Nghề câu kiều xứ biển

17/07/2025 - 09:07

 - Ở vùng Miệt Thứ An Giang, nhiều người dân sống nhờ vào nghề câu kiều ven biển. Dù thu nhập bấp bênh, phụ thuộc vào thời tiết và con nước nhưng họ vẫn gắn bó với nghề. Với những người làm nghề này, dù cá giờ không còn nhiều như trước nhưng nếu bỏ biển thì nhớ lắm.

Nghề câu kiều trên biển Tây Nam

Một sớm mùa hạ, chúng tôi có mặt tại con rạch Thứ Sáu, ấp Sáu Biển, xã Đông Thái để theo anh Nguyễn Văn Khởi (38 tuổi) ra khơi “hành nghề” câu kiều trên biển. Sau khi mang mớ đồ nghề lỉnh kỉnh xuống chiếc vỏ composite, anh Khởi bắt đầu nổ máy, rồ ga, đưa chúng tôi lao nhanh về phía cửa biển. Buổi sáng ở Sáu Biển yên bình. Hai bên con rạch, hàng chục căn chòi san sát nhau, chất đầy dụng cụ khai thác hải sản được ngư dân chuyển xuống xuồng chuẩn bị ra khơi, bắt đầu cho cuộc mưu sinh.

Ra đến cửa biển khi mặt trời chưa lên hẳn, những màn sương mỏng mờ ảo chạy dài trên mặt biển, những con sóng lăn tăn nhè nhẹ xô vào bờ tạo nên thanh âm êm dịu. Từ xa, những người làm nghề bà cậu kéo lú xếp, quăng mỏ gạt tìm luồng câu, người hối hả thu hoạch vẹm xanh, người hì hục đạp hang bắt cá ngát… trông náo nhiệt. Thi thoảng, đâu đó vang lên tiếng cười giòn tan, tiếng gọi nhau í ới trong tiếng gió và cả tiếng nhạn biển gọi bầy. Tất cả tạo nên bức tranh đẹp, vừa giản dị, yên bình vừa nên thơ và chân thực từ biển.

Chạy thêm một đoạn, chiếc vỏ lãi đưa chúng tôi đến khu vực anh Khởi thả câu trước đó, cách bờ 3 hải lý. Tắt máy, anh Khởi quăng chiếc mỏ gạt tìm luồng câu. Biển Sáu Biển mùa động khiến chiếc vỏ lãi lắc lư mạnh nhưng anh Khởi chỉ cần một đường kéo mỏ gạt đã tìm được dây câu. Phăng theo sợi dây vài mét, anh Khởi hào hứng: “Có cá. Cá bự nghen. Nó miết dây dữ lắm”. Nói rồi, anh cúi rạp người sát mũi chiếc vỏ lãi, hai tay kéo lên khỏi mặt nước con cá ngát to đùng. Con cá mắc câu liên tục giãy giụa, song nó nhanh chóng nằm gọn trong chiếc vợt của người thợ lành nghề…

Theo anh Khởi, câu kiều là hình thức câu cá không cần dùng mồi. Lưỡi câu không ngạnh được buộc vào luồng dây câu cách nhau khoảng 10 - 12 cm/lưỡi; cứ 2m gắn một phao nhỏ để thả luồng câu nổi lờ đờ khi thả xuống biển. Mỗi luồng câu dài khoảng 200m cắm một cột cờ để báo hiệu cho phương tiện di chuyển tránh né và các thợ câu kiều khác biết nơi đây có luồng câu... “Khi đó, dưới mặt biển có hàng ngàn chiếc lưỡi câu đung đưa, các loại cá đi tìm mồi gặp chướng ngại vật quay đầu hoặc quẫy đuôi sẽ bị mắc vào lưỡi câu. Cá càng ngọ nguậy thì càng bị lưỡi câu dính sâu”, anh Khởi nói.

Vừa thăm câu vừa trò chuyện với tôi, anh Khởi liên tiếp gỡ các loại cá ngát, cá vồ chó, cá đuối, cá lạc, mực, thậm chí có cả tôm tích mắc câu một cách thuần thục. Riêng với những con cá nhỏ, anh Khởi thả chúng về biển như cách góp phần bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy, hải sản.

Anh Khởi cho biết, nghề này có thể làm quanh năm nhưng dính cá nhiều nhất là từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm, tức vào mùa biển động, các luồng cá chạy tứ tung nên dễ mắc câu hơn. Ngoài ra, thợ câu kiều cần nhìn con nước, dòng chảy để thả câu hoặc chỉ buông câu mỗi điểm khoảng 2 ngày rồi dời đi chỗ khác… “Nghề này khó ăn lắm, nhất là lúc mới vào nghề chuyện bị lưỡi câu móc vào tay tứa máu được xem là bài học vỡ lòng; thu nhập bấp bênh; việc đi câu trên những chiếc vỏ lãi nhỏ giữa biển lúc sóng to, gió lớn, thậm chí nhiều người vì kế sinh nhai mà đi thăm câu đêm cũng gian nan, nguy hiểm và chuyện luồng câu hay bị ghe cào ban đêm kéo mất dẫn đến đứt vốn… là những thách thức của nghề này”, anh Khởi tâm sự.

Tạm ngắt quãng với câu chuyện của người thợ câu kiều, chúng tôi rảo mắt, thả hồn một lượt vào không gian mênh mông sóng nước, nơi chân trời chỉ còn là đường viền mong manh giữa trời và biển, xa xa những ngư dân Miệt Thứ vẫn miệt mài bám biển mưu sinh mặc cho ánh mặt trời đang gay gắt…

“Xong rồi, giờ mình về bán cá”, tiếng anh Khởi kéo chúng tôi ra khỏi những suy nghĩ đang lâng lâng phần nhiều do say sóng với cái nắng rát kinh người của xứ biển. Chiếc vỏ lãi bứt tốc đưa chúng tôi trở về rạch Thứ Sáu, xé toạc những con sóng biển vỗ mạnh vào thân vỏ khiến chúng tôi có phần sợ. Ấy vậy mà, với những người thợ câu kiều họ lại vui mừng bởi khi biển động cá sẽ mắc câu nhiều hơn.

Hôm nay, thợ câu kiều Nguyễn Văn Khởi bán hơn 15kg cá, được gần 700.000 đồng.

Theo ban lãnh đạo ấp Sáu Biển, toàn ấp có khoảng 20 hộ làm nghề câu kiều ven biển. Nghề này có khó khăn, vất vả nhưng đổi lại người dân có thêm thu nhập lo cho con cái đến trường...

Bài và ảnh: PHẠM HIẾU