Tôi sống ở Sài Gòn. Hơn một năm nay khi đi bất kỳ hàng quán, siêu thị nào tôi đều hỏi nhân viên thu ngân: “Có thanh toán bằng MoMo được không?”, rất nhiều nơi gật đầu. Cuộc sống thật tiện nghi vì tôi không phải mang theo tiền mặt, không lo trữ tiền lẻ để thối.
Tuy vậy, khi đi các tỉnh khác, việc thanh toán kỹ thuật số nói chung và ví điện tử nói riêng vẫn chưa phổ biến. Ngay tại TP.HCM, vẫn phải cài Moca để đi Grab, cài AirPay để mua sắm trên Shopee, vì các ví này không liên thông với nhau.
Cho đến hiện tại, ví điện tử vẫn chưa tiếp cận được đa số người dân vì chưa đa dạng điểm chấp nhận thanh toán, mới chỉ tập trung ở thành phố lớn, và vẫn còn phân mảnh.
Một quán ăn tại TP.HCM chấp nhận hầu như mọi ví điện tử. (Ảnh: Hải Đăng)
Người dân vẫn phải cài nhiều ví ít nhất 1-2 năm tới
Ví điện tử và thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam gia tăng mạnh mẽ, nhất là trong giai đoạn Covid-19. Một khảo sát của Visa vào quý 3/2020 trên 1.000 người Việt ở thành phố lớn lẫn nông thôn, nhiều độ tuổi và giới tình khác nhau cho thấy, hơn một nửa (51%) người được hỏi cho biết họ gia tăng tần suất dùng ví điện tử. Trong đó, tỷ lệ cao nhất là thanh toán QR Code (một hình thức thanh toán tại quầy dùng ví điện tử), với 55%.
Theo báo cáo của Boston Consulting Group, 49% khách hàng của các ngân hàng tại khu vực thành thị tại Đông Nam Á đã sử dụng ví điện tử, tỷ lệ này sẽ đạt 84% vào năm 2025.
Bản thân các ví cũng tăng trưởng mạnh. MoMo, ví dẫn đầu về lượng người dùng hiện nay, hiện đã vượt hơn 25 triệu tài khoản, hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán, tăng trưởng tổng giá trị giao dịch tính hết 2020 gấp 3,5 lần năm trước đó.
Payoo cũng liên kết gần 20.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc, xử lý hơn 400 loại hóa đơn, dịch vụ từ hơn 350 nhà cung cấp khác nhau. Nền tảng này cũng kết nối với hơn 40 ngân hàng, đạt tỷ lệ tăng trưởng giá trị giao dịch 60% mỗi năm, với giá trị gần 100.000 tỷ đồng/năm được xử lý qua hệ thống.
Mặc dù tăng trưởng mạnh nhưng số lượng ví tại Việt Nam vẫn còn nhiều, phân mảnh. Có khoảng 40 ví điện tử và trung gian thanh toán phân bổ trên dân số hơn 97 triệu người. Điều này, theo ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ trực tuyến Cộng Đồng Việt (Payoo), là do thị trường ví điện tử tại Việt Nam còn trong giai đoạn sơ khai.
Ông Lĩnh cho rằng thị trường Việt Nam gần trăm triệu dân, mở rộng ra Đông Nam Á hơn 700 triệu dân, chủ yếu thanh toán tiền mặt, thì việc thu hút các tay chơi lớn tham gia thị trường ví điện tử là đương nhiên.
Các ví điện tử trong top đầu thị trường hiện nay có: MoMo, Moca, ZaloPay, AirPay, Viettel Pay, Payoo.
Trong đó, MoMo, Moca và ZaloPay mạnh ở mảng thanh toán tại quầy; Moca nắm trọn mảng đặt dịch vụ của Grab; AirPay là ví điện tử duy nhất của nền tảng thương mại điện tử có người dùng lớn nhất Việt Nam (Shopee), Payoo là nền tảng của các thanh toán dịch vụ (điện, nước, Internet,...). Mỗi ví có thế mạnh riêng nhưng chưa có ví nào đủ để chiếm lĩnh thị trường.
