Ảnh minh họa. (Nguồn: weforum.org)
Ngày 6/11, Tập đoàn Google, Công ty Temasek và Công ty Bain & Company đã công bố Báo cáo Nền Kinh tế Số Đông Nam Á lần thứ 8. Bản báo cáo này cập nhật xu hướng Kinh tế Số của sáu quốc gia gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Bất chấp những biến động của nền kinh tế vĩ mô toàn cầu, báo cáo cho thấy tổng giá trị hàng hóa (GMV) của khu vực vẫn tiếp tục tăng và dự kiến đạt 218 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái (YoY). Báo cáo cũng cho thấy doanh thu từ nền Kinh tế Số của khu vực Đông Nam Á có triển vọng đạt mức 100 tỷ USD trong năm nay.
Việt Nam dẫn đầu về tăng trưởng Kinh tế Số
Báo cáo chỉ rõ Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng Kinh tế Số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á hai năm thứ hai liên tiếp (2022 và 2023) và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2025 (đồng hạng với Philippines).
Tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) ở mức 20%, từ 30 tỷ USD vào năm 2023 lên gần 45 tỷ USD vào năm 2025. Tăng trưởng GMV trong hai năm tới sẽ được dẫn dắt bởi thương mại điện tử và du lịch trực tuyến.
Thương mại điện tử ở Việt Nam tăng 11% từ năm 2022 đến 2023 và tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) kỳ vọng tăng 22% đến năm 2025, hướng đến mục tiêu tổng giá trị hàng hóa đạt 24 tỷ USD trong năm 2025.
Ngành du lịch được dự báo sẽ hoàn toàn hồi phục trong năm nay, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch nội địa. Du lịch trực tuyến đã tăng 82% trong năm qua và kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) tăng 21% từ 2023 đến 2025, với mức GMV dự kiến đạt 7 tỷ USD.
Toàn cảnh lễ công bố báo cáo Nền Kinh tế Số Đông Nam Á lần thứ 8. (Ảnh: Google)
Cũng theo báo cáo, các lĩnh vực quan trọng khác tiếp tục phát triển và góp phần thúc đẩy nền Kinh tế Số của Việt Nam bao gồm ngành Vận tải và Thực phẩm (Dịch vụ Giao đồ ăn) và Truyền thông Trực tuyến. Lĩnh vực này đã tăng trưởng 10% từ 2022 đến 2023, dự kiến CAGR tăng 16% trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2025 và dự báo đạt 4 tỷ USD vào năm 2025.
Lĩnh vực truyền thông trực tuyến tại Việt Nam tăng 11% trong giai đoạn 2022 - 2023, dự kiến GMV sẽ đạt 7 tỷ USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng kép hàng năm tới 15% trong giai đoạn 2023 - 2025.
Thanh toán Số tại Việt Nam bùng nổ
Theo báo cáo, dịch vụ Tài chính Kỹ thuật Số (DFS) tăng trưởng nhanh chóng so với mức tăng trưởng ban đầu và Việt Nam có mức thanh toán Kỹ thuật Số tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á trong năm 2023.
Sự chuyển đổi không thể đảo ngược từ hành vi ngoại tuyến sang trực tuyến (offline-to-online) tiếp tục thúc đẩy việc áp dụng Dịch vụ Tài chính Kỹ thuật số (DFS) phát triển.
Trong khi tỷ lệ áp dụng Thanh toán Số tại khu vực Đông Nam Á đạt 50%, Việt Nam cũng đang thúc đẩy xu hướng này và trở thành quốc gia tăng trưởng nhanh nhất về Thanh toán Số, tăng 19% từ năm 2022 đến năm 2023 và sẽ tiếp tục phát triển ở mức 13% CAGR trong giai đoạn 2023 - 2025.
Ông Marc Woo - Giám đốc điều hành, phụ trách Việt Nam, Google Châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ tại lễ công bố báo cáo. (Ảnh: Google)
Thanh toán Số tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ, hoạt động đầu tư của các ngân hàng thương mại và sự phổ biến của mã QR. Xu hướng này được dự báo sẽ tăng tốc khi Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa.
Ông Marc Woo - Giám đốc điều hành, phụ trách Việt Nam của Google châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ: "Nền Kinh tế Số Việt Nam đang phát triển đúng hướng. Google sẽ tiếp tục hỗ trợ toàn diện nền Kinh tế Kỹ thuật Số Quốc gia thông qua nhiều chương trình trên cả nước, thúc đẩy các startup công nghệ của Việt Nam và đầu tư vào các nhân tài địa phương từ đào tạo cơ bản cho sinh viên và lực lượng lao động thông qua Chương trình Phát triển Nhân tài Số đến đào tạo chuyên sâu cho các nhà lãnh đạo khởi nghiệp công nghệ."
Báo cáo Kinh tế Số khu vực Đông Nam Á (e-Conomy SEA report) là công trình nghiên cứu hàng năm do Google và Temasek khởi xướng từ năm 2016. Từ năm 2019, Bain & Company bắt đầu tham gia với tư cách là đối tác nghiên cứu chính.
Theo MINH SƠN (Vietnam+)