(Nguồn: IPS Journal)
Giám đốc điều hành hãng xe điện Tesla (Mỹ), tỷ phú Elon Musk đã chấm dứt thỏa thuận mua lại Twitter trị giá 44 tỷ USD vì công ty truyền thông xã hội này vi phạm nhiều điều khoản trong thỏa thuận.
Trong một tài liệu công bố ngày 8/7, các luật sư của ông Musk cho biết Twitter đã không đáp ứng hoặc từ chối cung cấp thông tin về những tài khoản rác và ảo trên nền tảng này vốn được cho là quy tắc cơ bản trong hoạt động kinh doanh của công ty.
Theo tài liệu này, Twitter đã vi phạm nghiêm trọng những điều khoản của thỏa thuận khi đưa ra những thông tin sai lệch mà tỷ phú Musk dựa vào trước đó để ký kết thỏa thuận mua lại Twitter.
Ông cũng rút khỏi thỏa thuận vì Twitter đã sa thải nhiều lãnh đạo điều hành cấp cao và khoảng 30% nhân tài của công ty này, hành động mà ông cho là vi phạm quy định mà Twitter phải có trách nhiệm duy trì cơ bản hoạt động kinh doanh của công ty.
Phản ứng trước quyết định trên, Chủ tịch Ban điều hành độc lập của Twitter Bret Taylor tuyên bố ban lãnh đạo của mạng xã hội này đã lên kế hoạch kiện ông Musk để buộc người giàu nhất thế giới phải thực hiện thỏa thuận đã đạt được.
Giới chuyên gia cho rằng quyết định trên của tỷ phú Musk có thể dẫn đến một cuộc chiến pháp lý kéo dài giữa ông với công ty đã tồn tại 16 năm qua và có trụ sở tại San Francisco (Mỹ).
Tháng 4 năm nay, tỷ phú Musk đã công bố thỏa thuận "thâu tóm" Twitter trị giá 44 tỷ USD với mức 54,2 USD/cổ phiếu.
Tuy nhiên sau đó, ông tuyên bố tạm dừng thỏa thuận này trừ khi Twitter đưa ra bằng chứng các tài khoản rác và ảo chiếm dưới 5% tỷ lệ người dùng xem quảng cáo trên mạng xã hội này.
Con số trên do chính Twitter tính toán và công bố vào đầu tháng 5, song tỷ phú Musk cho rằng Twitter cần cung cấp dữ liệu về các tài khoản giả mạo hoặc các bài đăng tự động có thông tin sai lệch trên nền tảng này.
Theo luật sư, tỷ phú Musk tin rằng Twitter tìm cách cản trở quyền nắm bắt thông tin của ông.
Trong khi đó, một nhóm các nhà đầu tư và cổ đông nhỏ của Twitter đã đệ đơn kiện ông Musk cố tình dìm giá cổ phiếu Twitter nhằm tìm cách rút lại thỏa thuận mua nền tảng này hoặc để thương lượng giảm giá mua.
Theo TTXVN/Vietnam+