Vì sao các nước lớn đua nhau thám hiểm Mặt Trăng?

12/08/2023 - 19:08

Mỹ và Trung Quốc đặt mục tiêu thiết lập căn cứ lâu dài ở cực nam của Mặt Trăng, trong khi Ấn Độ và Nga cạnh tranh để trở thành quốc gia đầu tiên đổ bộ Mặt trăng.

Phát biểu tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở bang Florida (Mỹ) hôm 8/8, ông Bill Nelson bày tỏ lo ngại Trung Quốc có thể chiếm khu vực cực nam của Mặt Trăng nếu các phi hành gia Bắc Kinh đến đó trước. “Đương nhiên, tôi không muốn Trung Quốc đưa người đến cực nam trước và sau đó tuyên bố đó là lãnh địa của họ”.

Cuộc đua giành cực nam Mặt Trăng 

Theo ông Nelson, Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua xem ai sẽ là người đầu tiên tiếp cận được khu vực nước đóng băng bị mắc kẹt ở cực nam của Mặt Trăng.

“Chúng ta cần bảo vệ lợi ích của cộng đồng quốc tế. Nếu tìm thấy lượng nước dồi dào có thể được sử dụng cho các phi hành đoàn và tàu vũ trụ trong tương lai thì, chúng ta muốn đảm bảo rằng nguồn nước đó được cung cấp cho tất cả mọi người chứ không chỉ người tuyên bố có nó”, ông Nelson nói thêm.

Nhiều quốc gia nhắm đến cực nam của Mặt Trăng. (Ảnh: Getty)

Các địa điểm tiềm năng để hạ cánh và sử dụng tài nguyên ở cực nam của Mặt Trăng có thể bị hạn chế. Nguyên nhân, hình ảnh thu được từ vệ tinh cho thấy cảnh quan rất khác so với khu vực từng được chọn để hạ cánh trong các cuộc du hành trước đây.

“Những bức ảnh ở cực nam không giống như những gì chúng ta từng thấy nơi Neil Armstrong và Buzz Aldrin hạ cánh. Cực nam của Mặt Trăng có nhiều miệng hố sâu. Do góc của Mặt Trời chiếu vào nên hầu hết các miệng núi lửa đó hoàn toàn chìm trong bóng tối, điều này làm giảm diện tích tiếp đất đáng kể”, ông Nelson nói.

Tuy nhiên, chuyên gia chính sách vũ trụ Brian Weeden, giám đốc lập kế hoạch chương trình tại tổ chức tư vấn Secure World Foundation nói Mỹ và Trung Quốc “không nhất thiết phải cạnh tranh”. “Đó không phải là cuộc chạy đua, bởi không chỉ Mỹ và Trung Quốc sẽ lên Mặt trăng, rất nhiều quốc gia cũng sẽ đến đó vì những lý do khác nhau”.

Cực nam của Mặt Trăng là nơi rộng lớn, đủ không gian cho nhiều nhóm khám phá. Ông bác bỏ ý kiến của giám đốc NASA cho rằng ai đến đó trước sẽ “thắng” cuộc đua, vì "dù ai lên Mặt Trăng trước thì các quốc gia khác cũng sẽ không ngừng đến đó”.

Trung Quốc đã nghiên cứu phát triển các phương tiện phóng và tàu vũ trụ nhằm mục tiêu đưa các phi hành gia nước này lên Mặt trăng vào năm 2030. Trạm nghiên cứu Mặt Trăng quốc tế do Trung Quốc dẫn đầu và chương trình Artemis của Mỹ ra đời đều nhằm mục đích thiết lập một căn cứ lâu dài với sự hiện diện của con người ở khu vực cực nam của Mặt Trăng.

Nga - Ấn Độ phóng tàu vũ trụ đổ bộ Mặt Trăng

Trong khi đó, Nga và Ấn Độ đang cạnh tranh để trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện sứ mệnh tìm dấu hiệu của nước trên Mặt Trăng bằng tàu thám hiểm. Cả Luna 25 của Nga và Chandrayaan 3 của Ấn Độ dự kiến sẽ hạ cánh ngày 23/8.

Sáng 11/8, theo giờ Moskva, Cơ quan vũ trụ liên bang Nga Roscosmos phóng thành công tàu vũ trụ Luna-25, mở ra giai đoạn mới với chương trình thám hiểm Mặt Trăng của Moskva. Đây cũng là sứ mệnh Mặt Trăng đầu tiên của Nga sau 47 năm kể từ năm 1976.

