Vì sao Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu trở lại​?

26/09/2023 - 13:56

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Ngân hàng Nhà nước liên tục phát hành tín phiếu với tổng số gần 30.000 tỷ đồng sau hơn 6 tháng tạm ngưng (từ 10/3/2023) là nhằm góp phần ổn định tỷ giá USD/VND và tháo gỡ việc dư thừa vốn.

Thống kê cho thấy, chỉ từ ngày 21/9 đến 25/9, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục mở 3 phiên phát hành tín phiếu. Cụ thể, trong phiên 21/9, Ngân hàng Nhà nước đã chào thầu thành công gần 10.000 tỷ đồng tín phiếu cho 2 thành viên thị trường với kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 0,69%. Đến phiên 22/9, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành thành công 10.000 tỷ đồng tín phiếu 28 ngày, song số lượng thành viên trúng thầu đã tăng lên 5 và lãi suất trúng thầu giảm xuống còn 0,5%. Tại phiên ngày 25/9, kết quả có 4/13 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng là 10.000 tỷ đồng, lãi suất 0,49%.


Các chuyên gia kinh tế nhận định, quy mô phát hành 3 đợt tín phiếu gần như không đổi nhưng số lượng thành viên trúng thầu tăng lên và lãi suất giảm xuống cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn rất dồi dào. Việc phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước không gây ra những cú sốc hay thay đổi quá nhanh đối với thanh khoản VND trong hệ thống ngân hàng, không ảnh hưởng đến mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cung cấp đầy đủ tín dụng cho nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng.

Theo số liệu mới công bố của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng vẫn đang tăng trưởng rất chậm. Tính đến ngày 15/9 tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 5,56% (trong khi định hướng cả năm khoảng 14 - 15%) và chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức 5,33% đến cuối tháng 8. Như vậy, trong 4 tháng cuối năm toàn hệ thống ngân hàng còn khoảng 8 - 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, mục tiêu phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước chủ yếu là hút tiền trên thị trường trong bối cảnh đang thừa tiền, không cho vay được.

Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cũng cho rằng, động thái phát hành tín phiếu trở lại của Ngân hàng Nhà nước có thể được xem là một cách thức nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống. Đây là hoạt động thường thấy từ các ngân hàng trung ương và không đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đảo chiều chính sách tiền tệ.

Mặt khác, theo Công ty cổ phần Chứng khoán Maybank (MSVN), động thái hút tiền của Ngân hàng Nhà nước cho thấy Ngân hàng Nhà nước đang sẵn sàng can thiệp để ổn định tỷ giá. MSVN cho rằng, việc hút tiền qua kênh tín phiếu sẽ giảm bớt thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng, từ đó giúp lãi suất liên ngân hàng nhích tăng để giảm bớt chênh lệch lãi suất, qua đó giảm bớt áp lực lên tỷ giá.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Ngọc Báu - CEO Wi Group cho rằng, việc mở lại kênh phát hành tín phiếu là quyết định chính xác từ phía nhà điều hành để giảm đầu cơ tỷ giá trong hệ thống.

Hiện nay, tỷ giá USD trong nước vẫn đang chịu nhiều áp lực trong bối cảnh chỉ số DXY, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh đã bước sang tuần tăng điểm thứ 10 liên tiếp – nhịp tăng dài nhất trong gần một thập kỷ. Giá USD tại hầu hết ngân hàng trong nước đã vượt qua mốc 24.500 đồng, thậm chí tiến sát 24.600 đồng. Tính từ đầu năm đến nay, giá USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 800 đồng, tương đương 3,3%.

Phân tích sâu hơn, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc phát hành tín phiếu sẽ giúp cân bằng tỷ giá bởi đang hút bớt VND ra khỏi lưu thông, như vậy tiền trên thị trường giảm bớt đi, làm giảm áp lực tỷ giá, VND và USD cân bằng nhau.

Tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước theo dõi rất sát tỷ giá, hàng ngày, hàng giờ để có thể điều hành phù hợp.

Trong khi đó, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 hôm 19/9, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, lãi suất có quan hệ biện chứng với tỷ giá, nếu lãi suất giảm thấp thì khả năng tỷ giá sẽ lại bùng lên. Chính vì thế, phải tìm được điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá.

Theo Ngân hàng Nhà nước, những tháng cuối năm sẽ điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, chủ động, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng. Tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng để hỗ trợ thanh khoản, cho vay các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đặc biệt là điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, can thiệp thị trường khi cần thiết, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước điều hành tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng 14 - 15% trong cả năm 2023; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Theo TTXVN