Phần lớn thành viên trong nhóm kịch Trending đến từ TP. Hồ Chí Minh. Họ về tới TP. Long Xuyên 1-2 hôm trước khi diễn, để tập luyện, ráp sân khấu, chuẩn bị hậu kỳ. Trước đêm diễn chừng vài chục phút, họ mới có thời gian hóa trang, trong không gian nhỏ hẹp của “sân khấu”, bên trong “cánh gà”.
Trong nhóm, có người tham gia diễn xuất chuyên nghiệp, được học hành diễn xuất bài bản, tham gia đóng phim, quảng cáo thường xuyên. Nhưng cũng có người chọn đây là nghề tay trái, như bạn Mỹ Mỹ (sinh năm 2000). Đam mê diễn xuất thôi thúc Mỹ rong ruổi ở nhiều sân khấu lớn nhỏ, thỏa thích sống cùng nhân vật của mình.
Để tiết kiệm tối đa thời gian, từng người mang theo bộ trang điểm riêng, tự “sửa soạn” cho mình một cách tranh thủ nhất.
Trong thời gian đó, khán giả đã lần lượt lấp đầy khán phòng. Nói là “khán phòng” cho sang, thật ra là một phòng nhỏ, được bố trí lại cho phù hợp tầm nhìn của khán giả. Giá vé cho mỗi đêm diễn khoảng 150.000 đồng/khách (bao gồm phần nước uống). Đắt hay rẻ, tùy thuộc vào đánh giá của người xem về chất lượng vở diễn, chứ không nằm ở nước uống.
Tháng trước, bé Mỹ An (6 tuổi, ngụ TP. Long Xuyên) được mẹ đưa đi xem một vở hài kịch, cũng ở quán cà phê này. Xem xong, bé rất “tâm đắc” với trải nghiệm ấn tượng, thích thú về kể cho mọi người nghe tình tiết vở diễn. Biết lịch diễn mới nhất, bé nằng nặc đòi đi xem tiếp tục, dù rằng vở diễn ấy là kịch kinh dị. Bé không giấu nổi ánh mắt háo hức trước giờ mở màn.
Điều đặc biệt của loại hình kịch cà phê là sân khấu nhỏ, được bày trí tối giản đến mức có thể. Tùy theo nội dung vở kịch, phông màn đơn sắc được bố trí, tạo hiệu ứng thị giác sâu hơn. Đạo cụ cũng được tiết chế, mang tính ước lệ tượng trưng, dừng lại ở bộ bàn ghế nhỏ xinh, chiếc tủ giấy…
Thành viên của nhóm kịch rất gọn, chưa đến 10 người, nhưng phải thay nhau đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau, áp lực về mặt thời gian. Điển hình như bạn Phan Nhựt, vừa đảm nhiệm vai trò quản lý nhóm, đầu mối kết nối đêm diễn, vừa tham gia hậu kỳ…
…Thậm chí diễn thay khi có diễn viên bận việc đột xuất
Mô hình giải trí này đặc trưng ở chỗ, khán giả vừa thưởng thức nước uống, vừa dõi theo vở kịch ở khoảng cách rất gần, thậm chí có thể tương tác với diễn viên, hòa vào không gian sống của vở diễn. Tuy nhiên, điều này tạo ra áp lực không nhỏ cho dàn diễn viên, khi vừa giữ được mạch cảm xúc trong quá trình diễn, vừa bao quát khán phòng và nắm bắt cảm xúc của khán giả để điều chỉnh tiết tấu diễn phù hợp.
Trong 2-3 giờ diễn, khán giả được chìm đắm trong những tiếng cười vì mảng miếng hài duyên dáng, tạo hình vui nhộn của diễn viên.
Cùng với đó là sự hồi hộp, rùng rợn của những phân cảnh kinh dị. Với cự ly rất gần, diễn viên càng dễ “nhát ma” khán giả. Tuy nhiên, để mang lại hiệu ứng cao nhất, nhóm kịch phải ráp sân khấu, tập luyện, đo ánh sáng sân khấu… gần như suốt đêm.
Những vở kịch do nhóm tự sáng tác, tự biểu diễn khá chắc tay, đan xen nhiều cảm xúc được đẩy lên cao trào, như trường đoạn người cha dằn vặt, đau khổ, giận dữ… vì mất con, cháu.
Kết thúc các vở diễn, bao giờ cũng là đong đầy tình cảm yêu thương giữa người và người trong gia đình, trong xã hội, truyền đạt thông điệp tích cực đến khán giả. Điều đó đọng lại ấn tượng sâu sắc đối với người xem, đặc biệt là khi vở diễn kết thúc vào 22 giờ.
Sau từng đêm diễn, điều quý giá nhất của nhóm kịch là tình yêu thương, đón nhận của khán giả phương xa. Đó là động lực mạnh mẽ để các bạn trẻ thêm nhiệt huyết, nỗ lực hơn nữa mang loại hình sân khấu này về đến những nơi còn xa lạ. Nếu có điều kiện, hãy đến với kịch cà phê, để cùng trải nghiệm “hỉ, nộ, ái, ố” thú vị này nhé!
KHÁNH ĐĂNG