Văn học thiếu nhi sôi động đón hè

31/05/2021 - 08:31

Nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6 và đón hè 2021, mảng sách dành cho thiếu nhi đã sôi động trở lại với những thông điệp khơi nguồn tri thức, giá trị nhân văn nhằm hướng trẻ em đến một mùa hè an toàn và ý nghĩa.

Một số tác phẩm trong chương trình “Ðọc xuyên mùa hè 2021” do NXB Kim Ðồng tổ chức.

Tuy ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng nhiều nhà xuất bản (NXB) vẫn tích cực tổ chức các hoạt động khuyến khích văn hóa đọc theo hình thức trực tuyến. Dịp này, NXB Kim Ðồng tổ chức chương trình “Ðọc xuyên mùa hè 2021” với thông điệp “Mỗi gia đình một tủ sách cho con”. Theo đó, để khuyến khích phụ huynh xây dựng tủ sách thiếu nhi, NXB tổ chức nhiều đợt khuyến mãi lớn, kéo dài từ 27-5 đến hết 30-6 trên toàn quốc kèm nhiều ưu đãi về quà tặng, vận chuyển. Năm nay, thị trường sách thiếu nhi được đánh giá cao nhờ số lượng lớn sách hay và đẹp được phát hành, tạo nên sự phong phú, tiện lợi trong quá trình phục vụ bạn đọc. Về mảng sách văn học, bên cạnh những tác phẩm kinh điển được tái bản, còn có các tựa sách mới, như truyện dài “Cá voi Eren đến Hòn Mun” của tác giả Lê Ðức Dương, nội dung kể về chuyến phiêu lưu đến với vùng biển Nha Trang xinh đẹp của chú cá voi Eren. Bên cạnh đó, có hai tựa sách được bạn đọc chờ đón, gồm “Chiếc gối biết nói” của Phạm Thị Ngọc Liên và “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Ðồi Rơm” của Cao Khải An. Tủ sách văn học trong nhà trường có các tác phẩm mới: “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Tôi và chúng ta” của nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ.

Về văn học thế giới, nhiều đầu sách thú vị được phát hành dịp này, trong đó có tác phẩm “Peter Pan - Ðứa bé không bao giờ lớn” của J.M. Bác-ri-e do Hà Ly dịch. Sách tranh cũng là điểm nổi bật trong mùa hè năm nay với tác phẩm “Chiếc dép thất lạc - The lost sandal” của hai tác giả nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam, viết cho trẻ em Việt Nam. Các thể loại sách khoa học, khám phá, toán học, nghệ thuật học… cũng được xuất bản theo bộ rất công phu, chất lượng và có những đầu sách được giới thiệu để tủ sách cho các gia đình, như: “Những tù nhân của địa lý - Khám phá sự vận hành của thế giới qua những tấm bản đồ - phiên bản minh họa màu dành cho độc giả trẻ” của tác giả Tim Mác-san và nhóm họa sĩ Gra-xơ Ét-xtôn - Giét-xi-ca Xmít đưa bạn đọc bước vào hành trình khám phá và trải nghiệm lịch sử phong phú của các quốc gia, dân tộc, và địa lý thế giới; bộ sách Khoa học bốn tập cho lứa tuổi thiếu niên “Mười vạn câu hỏi vì sao” chứa đựng hàng nghìn vấn đề thú vị xoay quanh lịch sử, tự nhiên, địa lý, văn hóa, đời sống…

Theo đánh giá từ đại diện các NXB, vài năm trở lại đây, mảng văn học thiếu nhi đã có những tín hiệu mới đầy khả quan, thể hiện qua số lượng, chất lượng sách xuất bản và phát hành. Theo đó, thị hiếu của trẻ em đang thay đổi, đặt ra yêu cầu cho ngành sách phải đáp ứng tốt về cả nội dung và hình thức. Về nội dung, bên cạnh các thể loại quen thuộc như sách văn học, truyện tranh… thì trẻ em còn quan tâm tới lịch sử, khoa học, kỹ năng sống, phiêu lưu, khám phá… Ngoài những tác giả quen thuộc có sách được tái bản nhiều lần như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, trong nước cũng xuất hiện thế hệ người viết ở độ tuổi thiếu niên như tác giả Cao Khải An (sinh năm 2009) với tác phẩm “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Ðồi Rơm”, tác phẩm từng đoạt Giải Khát vọng Dế Mèn lần thứ nhất năm 2020; tác giả Cao Việt Quỳnh (sinh năm 2008) với tác phẩm “Người Sao Chổi”. Việc xuất hiện những cây bút nhí sáng tác tác phẩm dành cho lứa tuổi của mình tạo nên một hiệu ứng tốt, kích thích sự đồng cảm, sẻ chia và sáng tạo ở cả trẻ em và người lớn. Ðặc biệt, các cây bút nhí đã quan tâm, thể hiện được ngôn ngữ, bản sắc quê hương, con người tạo nên nét độc đáo, cuốn hút trong tác phẩm.

Văn học thiếu nhi sôi nổi trở lại, giữ được nhịp độ phát triển suốt hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh là nỗ lực đáng trân trọng. Tuy nhiên, để có hướng phát triển lâu dài, bền bỉ, các đơn vị xuất bản cần chú trọng tới việc phát triển đồng bộ, không để xảy ra chênh lệch lớn về số lượng, chất lượng giữa các NXB và chú trọng khâu chuyển đổi số để có thêm nhiều ấn phẩm phù hợp thời đại công nghệ, trong đó có sách nói, sách điện tử và các nền tảng, dịch vụ tiện ích đi kèm.

Theo MAI LỮ (Nhân Dân)

 

Liên kết hữu ích