Như vậy, để không phải móc ví trả tiền mặt, người dùng ít nhất phải cài 2-3 ví điện tử để sử dụng được tất cả các dịch vụ hàng ngày như gọi xe, thanh toán dịch vụ, trả tiền tại quầy, mua sắm trên thương mại điện tử. Chưa kể những dịch vụ khác có thể phát triển trong tương lai.
Ông Nguyễn Bá Diệp (Phó Chủ tịch, đồng sáng lập Ví MoMo) cho răng trong 1-2 năm nữa thì ví điện tử sẽ phát triển rực rỡ. Khi đó thị trường sẽ sàng lọc để chỉ còn 3-5 ví chủ chốt.
Vẫn phải cài 2-3 ví cùng lúc để dùng được cho mọi dịch vụ. (Ảnh: Hải Đăng)
Chờ cơ chế sandbox để nhiều người có cơ hội dùng ví điện tử
Tại Việt Nam, tỷ lệ người dùng smartphone đang có mức tăng rất mạnh. Theo thống kê của một số nhà mạng tỷ lệ khách hàng sử dụng smartphone đang tăng trưởng khoảng 20 - 30%/năm, đặc biệt là dòng smartphone có sử dụng 5G. Đây chính là cơ hội cho ví điện tử phát triển mạnh mẽ.
Để nhiều người dùng ví điện tử hơn, doanh nghiệp cần xây dựng hệ sinh thái rộng lớn, nhiều điểm chấp nhận thanh toán, công nghệ bảo mật tiên tiến. Về phía cơ quan quản lý, các ví cho rằng cần có cơ chế cởi mở vì ví điện tử vẫn rất mới mẻ tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Bá Diệp cho rằng không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, sự phát triển của công nghệ, fintech,... luôn đi trước hành lang pháp lý. Sáng tạo nghĩa là tạo ra những cái mới, chưa từng có tiền lệ. Dưới góc nhìn của các nhà quản lý, những lo lắng về tác động xấu đến xã hội với những mô hình chưa có tiền lệ cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Tuy nhiên, bên cạnh các cơ chế quản lý rủi ro, ông Diệp nói hành lang pháp lý dành cho fintech cần có quan điểm khoan dung, dễ chấp nhận hơn.
Bà Trương Cẩm Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc công ty ZION, đơn vị chủ quản ví điện tử ZaloPay, kiến nghị tạo cơ chế thông thoáng để các doanh nghiệp phát triển. Vì ví điện tử là lĩnh vực mới nên các quy định nên theo hướng mở, tránh cứng nhắc dễ gây khó khăn trong quá trình phát triển.
“Không nên bắt buộc ví điện tử phải có liên kết tài khoản ngân hàng. Những ví không liên kết thì cho phép giao dịch với giá trị nhỏ. Như vậy, khách hàng dễ dàng tiếp cận với một phương thức thanh toán mới, đơn giản, thuận tiện, từ đó thay đổi thói quen dùng tiền mặt”, bà Thanh nêu ví dụ.
Ý tưởng của bà Thanh trên thực tế đã được áp dụng thử nghiệm trên Mobile Money mới được Thủ tướng cho phê duyệt triển khai thử nghiệm từ 9/3. Các tài khoản viễn thông không cần tài khoản ngân hàng, có thể được dùng để thanh toán cho các hàng hoá, dịch vụ có giá trị nhỏ.
Ngoài các dịch vụ hiện hữu, bà Thanh dự báo các nhu cầu mới sẽ xuất hiện như: dịch vụ trả sau, cho vay ngang hàng, cho vay tín dụng, bảo hiểm…, do vậy cần có những quy định thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới để đa dạng hóa sản phẩm, giúp doanh nghiệp tiếp cận người dùng tốt hơn.
“Để triển khai thành công thanh toán điện tử, cần có sự phối hợp nhiều bên từ Nhà nước, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ,… mới có thể thuyết phục được người dân chấp nhận và sử dụng thường xuyên”, ông Ngô Trung Lĩnh kết luận.
Theo HẢI ĐĂNG (Vietnamnet)