Tuyển Việt Nam học được gì sau trận lượt đi gặp Ả Rập Xê Út?

15/11/2021 - 10:16

Tuyển Việt Nam đã có những bài học quý giá trước trận lượt về tại Mỹ Đình hôm 16-11 tới

Tuyển Việt Nam suýt gây bất ngờ trước Ả Rập Xê Út ở trận lượt đi khi dẫn trước trong 45 phút đầu, trước khi kết thúc trận đấu với tỉ số chung cuộc 3-1, nghiêng về đội bạn.

Thầy trò HLV Park Hang Seo đã có những bài học quý giá trước trận lượt về tại Mỹ Đình hôm 16/11 này. Trận đấu sẽ được tường thuật trực tiếp vào lúc 19h00 trên các nền tảng đa dạng của FPT Play.

Tuyển Việt Nam học được gì sau trận lượt đi gặp Ả Rập Xê Út? - 1

Hoàng Đức (số 14) đã không thể hiện được nhiều trong việc hỗ trợ phòng ngự  (Nguồn ảnh: PV LT)

Sau trận đấu trước Nhật Bản, tuyển Việt Nam chỉ có 4 ngày chuẩn bị cho cuộc so tài với Ả Rập Xê Út trên sân Mỹ Đình vào ngày 16/11 tới. Đối thủ của Quang Hải cùng đồng đội hiện dẫn đầu bảng B sau lượt đi với 13 điểm. 90 phút cầm hòa Australia trên sân khách cho thấy Ả Rập Xê Út là đội bóng lì lợm, khó bị đánh bại. 

Tuyển Việt Nam sẽ phải làm song song hai nhiệm vụ: khắc phục điểm yếu lộ ra ở cuộc so tài với Nhật Bản, đồng thời khai thác lỗ hổng bên phía hàng thủ đội bóng Tây Á.

Ở lần gặp lại thứ hai này, thầy trò HLV Park Hang Seo đã có kinh nghiệm, biết rõ hơn về đối thủ của mình. Những bài học sâu sắc trong những trận đấu đã qua sẽ là cơ sở để Quế Ngọc Hải và các đồng đội hướng đến một kết quả có lợi hơn.

Cự ly đội hình cần duy trì ổn định

Bài học đầu tiên có thể kể đến chính là việc duy trì cự ly và tổ chức đội hình ra sân sau 5 trận đã đấu. Tuyển Việt Nam để lộ nhiều khoảng trống khi hàng tiền vệ dâng lên cao tranh cướp bóng từ khu vực giữa sân của đối phương khiến cặp tiền vệ trung tâm là Hoàng Đức và Tuấn Anh ở quá xa hàng phòng ngự.

Khi một trong hai cầu thủ này dâng lên để áp sát tiền vệ đối phương là lúc khoảng không gian giữa tiền vệ và hàng phòng ngự 3 người bị kéo giãn. Các cầu thủ nhanh nhẹn, kỹ thuật tốt như Salman Al-Faraj, Salem Al Dawsari hay Abdullah Otayf thoải mái di chuyển ở khu vực trung lộ cầm bóng, hướng các đường chuyển sang hai biên. 

Tuyển Việt Nam học được gì sau trận lượt đi gặp Ả Rập Xê Út? - 2

Hàng thủ ĐT Việt Nam nhiều lần lao đao vì không hỗ trợ được lẫn nhau  (Nguồn ảnh: PV LT)

Thậm chí, ở nhiều thời điểm trong hiệp 1 của các trận đấu đã qua, cả Tuấn Anh và Hoàng Đức còn được đẩy lên rất cao, thi đấu ngay sau lưng Tiến Linh để áp sát bóng. Khoảng không gian này đã bị khai thác triệt để ngay đầu hiệp 2, các cầu thủ áo trắng thực hiện nhiều đường chuyền từ biên vào khống trống giữa hàng tiền vệ và phòng ngự này.

Ngoài ra, khối phòng ngự mà tuyển Việt Nam giăng ngang trước khung thành không có sự hỗ trợ bọc lót cho nhau tốt trong lần đầu tiên tham dự Vòng loại thứ ba một kỳ World Cup. Không gian giữa Văn Thanh và Thành Chung thường xuyên bị đối thủ xuyên phá dẫn đến những tình huống căng ngang vào trong hay những pha thoát xuống của tiền đạo. 

