Cùng với tháng Chạp, tháng Giêng rất đặc biệt vì có tên riêng thay vì chỉ được gọi theo số thứ tự như các tháng khác.
Nguồn gốc tên gọi tháng Giêng
Theo các nhà nghiên cứu, chữ Giêng bắt nguồn từ chữ Chính trong tiếng Hán. Tháng 1 âm lịch được người Trung Quốc rất coi trọng vì là tháng đầu tiên của năm, họ gọi nó là “chính nguyệt”.
Thực tế các chữ vần "inh" khi “Nôm hóa” hay bị đọc chệch thành vần "iiêng”, chẳng hạn như “tứ chiếng” (trai tứ chiếng, gái giang hồ) có nguồn gốc từ “tứ chính trấn”.
Đối với người Việt Nam, tháng Giêng cũng có vai trò rất quan trọng. Đây là khoảng thời gian có sự kiện quan trọng nhất trong năm: Tết Nguyên đán, và là tháng có nhiều lễ hội nhất, gồm các hội đền, hội chùa, hội làng… Vì thế nên cha ông ta mới gọi “tháng Giêng là tháng ăn chơi”.
Rằm tháng Giêng cũng được coi trọng hơn các rằm khác. “Cả năm được rằm tháng Bảy, cả thảy được rằm tháng Giêng”, “Cúng quanh năm không bằng cúng rằm tháng Giêng”. Năm có 12 rằm nhưng chỉ rằm tháng Giêng được gọi là Tết – Tết Nguyên tiêu.
Những kiêng kỵ trong tháng Giêng
Vì là tháng khởi đầu của năm nên để “đầu xuôi đuôi lọt”, người Việt Nam mong muốn giữ mọi thứ trọn vẹn, đẹp đẽ nhất trong khoảng thời gian này. Người già, người lớn luôn nhắc trẻ con, thanh niên cư xử đúng mực, không làm việc xấu kẻo dông cả năm.
Trong tháng này, người ta cũng cố gắng cẩn thận để không làm rơi vỡ đồ đạc, vì sự đổ vỡ luôn mang hàm ý xui xẻo, đen đủi; kiêng cãi vã, đánh mắng nhau. Đặc biệt về mặt tài chính, mọi người thường kiêng vay tiền và trả tiền trong tháng Giêng, nhất là trước rằm, bởi sự thất thoát tiền bạc hay nợ nần đều là điều cần tránh trong dịp đầu năm.
Theo MINH MINH (VTC News)