Văn hóa đọc báo in

19/05/2022 - 06:38

 - Hiện nay, việc nắm bắt thông tin trở nên dễ dàng thông qua chiếc điện thoại thông minh (smartphone) có kết nối internet. Chính vì thế, chúng tôi - những người làm báo - thật sự trăn trở: Liệu văn hóa đọc báo in có bị mai một?

Như một thói quen

Với nhiều người, đặc biệt là người lớn tuổi, báo in không chỉ là phương tiện tìm kiếm thông tin, giải trí, mà còn ăn sâu vào tiềm thức, thói quen của họ. Những tờ báo bên ly cà-phê, ly trà nóng sáng sớm là hình ảnh chúng ta thường bắt gặp. Nếu người trẻ có thói quen lướt báo điện tử trên điện thoại thông minh hay máy tính xách tay, thì người có tuổi thích cập nhật tin tức ngày mới thông qua tờ báo in còn thơm mùi mực. Họ rành sử dụng điện thoại thông minh hoặc không, nhưng việc cầm tờ báo in trên tay, ngồi nhâm nhi ly cà-phê mang đến cảm giác đặc biệt hơn. Có lẽ, nó giúp họ phần nào tìm về ký ức của thời trẻ, khi mà công nghệ thông tin chưa phát triển như bây giờ.

“Tôi vẫn giữ thói quen đọc báo in vào sáng sớm. Khi đã đưa các cháu đến trường, thảnh thơi ngồi quán vỉa hè uống ly cà-phê, lật từng trang báo xem tin tức, thấy lòng thật bình yên. Có lần, tôi mua xong tờ báo ở sạp, chạy đến quán cà-phê quen, một thanh niên cứ nhìn tôi, rồi nhìn tờ báo trên tay với vẻ khó hiểu. Lúc sau, tôi thấy người đó cũng xem tin tức nhưng trên chiếc điện thoại. Phải chăng, vì thấy mình mang theo tờ báo đến quán mà cậu ta ngạc nhiên? Không sao, khi khắp nơi phát triển văn hóa đọc theo kỷ nguyên số, tôi cho rằng, đọc báo in là một nét văn hóa!” - ông Nguyễn Ngọc Sơn (65 tuổi, ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) chia sẻ. 

Ở nông thôn hay miền quê xa xôi, cũng còn người giữ thói quen đọc báo in. Với họ, đọc báo là để biết thêm thông tin, nắm được tình hình chung của xã hội. Họ vốn không quen tiếp cận với điện thoại thông minh, nên không thể nào đọc báo qua điện thoại.

“Ngoài xem thời sự trên ti-vi, cách để tôi nắm bắt thông tin trong và ngoài tỉnh, thậm chí tin tức các nước đều là nhờ đọc báo in. Có tuổi rồi, mắt khi mờ khi tỏ, con cháu hướng dẫn sử dụng điện thoại để đọc báo, nhưng tôi không dùng. Sau này, các con biết ý, mỗi ngày đều mua báo in để tôi đọc giải khuây. Có tờ báo làm bạn cũng hay, biết được tin tức đây đó. Mua báo cho tôi lâu ngày, con tôi dần có thói quen đọc báo in lúc nào không hay. Những khi ở nhà, tôi thấy nó mang báo ra đọc” - bà Võ Thị Sứ (62 tuổi, ngụ xã Cần Đăng, huyện Châu Thành) bày tỏ.

Báo in là “món ăn tinh thần” không thể thiếu với người lớn tuổi

Nơi cập nhật thông tin chính xác

Trong thời đại số, không ít tin tức vừa đăng trên mạng, rất nhanh phải gỡ xuống vì lý do nào đó. Nhưng với báo in, tính chính xác của thông tin gần như ở ngưỡng tuyệt đối. Với người có tuổi, mắt mờ thì đọc báo in là sự lựa chọn tối ưu. Báo in giúp người đọc có thêm thời gian nghiền ngẫm qua từng dòng chữ…

“Nhiều lúc xem ti-vi, thấy quảng cáo thực phẩm chức năng nào đó liên quan tình trạng sức khỏe hiện tại, tôi không nhớ được tên vì thông tin nhanh quá. Với báo in thì khác, khi đọc được bài viết hướng dẫn phòng bệnh nào đó, tôi dùng kéo cắt ra rồi lưu giữ riêng, để khi quên thì lấy ra đọc và làm theo” - bà Sứ nói thêm.

Còn ông Sơn, mỗi khi đọc được 1 bài bình luận, phân tích nào đó hay trên báo in, ông cũng có thói quen cắt ra lưu giữ. Theo ông, báo mạng đọc qua rồi, muốn tìm lại hơi khó, nếu như không nhớ tên bài viết. Còn báo in, những khi buồn, muốn đọc lại thì ông chỉ cần đến góc lưu giữ quen thuộc là có ngay.

Cùng với báo điện tử, báo in An Giang luôn đảm bảo đúng định hướng, không để sai sót về quan điểm và đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Báo An Giang phản ánh kịp thời diễn biến mọi mặt của đời sống xã hội, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; phát hiện, cổ vũ, động viên nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong xã hội và những thành tựu trong công cuộc đổi mới của đất nước nói chung, của tỉnh nói riêng.

“Là kỹ sư nông nghiệp, ngoài đọc sách, internet, tôi luôn đọc báo in, đặc biệt là Báo An Giang, để nghiên cứu, học hỏi, nâng cao chuyên môn. Những bài viết chuyên mục nông nghiệp đã giúp tôi rất nhiều trong việc hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt cho nông dân” - ông Võ Hoàng Điệp (ngụ xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn) thông tin.

Dù là báo giấy hay báo điện tử đều có lợi thế và hạn chế nhất định. Trong văn hóa đọc muôn hình muôn vẻ, tin rằng, với những lợi thế mà báo in mang lại, văn hóa đọc báo in vẫn sẽ tồn tại và được gìn giữ.

PHƯƠNG LAN