Ứng dụng công nghệ số vào đời sống

17/07/2023 - 06:13

 - Thời đại công nghệ số phát triển, Internet phủ sóng rộng rãi khắp nơi, giúp mọi người dễ dàng kết nối với nhau và là kho dữ liệu khổng lồ về tri thức, thông tin, giải trí… Việc chủ động tiếp nhận và ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực của đời sống xã hội đang góp phần mang lại nhiều lợi ích to lớn.

Các sản phẩm OCOP được giới thiệu trên trang thông tin điện tử

Công nghệ số đã và đang trở thành xu thế tất yếu, hiện hữu ở khắp nơi và gắn liền với đời sống, sinh hoạt của mỗi người. Công nghệ số đáp ứng nhu cầu giải trí, chia sẻ và kết nối thông tin của tất cả mọi người, thông qua các tiện ích, như: Chat, video, hình ảnh, blog, đọc báo, kết bạn, chơi game....

Anh Lê Văn Trung Tín (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Do đặc thù công việc kinh doanh, tôi thường xuyên kết nối với khách hàng. Việc ứng dụng công nghệ giúp tôi trao đổi thông tin nhanh chóng. Công việc kinh doanh thuận lợi hơn rất nhiều”.

Từ khi sử dụng điện thoại thông minh, bà Lê Thị Kim Yến (huyện Chợ Mới) có điều kiện cập nhật kiến thức, giải trí qua mạng xã hội Facebook, Zalo... Bà Yến cho biết: “Điện thoại thông minh được các con mua cho. Có điện thoại, tôi đọc báo biết nhiều thông tin bổ ích. Có thể quay lại những video khoảnh khắc vui vẻ cùng con cháu và dễ dàng liên lạc, trò chuyện cùng người thân ở xa”.   

Ngoài ra, chỉ cần dùng điện thoại kết nối Internet, tải ứng dụng, đăng ký và kết nối tài khoản ngân hàng là có thể thực hiện thanh toán hầu hết các dịch vụ mà không cần dùng tiền mặt, như: Nhận tiền, chuyển tiền, đóng học phí, đóng bảo hiểm, thanh toán viện phí, đóng tiền điện, tiền nước, thanh toán cước truyền hình, Internet; nạp tiền điện thoại, mua vé máy bay, xe khách, mua vé xem phim; thanh toán hóa đơn mua hàng tại các quán ăn, trung tâm mua sắm, siêu thị, các cửa hàng tiện lợi… Đây là tiện ích và an toàn mà công nghệ số mang lại.

Trước đây, anh Nguyễn Quốc Vinh (TP. Long Xuyên) phải đến điểm thu để đóng tiền mặt và chờ đợi lâu, vì có nhiều người đến đóng tiền. Còn nay, chỉ cần điện thoại kết nối Internet, dù ở đâu và thời gian nào, anh Vinh cũng có thể thanh toán được tiền điện, tiền nước thông qua ứng dụng của ngân hàng, sau khi nhận được thông báo qua Zalo.

Tương tự, chỉ với chiếc điện thoại thông minh có cài đặt Mobile banking và mất thêm vài giây thao tác quét QR code, chị Phạm Thị Ngọc Mai (TP. Châu Đốc) đã thanh toán xong hóa đơn mua hàng tại một cửa hàng tiện lợi gần nhà, không cần phải mang theo tiền mặt.

Chị Mai cho biết: “Khoảng hơn 1 năm nay, tôi thường sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, như: Quét QR code, ví điện tử, các tiện ích về ngân hàng số… nên tôi không cần mang theo tiền mặt”.

Trong ngành nông nghiệp, bên cạnh từng bước ứng dụng công nghệ số vào canh tác, người nông dân hiện đại đang dần thích nghi với xã hội số nhanh chóng, tiện lợi để liên kết, tiêu thụ nông sản.

Điển hình như anh Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vườn Bà Ba (huyện Châu Phú) đã nhạy bén, chủ động đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm thêm kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong và ngoài nước cho trái bưởi và xoài cát Hòa Lộc sấy dẻo vừa nhận được chứng nhận đạt chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh.

“Để tìm thêm nhiều thị trường tiêu thụ và để người tiêu dùng biết nhiều về sản phẩm của mình, phương án hiệu quả nhất hiện nay là thông qua các kênh bán hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử. Đây là xu hướng chung của nền kinh tế thị trường và các mặt hàng nông nghiệp. Hiện tại, công ty có 2 mặt hàng bưởi da xanh và xoài sấy dẻo đang được bán trên các sàn thương mại điện tử: Sendo, Shopee…

Công ty còn duy trì hoạt động website của đơn vị, thường xuyên đăng bài hình ảnh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm các trang mạng xã hội: Zalo, Facebook… để người tiêu dùng trong và ngoài nước tiếp cận dễ dàng, từ đó nâng cao được giá trị của sản phẩm”- anh Khánh chia sẻ.

Theo anh Khánh, trước đây, sản phẩm của công ty được tiêu thụ trên thị trường tự do, bán quanh quẩn ở các chợ, giá cả không ổn định, thậm chí khó bán, do thương lái đến mua trực tiếp ép giá…

Hiện nay, sau khi công ty đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử, người tiêu dùng chỉ cần cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh hoặc vào máy tính có kết nối Internet, vào sàn giao dịch thương mại điện tử gõ sản phẩm cần tìm, chỉ sau vài giây có ngay hình ảnh sản phẩm với đầy đủ thông tin về giá cả, địa chỉ sản xuất, chất lượng sản phẩm…

Việc đưa nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử đã giúp công ty tiêu thụ hàng hóa nhiều hơn, khách hàng nhiều hơn, thanh toán tiện lợi, nhanh chóng… Ngoài ra, công ty còn có điều kiện quảng bá sản phẩm, giao dịch tiện lợi, nhanh chóng, tiết kiệm chi phí… góp phần tăng giá trị nông sản lên gấp 20 - 30% so với giao dịch truyền thống.

“Việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử có rất nhiều lợi thế, như trình bày được cho các khách hàng tiềm năng, những khách hàng hiểu được giá trị nông sản của người nông dân, thấy được những chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, OCOP, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Đây là cách tiếp cận ngắn nhất, mang lại hiệu quả cao nhất. Việc áp dụng phương thức bán hàng và tiếp cận khách hàng qua các sàn giao dịch điện tử hiệu quả cao, từ cách vận chuyển, tiếp cận với khách hàng, buôn bán đến phương thức thanh toán rất dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều” - anh Khánh thông tin thêm.

Qua đó cho thấy, công nghệ số đã và đang tác động mạnh mẽ, tích cực, mang lại nhiều lợi ích quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần phát triển kinh tế.

TRỌNG TÍN