Nhiều người nói, con người khí khái, cốt cách hay thậm chí là cứng nhắc quá như thầy sẽ khó sống ở xã hội này, nhưng thầy chỉ gật đầu: “Biết làm sao được, thầy không thể làm khác”.
AA
Chiều 20/11, tan ca trực, tôi phóng xe máy vù qua siêu thị mua thêm ít bánh, ít sữa rồi qua thăm thầy giáo cũ. Khu tập thể trên phố Kim Mã Thượng (Hà Nội) vẫn bình yên, cách biệt hẳn với ồn ào của phố thị cách đó dăm bước chân... Căn phòng đóng chặt bởi cánh cửa sắt cũ kĩ sơn màu vàng nhạt như 13 năm trước, khi tôi còn là một sinh viên khoa Ngôn ngữ học, gõ cửa nhờ thầy hướng dẫn khoá luận tốt nghiệp.
Tiếng chuông vang lên, hồi lâu sau vẫn không có người ra mở cửa. Đã quen với điều đó nên tôi chẳng lấy thế làm nóng ruột. Không gọi điện thoại trước, nhưng tôi biết, thầy tôi không đi đâu cả. Chỉ là... thầy đang vội khoác cái áo, vuốt lại mái tóc và cố gắng thật bình tâm, tĩnh tại để mở cửa đón học trò.
Khoảng chừng 10 phút sau, thầy mở cửa. Giữa không gian thoang thoảng của không khí trầm mặc và cũ kỹ, ánh mắt thầy hiện lên sau cánh cửa, sáng rỡ và rưng rưng: “Em đấy à”. Tôi cố cười thật tươi chào thầy, như bao năm qua. Tôi luôn cố gắng mở đầu cuộc gặp mặt với thầy bằng những nụ cười thật tươi vui với người thầy luôn có khuôn mặt cô đơn, đôi mắt trũng sâu ấy.
Căn nhà thầy cũng vẫn như xưa, sạch sẽ, ngăn nắp và tối giản đồ đạc. Bên dưới chiếc tivi là chồng sách cũ màu vàng đỏ. Nhiều quyển sách quăn tít góc mép với chi chít những lời ghi chú được xếp gọn gàng. Bức tranh hoa huệ tây không còn treo trên tường, như lần tôi đến thăm thầy gần nhất.
Thầy tôi nói: “Tới thăm thầy làm gì. Các em đều bận. Chỉ cần nhắn 1 dòng tin cho thầy là thầy vui lắm rồi. Thầy vui lắm rồi. Em biết không...”.
“Em đại diện cho học trò K51 tới thăm thầy...”, tôi nói mà giọng nghẹn lại bởi dòng nước mắt bắt đầu chảy tràn lên đôi gò má hốc hác của thầy tôi. Bàn tay gầy, xương xẩu nắm chặt lấy tay tôi. Thầy cũng đang cố gắng kìm lại cảm xúc. Hai thầy trò ngồi lặng im một hồi lâu...
Tôi nhớ 20/11 của 13, 14 năm trước khi tụi sinh viên chúng tôi tặng thầy một bó hoa, thầy nhất định không nhận. Thầy bảo: “Thầy cũng từng là sinh viên nghèo từ Nam Định lên Hà Nội trọ học. Không có tiền, thầy đi bắt cua ở làng Mễ Trì... Nên các em đừng mua hoa cho thầy mà lãng phí. Sau này, các em ra trường, có nhớ tới thầy, tặng một cái kẹo thầy cũng vui”.
Hồi ấy, tôi là đứa ham mê đi kiếm tiền. Tôi viết cộng tác cho các báo, vừa vì đam mê viết lách, vừa vì có nhuận bút. Các bạn tôi mỗi đứa một kiểu, một đam mê khác nhau. Có nhóm chăm chỉ cày cuốc, làm thêm kiếm tiền, có nhóm thong thả học, chỉ “vắt chân lên cổ” khi tới kỳ thi. Duy có môn Ngữ dụng học của thầy là không đứa nào dám lơ là.
