Về Láng Linh

29/10/2022 - 10:53

 - Ở vùng trong của huyện Châu Phú (tỉnh An Giang), người ta nhắc mãi đến vùng Láng Linh, đến “Đẳng cấp vang danh Đức Cố Quản” – người được xem là “Thần linh kháng Pháp”. Giờ đây, Láng Linh được nhiều người tìm về. Trước là để ghi tạc công đức tiền nhân, sau là để yêu thêm vùng đất lịch sử này.

Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành còn có tên Bửu Hương tự, chùa Láng Linh (gọi tắt là chùa Láng) là di tích lịch sử cấp quốc gia, tọa lạc tại xã Thạnh Mỹ Tây, cách TP. Long Xuyên khoảng 50km.

Rất nhiều tượng, tranh chân dung của Quản cơ Trần Văn Thành (dân gian tôn xưng ông là Đức Cố Quản) được trưng bày ở nơi trang nghiêm, đông người qua lại. Đó là một trong những cách hậu bối tưởng nhớ về Đức Cố Quản, tạc dạ công sức của ông trong công cuộc khẩn hoang lập làng ở vùng đất này.

Ông tên là Trần Văn Thành, một võ quan đời vua Tự Đức, có công đánh dẹp giặc và bình định vùng Bảy Núi và được thăng chức Chánh Quản Cơ. 

20 năm sau khi Quản Cơ Trần Văn Thành hy sinh, năm 1897, ông Trần Văn Nhu (con trai trưởng) đứng ra xây dựng đền thờ, nhằm tưởng nhớ cha mình. Nơi đây còn là nơi tập hợp đông đảo nhân dân và tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương để chờ thời cơ đánh Pháp.

Ngôi đền đầy cổ kính, mang đậm nét quê miền Tây, được trùng tu sau nhiều lần bị cháy trong kháng chiến, bị xuống cấp sau nhiều năm xây dựng. Bình yên là cảm giác bao trùm khi đến thăm ngôi đền thờ. Mọi ưu phiền dường như nằm lại ngoài khuôn viên thanh vắng.

Bên trong Đền thờ được xây dựng theo phong cách kiến trúc triều Nguyễn đậm dấu ấn truyền thống dân tộc. Các công trình kiến trúc trang nghiêm, hài hòa, tinh xảo. Ngày ngày, các ông từ của đền thờ thay nhau coi sóc, nhang khói cho Đức Cố Quản và những người có công với vùng đất này.

Khách phương xa đến cúng viếng, còn đem lòng xin quẻ, muốn được hóa giải ưu phiền, cầu mong may mắn mình và gia đình.

Người dân địa phương lẫn khách du lịch khắp nơi thường xuyên tìm đến, lặng lẽ cúng hoa, bánh trái lên các bàn thờ, bằng tấm lòng cung kính “những người đã hóa thần”, đem lại cuộc sống mới cho nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Kê (74 tuổi) giữ vai trò từ đền ngót nghét 30 năm, chứng kiến biết bao thay đổi của đền, lẫn quê mình. Ông chia sẻ: “Cuộc sống tôi quá may mắn, đủ đầy, nên tôi nguyện dành phần đời còn lại của mình để hương khói Đức Ông Bà Cố”.

Còn bà Út (63 tuổi, ngụ tỉnh Hậu Giang) lần đầu tiên theo con cháu đến nơi này. Trong không gian trầm mặc, bà vái lạy từng bàn thờ, dù chân đi đứng rất khó khăn, một mực cầu mong điều tốt lành cho tụi nhỏ.

Nằm trong quần thể khu di tích Đức Cố Quản, cách Đền thờ không xa, là Trại ruộng Bà Cố Quản Nguyễn Thị Thạnh. Theo sử sách, sau khi khởi nghĩa Bảy Thưa (1867-1873) của chồng thất bại, bà cùng các con về trú ngụ trên nền một trại ruộng xưa. Giờ, nơi đây vẫn còn lưu dấu tích người xưa, trong một khu thờ phụng dân dã, đúng chất Nam Bộ.

Ông Nguyễn Văn Trắng (63 tuổi) đảm nhiệm vai trò quản lý, hương khói cho “trại ruộng” mấy năm nay, thay cho người tiền nhiệm qua đời. Sống mấy mươi năm ở quê hương, ông cảm thấy rất vinh hạnh khi được giao trọng trách này.

Theo lời ông Trắng, chúng tôi men theo đường làng trải nhựa, phóng tấm mắt nhìn ra đồng Láng Linh. Có người lý giải, ngày trước, nơi đây là vùng đồng không mông quạnh, nước lênh láng. Gọi riết thành đồng Láng Linh, chỉ vậy thôi. Trăm năm sau, đê bao ngày càng nhiều, nước ngày càng ít lại, mênh mông Láng Linh xưa kia chỉ còn là hoài niệm trong sử sách.

Vẫn cánh đồng rộng lớn bao trùm nhiều xã vùng trong của huyện Châu Phú, người dân lặn lội mưu sinh, nhất là khi nước nổi tràn về.

Láng Linh ngày xưa, Thạnh Mỹ Tây bây giờ phát triển với nhà cửa san sát, cư dân đông đúc. Nhưng nhịp sống vùng quê này vẫn rất mực bình yên, mang đậm nét văn hóa miền Tây sông nước.

Tiếp nối truyền thống đánh giặc giữ nước của Quản cơ Trần Văn Thành, nhân dân xã Thạnh Mỹ Tây đã có thêm nhiều chiến công oanh liệt, được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào năm 2010. Rồi những đứa trẻ sẽ dần hiểu, dần yêu hơn quê mình, bởi khí khái anh hùng đã thấm đẫm trong máu, trong tim…

KHÁNH ĐĂNG