Tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở An Giang đạt cao

21/08/2021 - 09:57

 - Trên thực tế, An Giang đã triển khai tiêm chủng đạt tỷ lệ gần 80% so số lượng vaccine ngừa COVID-19 Bộ Y tế phân bổ. Tuy nhiên, do tiến độ nhập liệu chậm, số liệu thể hiện trên Cổng thông tin tiêm chủng vaccine COVID-19 của Bộ Y tế chỉ đạt khoảng 22%. Điều này, gây hiểu lầm khi An Giang nằm trong “nhóm 10 tỉnh bị bêu tên vì tiêm vaccine chậm”.

Tiến độ đẩy nhanh

An Giang là tỉnh có đường biên giới dài giáp Campuchia, có nhiều tuyến đường thủy, đường bộ kết nối với những tỉnh, thành phố có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19. Trên thực tế, tình hình dịch bệnh ở An Giang vẫn diễn biến phức tạp, mỗi ngày có trên dưới 30 trường hợp mắc mới. Các trường hợp mắc xuất phát từ các tài xế vận chuyển hàng hóa, tài công... gây ra chùm ca bệnh. Ngoài ra, những người về từ các tỉnh, thành phố có dịch, một số thương lái thu mua nông sản cũng gây lây bệnh.

Giám đốc Sở Y tế An Giang Trần Quang Hiền, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cho biết, khi triển khai đẩy mạnh xét nghiệm sàng lọc, tầm soát diện rộng nhằm sớm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, từ ngày 15-8-2021 đến nay, An Giang đã phát hiện 233 trường hợp F0 tại 7 huyện, thị xã, thành phố. Toàn tỉnh hiện đang tiếp tục thực hiện xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng để đưa F0 ra khỏi cộng đồng.

An Giang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19

Bên cạnh sàng lọc, truy vết, cách ly điều trị, An Giang xác định chiến lược vaccine là giải pháp vừa cấp bách,  vừa lâu dài, giúp ngăn ngừa, kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Với dân số đông, An Giang đã để xuất Bộ Y tế đẩy mạnh phân bổ vaccine cho tỉnh, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng khi được phân bổ.

Ngày 8-8 vừa qua, tại buổi làm việc với đoàn công tác Trung ương do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia dẫn đầu, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình khẳng định: “Nếu được phân bổ đủ lượng vaccine ngừa COVID-19 trong năm 2021, An Giang sẽ triển khai tiêm chủng cho ít nhất 95% dân số từ đủ 18 tuổi trở lên, sớm tạo miễn dịch cộng đồng”.

Trên thực tế, tốc độ tiêm chủng ở An Giang đạt khá cao. Giám đốc Sở Y tế Trần Quang Hiền cho biết, đến nay, tổng số vaccine An Giang được nhận từ Bộ Y tế là 192.660 liều, trong đó vaccine AstraZeneca 154.050 liều, vaccine Pfizer 5.850 liều, vaccine Moderna 32.760 liều. Tỉnh đã triển khai tổ chức tiêm 5 đợt. Kết quả, tính đến ngày 18-8-2021, đã tiêm được 148.939 liều, đạt tỷ lệ 77,3% so tiến độ theo lượng vaccine được phân bổ.

Cụ thể, đợt 1 đã tiêm 20.848 liều mũi 1; đợt 2 tiêm 31.089 liều (31.034 liều mũi 1; 55 liều mũi 2); đợt 3 tiêm 44.222 liều (25.347 liều mũi 1; 18.875 liều mũi 2); đợt 4 tiêm 28.166 liều mũi 1; đợt 5 tiêm 24.614 liều (13.509 liều mũi 1; 11.105 liều mũi 2). Số còn lại đang tiếp tục tiêm cho mũi 1 và để lại tiếp tục tiêm cho mũi 2 khi đủ thời gian.

Khó khăn nhập liệu

Trưa 20-8, một số báo dẫn nguồn từ Cổng thông tin tiêm chủng vaccine COVID-19 (https://www.tiemchungcovid19.gov.vn/portal), “bêu tên” 10 tỉnh, thành phố tiêm chậm tính theo số mũi tiêm trên số vaccine được phân bổ thực tế, gồm: Bình Thuận, Quảng Nam, Thái Bình, Hà Giang, An Giang, Kiên Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Y tế An Giang Trần Quang Hiền, nguyên nhân số liệu thể hiện An Giang có tỷ lệ tiêm chủng thấp là do số liệu cập nhập lên Cổng thông tin tiêm chủng vaccine COVID-19 có độ “vênh” so với số mũi tiêm đã triển khai. Trên thực tế, tỷ lệ tiêm chủng ở An Giang đạt khá cao nhưng do nhân viên y tế không nạp liệu kịp, con số cập nhật đạt thấp.