Thầy tuyệt đối đúng giờ. Suốt cả năm học, chúng tôi luôn nhớ hình ảnh tuyệt đối chưa từng đổi khác: 15 phút trước giờ chính thức vào lớp, thầy tới trước, ngồi ở khoảnh sân rợp bóng cây trước khoa, thư thả ngồi nhìn sinh viên ríu rít trò chuyện. Tới giờ dạy, thầy bước thẳng vào lớp. Không bao giờ muộn 1 phút.
“Ăn đi cho nó sướng”, “chơi đi cho nó sướng”, vậy “nó” ở đây là gì? Thầy hỏi trong giờ Ngữ dụng học. Cả lũ sinh viên ố á “ừ nhỉ, “nó” chắc chắn không phải là cái bụng đói, vậy “nó” là cái gì?...”.
Tôi cảm nhận từng bài thầy dạy đều là những lời gan ruột, những tinh hoa tri thức mà một tiến sỹ đã dày công nghiên cứu, đúc rút từ nhiều nguồn tài liệu ở trong và ngoài nước.
Có lần 1 tốp sinh viên ngồi bàn dưới của giảng đường rí rách nói chuyện riêng, thầy ngừng dạy, mặt đỏ rần lên vì giận. Ai tinh hơn, sẽ nhận ra những giọt nước mắt rung rung trong mắt thầy khi đó.
Thầy thương yêu học trò bao nhiêu thì cũng giận khi học trò lơ là học hành bấy nhiêu. Nhưng điều thầy tối kỵ là dạy cho những người không tôn trọng người thầy, coi việc học chỉ như công cụ, là bàn đạp tiến thân. Vì vậy, dù không có điều kiện kinh tế, con trai út lại mắc bệnh nhưng thầy từ chối dạy ở tất cả những lớp được gắn mác “nâng cao trình độ”, những học viên đã đi làm, có tiền có của và coi nhẹ việc học.
Về hưu sau 40 năm miệt mài giảng dạy nghiên cứu, thầy tôi, một tiến sỹ, chuyên gia đầu ngành về Việt ngữ học và Ngữ dụng học (một chuyên ngành thuộc ngôn ngữ học) vẫn liêu xiêu gầy ốm trong căn tập thể đơn sơ. Thầy tự trách mình không thể cho con đôi giày đẹp, chiếc xe máy tốt hơn, không thể giúp vợ có được một căn nhà rộng rãi.
Ngày thầy mới về hưu, tôi tới thăm thì thấy thầy đang học thêm một ngoại ngữ nữa là tiếng Anh, ngoài tiếng Nga là ngôn ngữ thầy rất giỏi. Thầy ngồi ở giữa nhà, xung quanh là sách và chi chít những đoạn ghi chú nhỏ xíu trong mỗi trang giấy.
Hơn 4 năm trước, tôi tới thăm thầy, thấy sách đã gấp gọn hơn. Thầy cười buồn, “mắt thầy kém, khó đọc được rồi”. Nhưng kể về gia đình, tôi thấy thầy vui lắm vì người con trai cả đã lấy vợ.
Nhưng năm sau, khi chúng tôi đến thăm, ánh mắt ấy bỗng tối sậm lại. Thầy giấu, không kể chuyện buồn.
Tôi tìm hiểu qua nhiều kênh thì biết được, từ khi ra đời, cháu thầy mắc căn bệnh nan y nên phải thường xuyên chữa trị. Thầy như suy sụp hoàn toàn, bất lực thấy con mình, cháu mình khổ mà chẳng thể giúp được gì. Đó thực sự là những tháng ngày trĩu nặng của thầy.
Năm nay, thầy đã yếu nhiều, dường như thầy đã quen dần với những chịu đựng đau khổ ấy. Số tiền lương hưu ít ỏi, thầy gửi phần nhiều cho con trai cả chữa bệnh cho người cháu bị ung thư giác mạc.
