Ứng dụng công nghệ vào quản lý sức khỏe

08/09/2021 - 05:43

 - Khi tăng cường sử dụng, phát huy vai trò của các ứng dụng di động (App) để quản lý, theo dõi sức khỏe, giám sát lịch trình di chuyển… hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều so với quản lý thủ công. Công nghệ quản lý sức khỏe giúp tiết kiệm thời gian, kinh phí, nguồn nhân lực để tập trung tốt hơn cho công tác chống dịch.

Quản lý toàn diện về sức khỏe

Là công chức đang công tác ở cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, chị Nguyễn Thị Ngọc Linh sớm cài đặt ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” ngay khi được cơ quan thông báo. Trong mục “Hồ sơ sức khỏe” của ứng dụng này, chị nhập thông số về chiều cao, huyết áp, chỉ số BMI (trọng lượng/chiều cao), nhóm máu… đồng thời nhập hồ sơ thông tin cho người mẹ lớn tuổi, không rành sử dụng điện thoại thông minh.

Ứng dụng còn cho phép chị đặt lịch khám bệnh trước ở bệnh viện, đăng ký tiêm chủng cho bản thân và mẹ. Sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19, ứng dụng giúp chị theo dõi và quản lý phản ứng sau tiêm. “Giờ chỉ cần vào mục “Tiêm chủng COVID-19” là hiện ra 2 mũi tiêm AstraZeneca với thông tin về ngày, giờ tiêm cụ thể. Sau này có đi công tác hay du lịch, mình chỉ cần trình ứng dụng ra, coi như đã có chứng nhận tiêm chủng điện tử, khỏi phải mang theo bản giấy” - chị Linh thông tin.

Đối với anh Nguyễn Hữu Nghĩa (ngụ Khu dân cư Tổng Hợi, phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang), anh cài đặt cùng lúc các ứng dụng: Sổ sức khỏe điện tử, VssID (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam), NCOVI, Bluezone, VHD (Vietnam Health Declaration).

“Với các ứng dụng NCOVI, Bluezone, VHD, mình nhập sẵn thông tin cá nhân, khi đi khám bệnh hay đến địa điểm công tác, chỉ cần quét mã QR Code để khai báo sức khỏe điện tử tại điểm đến là xong. Tôi luôn bật Bluetooth trên điện thoại để Bluezone hoạt động, giúp cảnh báo sớm khi tiếp xúc gần với ca nhiễm COVID-19 (F0) hoặc F1. Còn với VssID, tôi dễ dàng theo dõi quá trình đóng bảo hiểm xã hội, lịch sử khám, chữa bệnh tại bệnh viện, cập nhật luôn thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng nên khỏi phải mang theo bản giấy” - anh Nghĩa cho biết.

Giám đốc Sở Y tế Trần Quang Hiền cho biết, việc cài đặt, sử dụng “Sổ sức khỏe điện tử” và nhập dữ liệu đầy đủ thông tin tiêm ngừa COVID-19 trên hệ thống “Hồ sơ sức khỏe” phân hệ tiêm chủng COVID-19 giúp người dân đăng ký, tự theo dõi lịch sử tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của bản thân hoặc thành viên trong gia đình qua các lần tiêm, được cấp giấy chứng nhận điện tử sau khi tiêm chủng. Đồng thời, góp phần hỗ trợ ngành y tế quản lý công tác tiêm chủng, có số liệu phục vụ cho việc triển khai chương trình tiêm vaccine COVID-19 một cách khoa học và nhanh chóng hơn.

Tận dụng nền tảng công nghệ

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hầu hết công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, địa phương đã cài đặt, sử dụng ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”, cập nhật dữ liệu đầy đủ, trung thực về sức khỏe. Các ngành, địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” và khai báo trên Cổng thông tin điện tử tiêm chủng (https://tiemchungcovid19.gov.vn) để quản lý hoạt động tiêm chủng cá nhân, thuận tiện theo dõi phản ứng sau tiêm chủng của từng loại vaccine.

Theo Sở Y tế An Giang, hiện có nhiều nền tảng quản lý, kiểm soát dịch bệnh COVID-19 bằng ứng dụng công nghệ, như: khai báo y tế và quản lý ra vào bằng mã QR; “luồng xanh” giao thông bằng mã QR; hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm; quản lý tiêm chủng COVID-19; hỗ trợ truy vết; hỗ trợ quản lý, giám sát cách ly; hỗ trợ điều phối, chuyển bệnh nhân, tư vấn khám trực tuyến; bộ công cụ phục vụ chỉ đạo, điều hành chung; tổng hợp, báo cáo, phân tích dự báo dịch; trung tâm xử lý tin xấu độc, tin giả về COVID-19; công cụ đánh giá nguy cơ, an toàn COVID-19; công cụ phát hiện người từ vùng dịch về; công cụ phát hiện người vượt biên trái phép (nguồn lây biên giới); bộ công cụ phục vụ an dân; công cụ tổng đài “đường dây nóng” hỗ trợ người dân; công cụ trợ lý ảo tư vấn về phòng, chống COVID-19; cẩm nang số về phòng, chống COVID-19 điện tử; nền tảng kết nối, cung cấp thông tin bệnh nhân nặng; nền tảng hỗ trợ người cần trợ giúp; cơ sở dữ liệu về các đối tượng yếm thế…

Theo đánh giá của UBND tỉnh, thời gian qua, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch COVID-19 đã được tỉnh quan tâm, triển khai bước đầu với một số giải pháp, như: khai báo y tế điện tử và quản lý ra vào, đi đến bằng mã QR; đánh giá nguy cơ an toàn COVID-19 trên trang Antoancovid.vn (của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19); xây dựng bản đồ đánh giá nguy cơ (bandocovid.angiang.gov.vn).

Tuy nhiên, việc triển khai chưa được triệt để, đồng bộ nên tính hiệu quả chưa cao. Thời gian tới, Sở Y tế mong muốn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, đặc biệt là cần có hệ thống thông tin tổng hợp báo cáo, phân tích tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và các bộ giải pháp, công cụ đồng bộ được triển khai hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Thời gian tới, An Giang đẩy mạnh triển khai, xây dựng hệ thống quản lý thông tin tổng hợp quản lý F0, F1, F2, dữ liệu xét nghiệm và hệ thống báo cáo, phân tích, dự báo nguy cơ dịch COVID-19 do Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cung cấp. Đồng thời, triển khai khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm bằng mã vuông QR Code trên nền tảng khai báo y tế điện tử quốc gia (tokhaiyte.vn), gồm: khai báo y tế toàn dân, khai báo di chuyển nội địa, khai báo nhập cảnh; quản lý thông tin người ra vào địa điểm bằng mã QR Code

 

NGÔ CHUẨN