Ví dụ như đến 8 giờ, ngày 18-8, tổng số liều đã tiêm thực tế của An Giang là 133.051 liều nhưng lũy kế nhập liệu chỉ đạt 29.133 liều, tỷ lệ nhập liệu chỉ đạt 21,9%. Đến 8 giờ, ngày 19-8, tổng mũi tiêm thực tế 135.775 liều nhưng nhập liệu 31.338 liều, tỷ lệ nhập liệu 23,08%. Đến 8 giờ, ngày 20-8, tổng mũi tiêm thực tế 143.349 liều nhưng nhập liệu 34.288 liều, tỷ lệ nhập liệu 23,92%...

Theo Sở Y tế An Giang, nguyên nhân của tình trạng nhập dữ liệu chậm là do nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không lập danh sách hồ sơ theo đúng mẫu của ngành y tế. Sau khi tiêm, nhân viên y tế phải lục hồ sơ giấy để nhập liệu thủ công nên mất nhiều thời gian. Ở nhiều nơi, nhân viên y tế phải tập trung công tác chống dịch nên tiến độ nhập liệu thủ công chậm.

Để đẩy nhanh tiến độ cập nhật, đồng bộ số lượng tiêm chủng thực tế của An Giang lên Cổng thông tin tiêm chủng vaccine COVID-19 quốc gia, Sở Y tế khuyến cáo người dân cần tăng cường cài đặt, sử dụng “Sổ sức khỏe điện tử” và nhập dữ liệu đầy đủ thông tin tiêm ngừa COVID-19 trên hệ thống “Hồ sơ sức khoẻ” phân hệ tiêm chủng COVID-19, giúp người dân đăng ký, tự theo dõi lịch sử tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của bản thân hoặc thành viên trong gia đình qua các lần tiêm, được cấp giấy chứng nhận điện tử sau khi tiêm chủng. Việc cài đặt, cập nhật “Sổ sức khỏe điện tử” còn góp phần hỗ trợ ngành y tế quản lý công tác tiêm chủng, có số liệu phục vụ cho việc triển khai chương trình tiêm vaccine COVID-19 một cách khoa học và nhanh chóng hơn.

Tuy nhiên, qua rà soát, thống kê thì hiện nay, tỷ lệ cài đặt ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” trên địa bàn tỉnh An Giang còn thấp. Do đó, cần đẩy nhanh việc sử dụng hiệu quả nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 (https://hssk.kcb.vn) kết hợp với ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”, phục vụ công tác theo dõi tiến độ tiêm chủng vaccine của tỉnh.

Sở Y tế An Giang lưu ý, đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khi đăng ký tiêm vaccine cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cần cập nhật đầy đủ, chính xác theo mẫu (mẫu 1), gửi đến cơ quan y tế để đăng ký theo hướng dẫn. Trường hợp đã tiêm vaccine, nhưng danh sách đăng ký trước đây chưa theo mẫu, đề nghị cập nhật lại (mẫu 2), gửi đến đơn vị đã tiêm. Tất cả danh sách theo mẫu 1 và mẫu 2 đồng thời gửi về Sở Thông tin và Truyền thông trên hệ thống i-Office (kể cả file mềm) để hỗ trợ cập nhật thông tin vào hệ thống. Cách làm này nhằm giúp hệ thống cập nhật nhanh, chính xác, tránh bị “trễ” so với nhập liệu thủ công.

An Giang đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ vaccine và sớm mở rộng đối tượng được tiêm chủng theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ, như: các đối tượng người cao tuổi, người có bệnh nền, người thân lực lượng tham gia chống dịch, các lực lượng tuyến đầu kinh tế, khu công nghiệp, tài xế, lực lượng vận chuyển hàng hoá… nhằm hạn chế số ca tử vong và sớm mở cửa lại nền kinh tế.

NGÔ CHUẨN