“Giờ già rồi ăn có đáng bao nhiêu đâu em. Thầy đã chẳng thể giúp được các con, nên chỉ có cách giúp chúng nó chút lương hưu để nuôi con, còn phần mình, thì thầy tự lo được. Con thầy không muốn thế, nhưng thầy kiên quyết....”, thầy tâm sự.
Có người từng muốn thuê bằng của thầy để đứng tên cho họ mở một chuyên ngành. Mỗi tháng họ trả chi phí 4 triệu. 4 triệu mỗi tháng cho tấm bằng…… Tôi biết, với cuộc sống tằn tiện đến mức chẳng thể co duỗi hơn được nữa, 4 triệu đồng là số tiền lớn. Nhưng... “Dù nghĩ cách gì, thầy không làm được chuyện đó em ạ. Họ mở ra ngành nhưng không đủ trình độ như vậy thì sau này lại đào tạo bừa, đào tạo ẩu. Làm sao mà làm thế được. Thầy không thể vì tiền mà để cho họ lợi dụng làm việc đó”, thầy nói.
Tuổi già lặng lẽ trong căn phòng nhỏ, thầy bảo, mình cố gắng giữ sức khoẻ để không bệnh tật thêm, phiền cho con.
“Nếu như cuộc đời là 4 mùa thì tuổi của thầy giờ đã ở mùa đông. Có lẽ, tới một lúc nào đó, em sẽ hiểu được sự lạnh lẽo của tuổi già. Từng khoảnh khắc, từng giây phút đều là quý giá. Nên tình cảm các em đến với thầy một cách trong sáng như thế này, thầy trân quý lắm...”. Thầy lại nắm chặt tay tôi.
Nhiều người nói, con người khí khái và cốt cách quá như thầy sẽ khó sống ở xã hội này. Cũng nhiều người trách thầy cứng nhắc thái quá. Nhưng thầy chỉ gật đầu: “Biết làm sao được, thầy không thể làm khác”.
Cuộc đời làm báo khiến cho tôi may mắn được gặp một GS Toán học nổi tiếng, người từng từ bỏ tương lai rộng mở ở Pháp để về Việt Nam cống hiến cho nền giáo dục nước nhà. Vị GS này cũng từng chia sẻ, hối hận lớn nhất của đời mình là không thể dành nhiều thời gian hơn nữa cho con. Nhưng nếu có quay lại, GS Toán học ấy vẫn không thể làm được gì khác ngoài việc dành thời gian gần như tuyệt đối để nghiên cứu khoa học.
“Em nhớ mặc áo ấm vào nhé... đi về đường xa quá”, thầy dặn đi dặn lại khi tôi chào tạm biệt.
“Mỗi con người sinh ra trong cuộc đời này đều có chức phận riêng. Nếu như không có sự hy sinh cho khoa học như thầy tôi và hàng trăm, ngàn nhà khoa học khác, thì Việt Nam mình đâu có từng bước phát triển ở tất cả các lĩnh vực như ngày nay. Và nếu ai cũng khôn ngoan, biết cách câu kéo lợi ích về phần mình, mà không khẳng khái, khí chất như thầy, thì liệu xã hội này có phát triển đi lên theo hướng văn minh hay không?”.
Tôi cứ băn khoăn điều đó khi bước từng bậc cầu thang từ tầng 3 xuống trong khu tập thể. Loay hoay một hồi, bất giác tôi ngước nhìn lên. Thầy vẫn đứng từ tầng 3 trân trân nhìn xuống tôi, ánh mắt thầy nặng lòng trong buổi chiều đông nhá nhem.
Dường như có quá nhiều thứ ngang trái với một nhà khoa học như thầy, nhưng tình cảm trong trẻo của đám học trò chúng tôi là liều thuốc cho thầy tôi thêm yêu thương cuộc sống vốn chẳng nhiều bình an lúc này.
Theo THÀNH HUẾ (VietNamNet)
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: