Về cù lao, nghe chuyện “hổ báo ơn người”

12/07/2024 - 06:13

 - Xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) còn có tên gọi khác là “Cù lao Ông Hổ”. Cách gọi này bắt nguồn từ câu chuyện nghĩa tình giữa hổ và người, được người dân lưu truyền qua bao thế hệ.

Từ TP. Long Xuyên, qua một chuyến phà đến với Mỹ Hòa Hưng - quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Trong khung cảnh nông thôn mới, đâu đó vẫn còn hiện diện những ngôi nhà xưa đậm chất Nam Bộ nằm nép mình bên khu vườn rợp bóng cây xanh, gợi cảm giác yên bình, tĩnh lặng của ngày xưa.

Khách phương xa đến với Mỹ Hòa Hưng không chỉ để thăm nơi “chôn nhau, cắt rốn” của người chiến sĩ cách mạng kiên trung Tôn Đức Thắng, mà còn để nghe và hiểu hơn về câu chuyện “hổ biết ơn người”.

Theo hướng dẫn của người dân địa phương, chúng tôi men theo con đường xanh mát, tìm đến Bửu Long Cổ Tự - nơi người dân trong vùng quen gọi “chùa Ông Hổ”. Đây được xem là nơi “lưu giữ tích xưa” được người dân bản xứ truyền miệng hàng trăm năm qua.

“Chùa ông Hổ” có diện tích nhỏ, mang kiến trúc mộc mạc, nằm thu mình dưới những tán cây. Trong khuôn viên yên tĩnh của ngôi chùa, mộ Ông Hổ được phục dựng nằm ngay vị trí dễ nhìn thấy, để thuận tiện cho người dân địa phương và du khách đến viếng.

Bửu Long Cổ Tự mang kiến trúc mộc mạc, không gian xanh mát

Ông Nguyễn Văn Năm (người trông nom Bửu Long Cổ Tự suốt 27 năm qua) kể, cách đây khoảng 400 năm, có vợ chồng ông lão làm nghề chài lưới không có con. Vào đêm nọ khi đi chài thì bất ngờ gặp một chú hổ con nằm trên vệ cỏ, theo con nước tấp vào mé cù lao.

Thấy vậy, ông bà mang hổ về nuôi như con. Vài năm sau, vợ chồng ông lão chài lưới qua đời. Hổ buồn rầu, rời nhà về núi. Hàng năm, đến ngày giỗ của vợ chồng ông lão chài lưới, hổ thường mang theo heo rừng về đặt trước mộ cha mẹ nuôi, rồi kêu gầm gừ vang vọng đến gần sáng mới rời đi.

Biết hổ mang heo rừng về mộ cúng ông bà lão, nên mỗi khi nghe tiếng hổ gầm, sáng hôm sau người dân địa phương ra mộ mang heo về làm thịt cúng giỗ ông bà. Nhiều năm sau, có một ngày, người dân thấy hổ nằm chết ngay bên mộ vợ chồng ông lão chài lưới.

Dân làng thấy con vật sống nghĩa tình nên đặt tên vùng đất là “Cù lao Ông Hổ” và lập miếu thờ Ông Hổ. Khoảng 200 năm sau, có ông Huỳnh Công Sử đến khẩn hoang vùng đất cù lao, xây nên ngôi chùa tại miếu ông Hổ, đặt tên Bửu Long Cổ Tự.

Suốt hàng trăm năm, Bửu Long Cổ Tự chính là nơi gửi gắm niềm tin, mong cầu bình an của người dân bản xứ. Hiện nay, lễ giỗ ông Hổ được tổ chức vào ngày 28/10 (âm lịch) hàng năm, vào ngày giỗ luôn thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách gần xa đến dự. Đối với những ngày bình thường, người dân Mỹ Hòa Hưng và khách thập phương thường đến viếng “chùa Ông Hổ”, nhiều người tin rằng, khi có lòng thành khẩn, Ông Hổ sẽ phù hộ bình an.

Mộ Ông Hổ trong khuôn viên Bửu Long Cổ Tự

Câu chuyện “hổ biết ơn người” được lưu truyền qua bao thế hệ người dân Mỹ Hòa Hưng không chỉ để giải thích cho tên gọi “Cù lao Ông Hổ”, mà còn mang tính giáo dục về tình thương, sự biết ơn. Qua câu chuyện, các thế hệ người dân Mỹ Hòa Hưng muốn gửi gắm kỳ vọng thế hệ con cháu ngày sau trên mảnh đất cù lao giữ nguyên cốt cách bình dị, sống nghĩa tình, chan hòa, cùng nhau xây dựng quê hương, không phụ lòng các bậc tiền nhân.

Là xã cù lao được thiên nhiên ưu đãi những dãy đất bãi bồi, rợp bóng cây xanh, Mỹ Hòa Hưng được xem là “lá phổi xanh” của TP. Long Xuyên. Từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Mỹ Hòa Hưng đã “thay da đổi thịt”, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng lên, “bức tranh” nông thôn khởi sắc. Ngày nay, Mỹ Hòa Hưng đã trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống về nguồn.

Dịp lễ, Tết, đặc biệt vào những ngày tháng tám, du khách nhiều nơi tìm đến “Cù lao Ông Hổ”, thăm quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, để tưởng nhớ công lao và giáo dục đạo đức cách mạng.

Ngoài ra, với những mô hình du lịch homestay, những vườn cây trĩu quả phục vụ du khách gần xa, Mỹ Hòa Hưng còn là điểm tham quan lý thú, thu hút sự quan tâm của du khách khi đến An Giang.

Trải qua hàng trăm năm nằm giữa dòng sông Hậu hiền hòa, “Cù lao Ông Hổ” nổi lên như hòn “đảo nhỏ” xanh mát giữa bốn bề sông nước. Những ai yêu thích thiên nhiên, muốn thưởng ngoạn nếp sống yên bình, có thể về “Cù lao Ông Hổ” ngắm nhìn cảnh sắc thôn quê, nghe kể câu chuyện nghĩa tình giữa hổ và người, để hiểu hơn về cốt cách của người dân bao đời ở xứ cù lao sông nước.

MỸ LINH