Giờ thương nhất vẫn là cháu gái Phan Thị Bảo Ngọc, cháu ấy rất thích đi học nhưng năm trước do hoàn cảnh quá khó khăn nên đang học lớp 6 em phải nghỉ học giữa chừng. Nhà trường và địa phương đã hỗ trợ, vận động nên năm nay cháu đi học trở lại. Dù vậy, với tình cảnh gia đình, con đường đến trường của cháu Ngọc hết sức gian nan. Chúng tôi rất mong sự quan tâm, giúp đỡ của những tấm lòng nhân ái gần xa để ước mơ đến trường của Ngọc bớt gian nan”.
Mọi chia sẻ, giúp đỡ, bạn đọc có thể gửi về địa chỉ: Ban Công tác Xã hội- Từ thiện Báo An Giang (số 399B Hà Hoàng Hổ, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang), điện thoại: 0986.058.053. Tên tài khoản: Báo An Giang, số tài khoản: 6700201006825 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn- Chi nhánh An Gian |
Bài, ảnh: NGỌC GIANG