Vị tuần phủ nhiều giai thoại

28/12/2023 - 05:55

 - Tuần phủ An Giang Nguyễn Công Trứ là một nhà kinh tế giỏi, nhà quân sự tài ba và một nhà thơ lỗi lạc. Trải 3 đời vua, ông thăng tới tổng đốc, thượng thư, đại tướng, rồi giáng làm lính thú. Ông là vị quan lớn có nhiều giai thoại, được chính sử triều Nguyễn nhắc đến nhiều nhất.

Đền thờ Nguyễn Công Trứ tại huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh)

Nguyễn Công Trứ sinh ngày 19/12/1778, biệt hiệu Hy Văn, con quan Đức Ngạn hầu Nguyễn Công Tấn, quê làng Uy Viễn, nay là xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh). Ngay từ thuở nhỏ, ông nuôi lý tưởng “trai đứng trong trời đất, phải có danh gì với núi sông”. Nhưng hơn 28 năm làm quan, 26 lần thăng giáng, gần như không có trường hợp tương tự ông trong triều Nguyễn. Ông tự trào “thượng thư không lấy làm vinh, làm lính thú không lấy làm nhục”.

Là nhà nho tài tử, 80 năm ở trần thế, tên tuổi ông lưu danh bởi văn chương đặc sắc, độc đáo, phong cách phóng túng và tài hoa đặc biệt. Ông đậu Giải nguyên, giỏi chữ Hán, nhưng sáng tác đều bằng chữ Nôm, chủ yếu viết theo thể hát nói. Dần dần, ông trở thành người có công mở ra thời kỳ hưng thịnh cho nghệ thuật hát nói, ca trù của dân tộc.

Thấy người dân thiếu ăn, đời sống khó khăn, ông đề nghị triều đình cho tập hợp cư dân để khai khẩn vùng đất hoang hóa sản xuất, chăn nuôi. Với tài năng và tâm huyết, ông tập hợp, tổ chức Nhân dân đắp đê lấn biển, khai hoang lập làng, biến vùng đất nghèo khó, ngập mặn, lập huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình), Tiền Hải (tỉnh Thái Bình), nhiều nơi ở tỉnh Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh… phát triển trù phú.

Khi đảm trách Tuần phủ An Giang, ông huy động quan quân, người dân địa phương đào kênh rạch, làm đường, làm thủy lợi dẫn nước từ sông Cửu Long về đồng ruộng, phát triển kinh tế - xã hội. Ông có nhiều đề xuất về xây dựng tuyến phòng thủ vùng biên cương bảo vệ an ninh, chủ quyền. “Là người văn võ song tài, Nguyễn Công Trứ là vị quan thanh liêm, sống thanh bần nhưng bản tính thích tự do, ngang tàng và cái “ngông” của ông khác đời” - sử sách triều Nguyễn lưu danh. 

Đầu niên hiệu Thiệu Trị năm 1841, Nguyễn Công Trứ và Trương Minh Giảng đánh phá đồn giặc nhiều nơi, được thưởng quân công 1 cấp. Ngay năm ấy, ông được sung chức Tham tán Đại thần ở Trấn Tây (Chân Lạp). Tài liệu Châu bản triều Nguyễn cho biết, sau vì tình thế khó khăn, quan quân Trấn Tây phải rút về tỉnh An Giang, ông bị cách chức hàm Thự tả Đô ngự sử kiêm Tham tri Bộ binh, giáng xuống làm Lang trung Bộ binh, quyền lĩnh chức Tuần phủ tỉnh An Giang.

Ít lâu sau, nhân đánh tan được Lâm Sâm ở Sâm Đô, Phủ Lạc Hóa đều yên ổn, ông  được khôi phục làm Thị lang bộ Binh, vẫn lĩnh Tuần phủ An Giang. Năm 1842, quân Xiêm lại tấn công Hà Tiên, vùng biên giới, triều Nguyễn phái tướng Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Tiến Lâm, Nguyễn Công Nhàn, Lê Văn Đức, Nguyễn Công Trứ đến chống ngăn. Trong năm này, Nguyễn Công Trứ được bổ làm Tuần phủ An Giang. Ông cho lập Tỉnh học An Giang ở thôn Tây Phú (Châu Đốc). Năm 1843, ông được thăng Tham tri bộ Binh, vẫn lĩnh Tuần phủ An Giang.

