Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Dự Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lại Xuân Môn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành; giới nghiên cứu lý luận phê bình văn học, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ.
Đồng chí Lại Xuân Môn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, đồng chí Lại Xuân Môn nhận định, chủ đề Hội thảo mang tính thực tiễn cao, có ý nghĩa thời sự, nền tảng lý luận cơ bản, phù hợp để nghiên cứu lâu dài. Hội thảo góp phần cụ thể hóa các nội dung quan trọng của Hội nghị Văn hóa toàn quốc, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, tinh tế; là động lực to lớn để xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, phát triển toàn diện con người Việt Nam. Đồng hành cùng lịch sử hào hùng, nền Văn học, nghệ thuật (VHNT) nước nhà đã có nhiều thành tựu sáng tạo, bồi đắp phẩm giá, lương tri của dân tộc.
Đoàn Chủ tịch chỉ đạo Hội thảo.
Ở những giai đoạn quan trọng, VHNT trở thành một “binh chủng” đặc biệt, lập nên chiến công hiển hách, từng bước kiến thiết, xây dựng đời sống tinh thần của đất nước, nhân dân. Trong đời sống hiện nay, VHNT tiếp tục dòng mạch chính của chủ nghĩa nhân văn yêu nước; đội ngũ văn nghệ sĩ đã hòa mình vào thực tiễn sinh động, chủ động đổi mới tư duy; tích cực giữ gìn và phát huy các yếu tố tích cực, lành mạnh. Bên cạnh đó, ở khía cạnh phê bình và tự phê bình, cần nghiêm túc thẳng thắn thừa nhận những tồn tại, bất cập, hạn chế, như: Số lượng tác phẩm nhiều nhưng chất lượng chưa tương xứng; chưa khám phá được chiều sâu cuộc sống, bối cảnh hiện thực của công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước; còn tô đậm mảng tối, chưa chú ý đến vấn đề lớn lao của đất nước, trách nhiệm công dân; chiều theo thị hiếu dễ dãi, chức năng giải trí mà hạ thấp chức năng giáo dục, thẩm mỹ; một bộ phận không nhỏ giới trẻ đang thờ ơ với giá trị VHNT truyền thống dân tộc, quay lưng với sáng tạo của văn nghệ sĩ. Hội thảo cần lý giải vai trò, trách nhiệm, tìm ra giải pháp cho VHNT và đội ngũ văn nghệ sĩ trước những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay; để cống hiến cho đất nước, nhân dân những tác phẩm xứng tầm.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh, VHNT là lĩnh vực quan trọng, thể hiện khát vọng chân - thiện - mỹ của con người và góp phần đáng kể trong quá trình xây dựng, phát triển xã hội. VHNT là nhu cầu văn hóa tinh thần, có tác dụng định hướng, nên tạo điều kiện để VHNT phát triển là trách nhiệm của toàn xã hội. Trong đó, đội ngũ văn nghệ sĩ cần phát huy lòng yêu nước, trách nhiệm công dân, sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị; đội ngũ quản lý cần nỗ lực hơn nữa để phát hiện, cổ vũ các nhân tố mới. Bối cảnh hiện nay có nhiều điều kiện, tiền đề thuận lợi để VHNT phát triển lên tầm cao mới. Với thế mạnh đặc thù riêng có, những người hoạt động trong lĩnh vực cần ý thức rõ hơn vai trò, trách nhiệm trước đất nước và nhân dân.
Hội thảo có năm nội dung chính bao quát gần như toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội, chính trị và văn hóa, VHNT của đất nước. Một là, VHNT với nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và hội nhập quốc tế. Hai là, VHNT với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Ba là, VHNT với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo. Bốn là, VHNT với nhiệm vụ quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài. Năm là, VHNT với nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo.
Trong số hơn 90 tham luận đóng góp cho Hội thảo, chủ đề phòng chống đại dịch Covid-19 có tới 20 bài; biên giới, hải đảo có 20 bài; xây dựng, phát triển văn hoá, văn học, nghệ thuật chiếm ưu thế với 40 bài; giao lưu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài có 15 bài; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch có năm bài. Điều đó thể hiện sự quan tâm, hưởng ứng của đội ngũ các nhà khoa học; nghiên cứu, lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ cả nước về những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước. Về cơ bản, các tham luận có nhiều cách tiếp cận, lý giải vấn đề, xuất phát từ thực tiễn trong các lĩnh vực VHNT khác nhau nhưng đều tập trung làm rõ chủ đề Hội thảo. Các tham luận tập trung phân tích, đánh giá thực trạng, đưa ra những dự báo có cơ sở khoa học và thực tiễn về xu hướng vận động, phát triển của VHNT nước nhà thời gian tới; đề xuất, tham vấn những giải pháp cụ thể, mang tính khả thi để VHNT phát huy tốt hơn hiệu quả xã hội, đóng góp cho mục tiêu hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Kết quả Hội thảo dự kiến sẽ góp phần bổ sung luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn để đánh giá vai trò, đóng góp của VHNT và đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà trong sự nghiệp phát triển đất nước. Trên cơ sở đó, Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương sẽ có báo cáo cụ thể, tham mưu cho Đảng, Nhà nước đổi mới phương thức lãnh đạo, có những chính sách phù hợp phát triển VHNT Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Hội thảo cũng góp phần cung cấp những tài liệu khoa học tham khảo quan trọng cho các nhà nghiên cứu VHNT và đội ngũ văn nghệ sĩ, cập nhật tri thức và thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong lĩnh vực này; là cơ sở để lãnh đạo các cấp, các ngành liên quan đến VHNT tham khảo, ứng dụng trong thực tiễn.
Sau Hội thảo, ngày 16/12, tại Hà Nội, Hội đồng sẽ tổ chức kỳ họp thứ 10 nhằm thảo luận, đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và toàn nhiệm kỳ 2016-2021; cho ý kiến về các nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng dự kiến triển khai trong năm 2022 và nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo LỮ MAI (Nhân Dân)