Vàng tươi chợ mai cành

21/01/2023 - 09:11

 - Giáp Tết, phố đi bộ Hai Bà Trưng (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) trở thành khu chợ rất độc đáo: Chợ mai cành. Khu chợ chỉ nhóm họp vỏn vẹn 2-3 ngày, rồi vắng hẳn vào trưa 30 Tết. Dần dần, người ta cứ ngóng đợi chợ mai cành, luyến lưu nét văn hóa riêng có của Long Xuyên, chẳng lẫn vào đâu được.

Gọi là chợ cho sang, chứ nào có quầy hàng, lô sạp gì. Chừng 20 người tụ họp ở góc đường, mang theo những cành mai đẹp nhất trong vườn quê, mời chào khách phố thị.

Hầu hết nhánh mai được chiết từ gốc mai già. Chúng mang đủ kích thước, hình dáng, đáp ứng đa dạng nhu cầu chưng Tết của người dân. Điểm duy nhất giữa chúng là hoa và nụ dày đặc trên cành, như lời chúc sung túc, may mắn.

Nhà vườn đa số đến từ huyện Chợ Mới và cù lao ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên), những địa phương nổi tiếng với thế mạnh trồng mai bán Tết. Để cành mai thêm bắt mắt, tươi mới, người bán dành thời gian cắt tỉa, tưới nước thường xuyên.

Bà Hai (62 tuổi, ngụ xã Mỹ Hòa Hưng) hơn 10 năm gắn bó với nghề trồng mai. Cũng ngần ấy thời gian, bà có mặt ở chợ mai cành giáp Tết. Khách ngán ngại mua mai chậu vì sợ mắc tiền, sợ tốn công chăm sóc. Nhưng với mai cành, họ dễ mua hơn nhiều. Bà đem ra bao nhiêu cành, là bán hết bấy nhiêu!

Ngồi sắp xếp cả trăm cành mai vừa đem qua tới, bà Sáu (67 tuổi) chia sẻ, không có giá cố định cho mặt hàng này. Người mua chịu hỏi, chịu mua, người bán chịu bớt thì cuộc giao dịch thành công chóng vánh. “Thấy nhiều vậy chứ, chút xíu là bán hết trơn hà. Của vườn nhà, bán đâu sợ lỗ! Bán được đồng nào, thêm chút tiền Tết đồng nấy, vui dữ lắm!” – bà cười tít mắt.

Chẳng ai lý giải được vì sao khu chợ hình thành. Có lẽ, xuất phát từ nhu cầu của người mua là chủ yếu. Mỗi nhánh mai chừng vài chục ngàn, cao lắm 100.000 đồng, mà đẹp ơi là đẹp. Chưng xong 3 mùng đầu năm, những cánh hoa cuối cùng lìa cành. Hết Tết, cành mai cũng làm tròn sứ mệnh của mình…

Lạc vào “khu chợ”, là lạc vào màu vàng tươi của mai, lạc vào nụ cười của người bán, người mua. Cùng với đó, là nụ cười xinh tươi của “gần xa nô nức yến oanh”, mượn chợ mai cành lưu giữ hình ảnh ngày xuân.

Một người bạn vong niên của tôi hoài niệm: “Thập niên 80, mẹ tôi ra chợ bán vài nhánh mai để mua thêm vật dụng trong gia đình ngày Tết. Giờ, hình như ít gặp cảnh này”. Phóng sự này như món quà nhỏ, tôi tặng anh và nhiều người từng gắn bó chợ mai cành. Dẫu cuộc sống xoay vần, thay đổi, khu chợ vẫn còn đó, vẹn nguyên như ký ức ngày nào!

KHÁNH ĐĂNG