Di chỉ văn hóa Óc Eo được nhà khảo cổ người Pháp – ông Malleret phát hiện năm 1942. Sau đợt khảo sát các di tích lịch sử văn hóa từ 1985-1987, ở An Giang phát hiện thêm 2 di tích liên quan đến nền văn hóa Óc Eo là hai bia đá lộ thiên và tượng Phật bốn tay tại chùa Linh Sơn. Chùa được xây dựng trên nền đất cao, bao quanh có rất nhiều cây đại thụ, không gian quanh năm mát mẻ và xanh tươi.
Theo Địa chí An Giang, vào năm 1913, tại khu vực dân cư gần chợ Ba Thê, nhân dân phát hiện được tượng Phật. Một nhóm người Khmer phát hiện đầu tiên, từ độ sâu khoảng 2m, họ không thể nào đem tượng Phật lên được đành phải bỏ cuộc.
Nhóm người Việt xung quanh đó hợp sức nhau dùng đòn bẩy và dây gánh tượng lên mặt đất khá dễ dàng. Thế là tượng Phật thuộc quyền sở hữu của người Việt và họ mang về địa điểm như hiện nay.
Một điều thú vị nữa là khi mang tượng về đặt đứng rất ăn khớp giữa hai bia đá cổ. Mặt bia đá khắc chữ lạ chưa ai đọc và hiểu được nội dung nói điều gì.
Từ đó nhân dân xây dựng mái che và trở thành ngôi chùa Linh Sơn để bảo vệ tốt cho tượng Phật và hai bia đá.
Sau những lần trùng tu, tôn tạo ngôi chùa, tượng Phật đứng được nghệ nhân đắp thêm phần chân ngồi kiết già,tô chỉnh phần mặt và thân, khiến tượng có dáng vóc là Phật Thích Ca Mâu Ni tọa thiền, nhưng lại có bốn tay.
Những viên gạch phủ rêu được khai quật cùng lúc với tượng Phật bốn tay, được di chuyển về chùa, ốp gạch thành những dốc đá.
Chùa trở thành điểm tâm linh thu hút đông đảo người dân đến chiêm bái. Và cũng là không gian vui chơi yêu thích của những đứa trẻ bản địa bởi không gian mát mẻ, yên bình.
Ngày 18/1/1988, Bộ Văn hóa ra quyết định số 28/VHQĐ công nhận hai bia đá và tượng Phật bốn tay là di tích kiến trúc nghệ thuật. Đây cũng là cơ sở nền tảng để các nhà khảo cổ học tiếp tục nghiên cứu, khảo sát và khai quật nhiều địa điểm khác quanh phạm vi trung tâm nền văn hóa Óc Eo xã Vọng Thê (huyện Thoại Sơn).
MỸ HẠNH