Năm 1844, Doãn Uẩn làm Tuần phủ An Giang thay Nguyễn Công Trứ, vì ông bị vu cáo. Năm sau, ông bị cách chức, phát đi làm lính thú ở biên thùy tỉnh Quảng Ngãi. Lúc đến chào các quan tỉnh đợi lệnh phát đi đồn nào, ông mặc áo cộc màu chàm, đầu đội nón dấu, vai mang một ruột tượng gạo, bên hông đeo cái dao trong cái vỏ bằng gỗ. Khi quan quân đòi thay thế hiện trạng, ông nói: “Cứ xin để như vậy, lúc làm đại tướng tôi không thấy làm vinh, thì nay làm tên lính thú, tôi cũng không lấy làm nhục. Người ta ở địa vị nào có nghĩa vụ đối với địa vị ấy, làm lính mà không mang đồ ấy thì sao gọi là lính được”.

Đây là điểm đáy trong hoạn lộ của ông Nguyễn Công Trứ. Năm 1845, ông được khôi phục làm Chủ sự bộ Hình quyền Viên ngoại lang, rồi lại đổi quyền Viên ngoại lang Đại lý tự. Năm 1846, vua có chỉ cho ông tạm quyền Án sát Quảng Ngãi, được vài tháng sau bổ thụ Phủ thừa phủ Thừa Thiên; đến năm Thiệu trị thứ 7 được thăng Thự Phủ doãn Thừa Thiên.

Khi ấy ông 70 tuổi, lấy niên lệ xin về quê hưu trí nhưng vua Thiệu Trị không cho. Năm đầu niên hiệu Tự Đức năm 1848, ông dâng sớ xin lần nữa. Vua thương tình bậc lão thần, công trạng đã nhiều, tuổi tác cao, chuẩn cho về hưu trí, cho thực thụ hàm Thừa Thiên Phủ doãn. “Tổng kết” cuộc đời mình, ông viết “Bài ca ngất ngưởng” một cách thành thật nhưng “ngông nghênh”,  như chính bản chất con người ông: “Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông/ Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng/ Lúc bình Tây cầm cờ đại tướng/ Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên...”.

Như nhiều trung thần khác đương thời, Nguyễn Công Trứ rất nhiều lần “lên voi xuống chó”, nhưng bản tính ngang tàng và cái “ngông” của ông vẫn giữ nguyên. Đang giữ Tuần phủ An Giang, nhưng vì lời vu cáo nào đó, triều đình “chưa làm rõ”, giáng ông làm lính thú ở Quảng Ngãi. Thấm thía những đắng cay của đường hoạn lộ, thấy đầy rẫy quan liêu trong xã hội, ông bộc lộ thái độ khinh đời qua bài “Ngất ngưởng”. Khi được vua Tự Đức cho về hưu trí, ông sắm một cỗ xe cho con bò vàng kéo thay ngựa, dạo khắp kinh thành Huế.

Thấy chuyện một ông lão đầu râu tóc bạc, y phục kép tuồng, khiển chiếc xe do bò cái đủng đỉnh kéo giữa phố phường, sau đít con bò lại buộc một tấm mo cau, để 4 câu thơ, người dân vây quanh coi. Thơ ghi: “Xuống ngựa lên xe nọ tưởng nhàn/ Lợm mùi giáng chức với thăng quan/ Điền viên dạo chiếc xe bò kéo/ Sẵn tấm mo che miệng thế gian!”. Khi xe đến nhà đại thần Hà Tôn Quyền, người lái xe kéo dây đi chậm, đại thần lật đật bước ra xem. Ông biết rõ bài thơ trong tấn tuồng “tấm mo che miệng thế gian” của Nguyễn Công Trứ cũng là một loại đàn hặc (phê bình, tố cáo), bởi trước đây ông Quyền đã từng gièm pha, đàn hặc đối với ông.

 Có thể nói, hơn 28 năm đời làm quan của Nguyễn Công Trứ là những thăng trầm tiếp nối, nhưng lúc nào ông cũng giữ được chí khí, sống thanh liêm, ngay thẳng. Có lẽ vì vậy, tuy không phải là nhân vật quyền thế bậc nhất một thời, ông vẫn là một trong số ít được chính sử triều Nguyễn nhắc đến nhiều nhất. Ông còn là nhân vật có đến 36 giai thoại đặc sắc lưu truyền trong dân gian, là người được Nhân dân lập sinh từ (đền thờ sống) để ghi nhớ công lao. Đó là những vinh dự mà không phải nhân vật lịch sử nào cũng có được, giữ được như Nguyễn Công Trứ.

NGUYỄN HẢO