Lên đỉnh núi bằng xe gắn máy
Được sự hướng dẫn của một người bạn, chúng tôi quyết tâm chinh phục đỉnh núi Ba Thê bằng xe gắn máy. Với người dân địa phương, chinh phục đỉnh núi Ba Thê bằng xe gắn máy là chuyện rất bình thường, bởi đường lên núi đã được mở rộng và láng nhựa khang trang. Tuy nhiên, để vượt qua những con dốc cao “tức ngực” thực sự là một thử thách cho những tay lái vốn chỉ quen thường sá thẳng tắp ở đồng bằng. Đường lên núi Ba Thê ngoằn ngoèo, luồn qua những vườn vú sữa của người dân tạo nên cảm giác rất đặc biệt. Mấy căn nhà dưới chân núi từ từ trôi lại phía sau nhường chỗ cho tán rừng xanh ngăn ngắt đập vào mắt chúng tôi.
Điều thú vị là núi Ba Thê có đến 3 đỉnh với chiều cao không quá chênh lệch nhưng có 2 đỉnh được du khách thường xuyên lui tới, một là đỉnh có Thạch Đại Đao và một lên Sơn Tiên tự. Theo hướng dẫn của anh bạn “rành” núi Ba Thê nhất, chúng tôi nhắm thẳng hướng Sơn Tiên tự và tiếng xe máy cứ tiếp tục gầm rống một cách mệt nhọc. Dù chặng đường lên đỉnh núi khá vất vả nhưng một khi đã đến đích thì phần thưởng dành cho chúng tôi thật sự xứng đáng. Đó là khung cảnh đẹp một cách thanh bình, nhẹ nhàng và lắng đọng của núi rừng, của đồng lúa mênh mông như tấm thảm vô tận kéo dài đến phía chân trời. Khung cảnh trầm lắng trên đỉnh núi Ba Thê giúp lòng người lắng lại để lãng quên những muộn phiền của cuộc sống đời thường.
Thạch Đại Đao trên núi Ba Thê
Hòa mình vào thiên nhiên
Sơn Tiên tự tọa lạc trên đỉnh Ba Thê sở hữu vẻ đẹp độc đáo có một không hai. Từ Sơn Tiên tự có thể phóng tầm mắt ra cánh đồng Ba Thê mênh mông để cảm nhận sự vĩ đại của thiên nhiên. Những vạt khói đốt đồng hòa vào ánh nắng chiều vẽ nên khung cảnh bảng lảng như sương. Ánh nắng chiều ngã mình vào vách núi, soi rõ những cánh rừng còn giữ được màu xanh mát dù mùa khô đang đến. Người dân địa phương nói rằng, núi Ba Thê ngày trước là giang sơn của gà rừng nhưng theo thời gian loại động vật này trở nên hiếm hoi.
Trước sân Sơn Tiên tự là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát với đôi mắt từ bi nhìn xuống thế gian. Ở vị trí này, có thể thu cả một góc thị trấn Óc Eo vào tầm mắt. Những thành viên của nhóm thích thú đến xem di tích bàn chân tiên trên một tảng đá trong khuôn viên chùa, sau khi đã thắp mấy nén nhang cung kính trước Đức Phật. Theo lời một vị hòa thượng, Sơn Tiên tự có lịch sử hình thành từ năm 1933 và là ngôi chùa duy nhất trên đỉnh Ba Thê. Trong chiến tranh, Sơn Tiên tự bị bom đạn san bằng và chỉ còn phế tích của nền chùa. Đến năm 2003, ngôi chùa được phục dựng để làm nơi cho du khách thập phương cúng viếng. Vào những dịp rằm, du khách đến viếng Phật khá đông nên nhà chùa cố gắng tạo điều kiện để họ nghỉ lại qua đêm và tận hưởng sự thanh tịnh, yên bình trên đỉnh núi Ba Thê.
Theo “lịch trình”, chúng tôi di chuyển sang đỉnh đặt Thạch Đại Đao. Không có lịch sử hàng trăm năm như Sơn Tiên tự nhưng Thạch Đại Đao có quá trình ra đời khá ly kỳ. Người dân địa phương kể rằng, trong một đêm mưa to gió lớn, một tảng đá trên đỉnh núi Ba Thê bị sét đánh trúng vỡ ra. Một trong những mảnh vở ấy có hình như một lưỡi đao rất to lớn. Thấy lạ, người dân lập nơi thờ cúng Thạch Đại Đao và đỉnh núi ấy trở thành nơi tới lui, cúng viếng của khách hành hương. Những bạn trẻ yêu thích “đi phượt” cũng chọn nơi này là điểm đến lý tưởng để có dịp chạm vào lưỡi đao do trời đất tạo thành. Không chỉ có Thạch Đại Đao và Sơn Tiên tự, núi Ba Thê còn có những điểm đến mang đậm màu sắc tâm linh như hang Chơn Thiện, hang Ông Hổ, tất cả đều để lại những ấn tượng khó quên với những ai có dịp đến đây dù chỉ một lần.
Ánh nắng chiều trải dài trên những đoạn đường dốc sâu hun hút khi chúng tôi trở xuống chân núi. Sơn Tiên tự và Thạch Đại Đao dần nhỏ lại trong tầm mắt của mọi người nhưng vẫn để lại cảm giác khó quên và bình yên đến lạ. Trong tương lai, núi Ba Thê cần được đầu tư, phát triển du lịch bằng những tiềm năng sẵn có để xứng tầm với vị thế của một ngọn núi gắn liền với vương quốc cổ Phù Nam. Đồng thời, trở thành “sức bật” để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân địa phương, đưa thị trấn Óc Eo trở thành điểm đến lý tưởng của du khách gần xa.
THANH TIẾN