Sử dụng dữ liệu thu được từ Đài thiên văn Keck ở Hawaii (Mỹ) suốt 13 năm qua, các nhà thiên văn học xác định một lớp vật thể mới gần với lỗ đen Sagittarius A *.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature mới đây, 6 vật thể lạ G1, G,2, G3, G4, G5 và G6 dường như đang tương tác với lỗ đen. Các nhà khoa học xếp chúng vào nhóm G.
Hình ảnh mô phỏng về nhóm G xoay xung quanh lỗ đen. (Ảnh: Jack Ciurlo)
"Những vật thể này trông giống như khí gas và hoạt động như những ngôi sao", đồng tác giả của nghiên cứu Andrea Ghez cho biết.
Một số nhà thiên văn học tin rằng các vật thể này có thể là những đám mây khí. Tuy nhiên, cũng có các ý kiến khác nói chúng có thể là những ngôi sao phủ đầy bụi vì chúng quay quanh quỹ đạo của hố đen mà không bị phá hủy hoàn toàn bởi lực kéo của nó. Các vật thể này ban đầu trông khá nhỏ gọn nhưng khi tới gần lỗ đen, chúng trở nên dài ra.
Vật thể đầu tiên trong nhóm G được phát hiện là G1 vào năm 2005. 7 năm sau, nhóm của Ghez tuyên bố về sự tồn tại của G2.
Năm 2014, Ghez và các cộng sự phát hiện G2 tiến gần đến hố đen Sagittarius A *. Điều này khiến họ tin rằng có khả năng 2 ngôi sao quay xung quanh lỗ đen kết hợp với nhau và cuối cùng hợp nhất thành một ngôi sao lớn hơn, được bao phủ bởi đám mây khí và bụi do lực hấp dẫn của lỗ đen.
"Tại thời điểm tiếp cận gần nhất, G2 ở trạng thái kỳ lạ. Chúng tôi từng nhìn thấy nó trước đây, nhưng nó trông không quá kỳ dị cho đến khi tới gần với lỗ đen và trở nên thon dài. Phần lớn lượng khí của nó bị xé toạc. Nó biến đổi từ một vật thể khá nguyên sơ khi ở xa lỗ đen thành một thứ bị kéo dài biến đạng, mất đi lớp vỏ bên ngoài", Ghez cho hay.
Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu G3, G4, G5 và G6. Các vật thể mới được phát hiện này có quỹ đạo hoàn toàn khác với với 2 vật thể đầu tiên.
Các nghiên cứu tin rằng, các tìm tòi và khám phá của họ về nhóm G sẽ làm rõ thêm những gì đang xảy ra ở khu vực trung tâm của thiên hà, vốn vẫn luôn là một bí ẩn.
Theo VTC