Vì sao một siêu cường quân sự thất bại ở Afghanistan?

19/08/2021 - 14:36

Tốc độ Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, cùng sự sụp đổ quá nhanh của chính quyền Kabul, đã dẫn đến vô số chỉ trích nhằm vào Tổng thống Joe Biden vì quyết định rút quân Mỹ.

Trong bài viết trên tạp chí The Conversation, Arie Perliger – Giáo sư Nghiên cứu Tội phạm học và Tư pháp thuộc Đại học Massachusetts Lowell (Mỹ) – cho rằng những chỉ trích đó có ý nghĩa nhưng chưa chỉ ra được bản chất vấn đề.

Theo tác giả, sau nhiều năm nghiên cứu các cuộc xung đột như ở Afghanistan, kinh nghiệm của ông cho thấy có nhiều vấn đề mang tính nền tảng hơn với chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến kéo dài 20 năm qua, mà những hỗn loạn hiện tại chỉ là biểu hiện mới nhất. Chúng xuất phát từ một cách tiếp cận, mà theo đó quân đội chiếm lãnh thổ để chống lại các phong trào và hệ tư tưởng cực đoan quốc tế, ở Afghanistan và các nơi khác. 

Lính Mỹ ở Afghanistan được trang bị và đào tạo tốt hơn Taliban. Ảnh: AP

Xây dựng quốc gia không phải là một chiến lược quân sự

Sự can thiệp quân sự của Mỹ ở Afghanistan, và ở Iraq, ban đầu được biện minh là nhu cầu loại bỏ các mối đe dọa an ninh quốc gia tức thời và nghiêm trọng gồm mạng lưới khủng bố al-Qaeda và nỗi lo về vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Tuy nhiên, các mục tiêu ngắn hạn đó nhanh chóng bị thay thế bằng mục tiêu dài hạn hơn, đó là ngăn chặn các mối đe dọa trong tương lai từ các nước đó, chẳng hạn như các nhóm cực đoan mới nổi lên. Điều đó khiến Mỹ cùng với một số quốc gia khác chiếm đóng cả Afghanistan và Iraq cố gắng cung cấp sự ổn định và an ninh để người dân sở tại đó có thể thành lập chính phủ của riêng họ.

Nhiều người nghĩ rằng thúc đẩy dân chủ ở các nước bị chiếm đóng là con đường hợp lý và hiệu quả về mặt đạo đức để khôi phục an ninh và ổn định. Nhưng, cải cách chính trị sẽ thành công hơn khi bắt nguồn từ chính xã hội và văn hóa chính trị địa phương.

Chẳng hạn, ở Tunisia, các phong trào chính trị địa phương đã có thể chuyển đổi chính phủ của họ, và thành công này một phần là không có sự tham gia của nước ngoài.

Ở Afghanistan, các nhóm quốc tế như Liên Hợp Quốc, cùng với các tổ chức phi lợi nhuận và viện trợ độc lập, đã chi hàng triệu đôla cùng một thời lượng làm việc khổng lồ để xây dựng nền dân chủ, viết hiến pháp, lập dự luật về các quyền hạn, và tạo ra một xã hội chính trị mới.

Nhưng cách tiếp cận bên ngoài này, dựa trên sự chiếm đóng quân sự, "chắc chắn sẽ thất bại", theo các đánh giá chính thức được Trung tâm Hoạt động Phức hợp tại Đại học Quốc phòng của quân đội Mỹ công bố năm 2009. Đánh giá đó chỉ ra "việc xây dựng quốc gia ở Iraq và Afghanistan đã trở thành một đống đổ nát", và khuyến nghị quân đội tiếp tục tập trung vào việc chuẩn bị cho chiến tranh.

Các tổ chức quân sự không được trang bị hoặc đào tạo để tham gia hiệu quả vào các nhiệm vụ dân sự như thúc đẩy bản sắc dân tộc, hình thành thể chế chính trị hoặc thực hành trách nhiệm giải trình mang tính dân chủ. Thúc đẩy ổn định khác với thúc đẩy dân chủ, và sự ổn định trên thực tế có thể hiện hữu ngay cả dưới các chính phủ phi dân chủ.

Lịch sử của các cuộc can thiệp quân sự ở những khu vực như Bờ Tây và Gaza, Lebanon, Somalia và Iraq cho thấy, khi các nhà lãnh đạo địa phương phụ thuộc vào lực lượng quân sự nước ngoài để duy trì quyền lực, rất khó để họ tạo dựng tính chính danh phổ biến, quản lý hiệu quả và vun đắp bản sắc dân tộc chung. 

Lạm dụng sức mạnh quân sự trong chống khủng bố

Tăng cường lực lượng quân sự tại chỗ thường không giỏi trong xây dựng quốc gia hoặc bồi dưỡng dân chủ. Họ cũng không giỏi về chiến tranh thông tin - chiến đấu hiệu quả trên mặt trận ý tưởng.

Về bản chất, khủng bố là một hình thức bạo lực mang tính biểu tượng nhưng đầy chết chóc được sử dụng để truyền đạt một thông điệp chính trị. Xung đột không chỉ là ai kiểm soát mảnh đất nào, mà còn là ai có ảnh hưởng nhất.

Ở Afghanistan, phương Tây nắm ưu thế quân sự trong nhiều năm nhưng không thể loại bỏ được hệ tư tưởng Taliban và nạn tham nhũng trong hệ thống chính quyền. Ưu thế quân sự đó cũng không thể củng cố một bản sắc dân tộc thống nhất.

Và ngay cả khi bị đánh đuổi khỏi lãnh thổ mục tiêu, cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và al-Qaeda đều phát triển được các căn cứ và thành trì mới ở xa nơi giao chiến. Họ đã làm điều đó không chỉ bằng sức mạnh quân sự mà còn thông qua sức mạnh của ý tưởng, và bằng cách cung cấp một ý thức hệ thay thế hấp dẫn.

Các kết luận chính xác từ Afghanistan

Sau 20 năm, sự hiện diện của người Mỹ ở Afghanistan đã không thiết lập được bất kỳ cấu trúc chính trị thống nhất và bền vững nào với tính hợp pháp phổ biến. Dựa trên kinh nghiệm này, và kinh nghiệm ở các nước khác trong những hoàn cảnh khác, không có lý do gì để tin rằng tiếp tục hiện diện quân sự sẽ làm thay đổi điều đó.  

Các phong trào chính trị địa phương tìm kiếm dân chủ và tự do dân sự - ở Afghanistan hay các nơi khác - có thể được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của Mỹ chứ không phải từ sức mạnh quân sự. Ép buộc các xã hội tuân theo các thực tiễn dân chủ có thể dẫn đến bất ổn chính trị, xung đột và làm giảm sự an toàn của người dân. 

Theo tác giả Arie Perliger, các bằng chứng cho thấy một kết luận rõ ràng là can thiệp quân sự nên tập trung vào các mục tiêu quân sự, chứ không nên phân tán sang kỹ thuật xây dựng chính trị hoặc xã hội.

Theo THANH HẢO (Vietnamnet)