Lỗ hổng này được HLV Park Hang Seo nhận ra sau trận đấu. Những điều chỉnh cự ly hợp lý cùng khả năng thông tin khi áp sát tranh cướp bóng giúp tuyển Việt Nam chơi tốt hơn hẳn trong cuộc đối đầu Australia trên sân nhà. Đội bóng áo vàng không có quá nhiều tình huống xộc thẳng vào giữa trung lộ như Ả Rập Xê Út đã làm.

Áp lực lên đối thủ ngay từ hàng công

Bên cạnh lỗi hệ thống về cự ly, việc tuyển Việt Nam bị đối phương tấn công dồn dập còn đến từ việc hàng công không thể kiểm soát bóng và gây áp lực lên hàng thủ đối phương. Điều này dẫn đến việc hai hậu vệ biên của Saudi Arabia là Yasir Al Shahrani và Abdulelah Al Amri thoải mái dâng cao tấn công trong trận đấu lượt đi.

Tuyển Việt Nam học được gì sau trận lượt đi gặp Ả Rập Xê Út? - 3

Quang Hải nên có thêm nhiều tình huống áp sát hoặc chủ động cầm bóng nhiều hơn để giảm tải áp lực cho tuyến tiền vệ. (Nguồn ảnh: AFC)

Như vậy, hàng phòng ngự trước mặt thủ thành Tấn Trường phải chịu thêm áp lực rất lớn bởi lực lượng tấn công từ đối thủ được nâng lên thành 7. Phía hành lang cánh là Văn Thanh, Trọng Hoàng cũng sẽ bị xuyên phá bởi 3 tới 4 cầu thủ đối phương. Đội hình tuyển Việt Nam lúc này phải di chuyển theo mong muốn từ đối phương và hoàn toàn bị động.

Nếu Tiến Linh, Phan Văn Đức và Quang Hải ở trên có thể cầm được bóng và chuyển trạng thái tốt để gây áp lực lớn lên hàng phòng ngự, hai hậu vệ cánh của Ả Rập Xê Út sẽ không mạo hiểm dâng lên quá cao. Nếu tham gia tấn công sâu phần sân tuyển Việt Nam, hai biên của “Chim ưng xanh” sẽ bị khai thác.

Khi đó, hai trung vệ phía trong gặp phải áp lực cực lớn trong những tình huống phản công nhanh. Tình huống ở phút 15 trong trận đấu lượt đi trên sân King Saud University giữa 2 đội, thủ thành Mohammed Al Owais phải băng ra cản phá đường chuyền của Văn Đức cho Tiến Linh là ví dụ điển hình.

Tuyển Việt Nam học được gì sau trận lượt đi gặp Ả Rập Xê Út? - 4

ĐT Việt Nam cần hạn chế tối đa những tình huống phối hợp giữa sân của các cầu thủ Ả Rập Xê Út. (Nguồn ảnh: AFC)

Đáng tiếc, đoàn quân áo đỏ vẫn chưa có được nhiều tình huống nguy hiểm về phía khung thành đối phương theo kịch bản chơi phòng ngự tấn công như vậy.

Trong lần gặp lại tại sân Mỹ Đình, HLV Park Hang Seo cùng các học trò chắc chắn sẽ có màn thể hiện khác khi họ đã có những bài học bổ ích cho mình qua 5 trận đấu và đặc biệt là cuộc đối đầu ở trận lượt đi. Ông thầy người Hàn Quốc sẽ có tính toán để khắc phục các tình huống xuống nách và đánh vỗ mặt từ trung lộ của đối thủ Ả Rập Xê Út.

Tuyển Việt Nam đã chơi đầy cố gắng trước khán giả nhà ở cuộc tiếp đón Nhật Bản. Giờ là lúc tái hiện nhuệ khí ấy, nhưng đan cài với cách tiếp cận và chiến thuật hợp lý hơn để có điểm số lịch sử. 

Theo HỒNG NAM (VTC News)