Dự kiến, Luna-25 sẽ hạ cánh xuống cực nam của Mặt Trăng ngày 21/8. Con tàu này sẽ nghiên cứu những khu vực mà con người chưa từng tiếp cận được.

Bất chấp vụ phóng thành công của Moskva, giám đốc NASA bác bỏ vai trò đối thủ của Nga trong cuộc chạy đua vào không gian. Ông đặt câu hỏi về sự sẵn sàng của Nga trong việc đưa các nhà du hành vũ trụ trên Mặt Trăng trước năm 2030.

NASA cũng vạch ra tiến độ trong sứ mệnh Artemis II – phi hành đoàn 4 thành viên đánh dấu chuyến du hành Mặt Trăng có người lái đầu tiên của NASA. Dự kiến sứ mệnh sẽ bắt đầu vào năm 2024. Đây cũng là lần phóng thứ hai trong chương trình Artemis, một sáng kiến đa quốc gia nhằm thiết lập “sự hiện diện lâu dài của con người trên Mặt Trăng”. Trước đó vào năm 1972, phi hành đoàn của NASA thực hiện chương trình Apollo và tiếp cận thành công Mặt Trăng.

Tên lửa SLS và tàu vũ trụ Orion trên bệ phóng ở Florida trong sứ mệnh Artemis I. (Ảnh: Getty)

Theo ông Weeden, một câu hỏi quan trọng hơn nhiều so với sự cạnh tranh giữa các quốc gia để lên Mặt Trăng là liệu họ có cùng cách giải thích về luật quốc tế hay không, bởi các hiệp ước không gian hiện tại thường có các nguyên tắc rất rộng.

28 quốc gia ký Hiệp định Artemis

Hiệp định Artemis ra mắt vào ngày 13/10/2020 nhằm mục đích sử dụng không gian hòa bình và hợp tác với 8 nước ký kết tham gia gồm Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản, Luxembourg, Ý, Anh, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Tháng 11/2020, Ukraine tham gia hiệp định. Tháng 5/2021, Hàn Quốc trở thành quốc gia thành viên thứ 10. Tháng 6/2021, New Zealand và Brazil là hai quốc gia tiếp theo ký kết Hiệp định Artemis.

Cho đến nay, 28 quốc gia đã ký Hiệp định Artemis do Mỹ đứng đầu.

Trung Quốc không được mời tham gia hợp tác vì NASA không được phép ký bất kỳ thỏa thuận song phương nào với nước này. Nga cho rằng hiệp định do Mỹ khởi xướng bị "chính trị hóa" và "lấy Mỹ làm trung tâm quá mức".

Các quốc gia khác như Đức, Pháp và Ấn Độ cũng từ chối các hiệp định vì tin rằng, các nguồn tài nguyên trong không gian nên nằm ngoài giới hạn cho việc sử dụng kinh tế của bất kỳ quốc gia nào.

Trung Quốc và Nga, cũng như một số quốc gia khác bày tỏ lo ngại về khả năng thỏa thuận sẽ hạn chế các hoạt động trên Mặt Trăng của họ. Dù hiệp ước quy định rằng không quốc gia nào có quyền tuyên bố chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ trên Mặt Trăng, nhưng nó không chỉ rõ nguyên tắc không chiếm đoạt được áp dụng như thế nào đối với tài nguyên không gian, chẳng hạn như quyền khai thác, sở hữu và sử dụng nước đá trên Mặt trăng.

Theo quan điểm của ông Weeden, khái niệm về “cuộc chạy đua lên Mặt Trăng” ra đời một phần là do nỗi lo ngại của quốc tế về sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc với tư cách là cường quốc không gian.

“Trong một thời gian dài, Mỹ nghĩ rằng họ đi trước Trung Quốc về công nghệ vũ trụ. Điều này không còn đúng nữa. Lợi thế tương đối của Mỹ đang thu hẹp lại và mọi người lo lắng một ngày nào đó nó có thể giảm xuống mức bằng 0”, ông nói.

Bên cạnh đó, cũng có những lo ngại rằng Trung Quốc đang sử dụng năng lực không gian của mình như một “sức mạnh mềm” để gây ảnh hưởng đến các quốc gia khác và xây dựng ảnh hưởng toàn cầu. Điều này được thể hiện qua việc Bắc Kinh liên tục gửi lời mời các đối tác thực hiện nghiên cứu khoa học và gửi các phi hành gia của họ thực hiện các sứ mệnh tới trạm vũ trụ Thiên Cung.

Theo PHƯƠNG THẢO (VTC News/ SCMP)