Việt Nam - EU đẩy mạnh hợp tác xanh hóa nền kinh tế
21/10/2024 - 14:00
Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU) là đối tác quan trọng trong tiến trình chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
AA
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn phát biểu tại phiên toàn thể GEFE 2024.
Đây là thông điệp được các đại biểu nhấn mạnh tại phiên toàn thể Diễn đàn và Triển lãm kinh tế xanh (GEFE 2024) do Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) phối hợp Bộ Công Thương tổ chức tại TP Hồ Chí Minh sáng 21/10. Tham dự diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đánh giá cao việc tổ chức Diễn đàn và Triển lãm kinh tế xanh của EuroCham và Bộ Công Thương tại TP Hồ Chí Minh - một trong những địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi xanh. Bước sang năm thứ 3, diễn đàn đã trở thành một trong những sự kiện thường niên quy mô lớn, uy tín hàng đầu của Việt Nam, một hình mẫu về hợp tác công tư trong tăng trưởng xanh. Dù đối mặt với nhiều thách thức từ kinh tế đến địa chính trị, từ thiên tai cho đến khủng hoảng do con người gây ra, nỗ lực của thế giới cũng như của khu vực trong thúc đẩy chuyển đổi xanh vẫn tiếp tục được duy trì, cho thấy quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng tương lai xanh của cộng đồng quốc tế vẫn không hề lay chuyển.
Theo Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, phát triển kinh tế xanh vẫn là xu thế tất yếu, một sự lựa chọn khách quan và chiến lược của các quốc gia. Kể kiến tạo tương lai xanh thì phải có tư duy, tầm nhìn xanh kết hợp với hành động xanh, trong đó công nghệ xanh, năng lượng xanh và lối sống xanh rất quan trọng.Việt Nam chủ trương không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế.
Trong quan hệ hợp tác song phương, Việt Nam mong muốn EU thúc đẩy thương mại bền vững và phát triển chuỗi cung ứng xanh thông qua triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU để đưa hợp tác song phương phát triển tương xứng với tiềm năng và mong muốn của cả hai bên. Nghiên cứu và triển khai một số dự án để thúc đẩy mô hình hợp tác công tư, hợp tác nhiều bên về chuyển đổi xanh. Việt Nam cũng mong muốntiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ EU về tài chính, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; chia sẻ kinh nghiệm để phát triển thị trường chứng chỉ carbon; thành lập các trung tâm nghiên cứu trong các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo xanh, hạ tầng xanh, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh, công nghiệp phát thải thấp. Bên cạnh đó, đề nghị EU tiếp tục duy trì vốn ODA cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực cấp thiết như tăng cường năng lực quản trị công, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…
Tại diễn đàn, ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham Việt Nam thông tin, thời gian gần đây các hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng tác động tác động tiêu cực đến đời sống của người dân trên toàn thế giới. Nhiệm vụ của mỗi quốc gia là phải hành động để giảm thiểu các hậu quả, hướng tới sự phát triển bền vững. EU với vai trò là một trong những đối tác thương mại, đầu tư quan trọng tại Việt Nam, thời gian qua đã có những thành tựu nhất định trong việc chuyển đổi xanh như chuỗi canh tác cà phê bền vững của tập đoàn Nestle, nhà máy LEGO của Đan Mạch tại Bình Dương đạt chứng nhận LEED (là giấy chứng nhận cho các công trình xây dựng xanh được cấp bởi Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ)…nhưng như vậy là chưa đủ. Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để tăng trưởng và cần tiếp tục chuyển đổi sang nền kinh tế xanh trong thời gian tới.
Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, tình hình thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát cao, tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại chủ yếu do việc thắt chặt chính sách tiền tệ được thực hiện trong hai năm qua.
Trong bối cảnh đó sự quan tâm, hợp tác tích cực của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và EU là tiền đề và động lực quan trọng để thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế xanh, bền vững, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà EU và Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP26.
Diễn đàn và Triển lãm kinh tế xanh 2024 là sự kiện để Việt Nam và EU chia sẻ về cơ chế, chính sách về các lĩnh vực hiệu quả năng lượng, tài chính bền vững, giảm phát thải carbon, kinh tế tuần hoàn, thực phẩm, nông nghiệp, du lịch, số hóa và công nghệ mới, các vấn đề an toàn nguồn nước. Đây là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và EU cùng tìm hiểu và đáp ứng cơ chế, chính sách, pháp luật, các quy định, tiêu chuẩn hướng đến mục tiêu về phát triển xanh, bền vững trong thời gian tới.
Theo bà Phan Thị Thắng, trong 9 tháng năm 2024 kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt hơn 578 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu vào thị trường EU ước đạt 38,1 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển và tăng trưởng ngày càng hiệu quả và chất lượng giữa Việt Nam và EU.
“Thời gian qua, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai bên đã và đang quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm xuất nhập khẩu, xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số ngày càng rõ nét. Điều này đóng góp quan trọng cho sự phát triển một cách ổn định, bền vững của cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam và EU”, bà Phan Thị Thắng thông tin thêm.
Ông Margaritis Schinas, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết, EU hiện là đối tác thương mại đầu tư hàng đầu tại Việt Nam, hai bên đã nỗ lực đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững. Tuy nhiên, tình hình thế giới đang có nhiều biến động, xung đột căng thẳng, biến đổi khí hậu gây thiệt hại nghiêm trọng cả về con người và kinh tế. Cả thế giới nói chung, Việt Nam và EU nói riêng đang hướng đến việc ứng dụng công nghệ mới để giải quyết thách thức biến đổi khí hậu. Đây là thời cơ để cả hai thúc đẩy hợp tác không chỉ về kinh tế, thương mại đơn thuần mà bao gồm chuyển đổi xanh, trung hòa carbon.
Ông Margaritis Schinas nhấn mạnh ba nhiệm vụ quan trọng mà các quốc gia cần ưu tiên thời gian tới là: Chuyển đổi từ nền kinh tế dựa trên tài nguyên thiên nhiên sang nền kinh tế dựa trên các nguyên liệu, năng lượng tái tạo; phát triển kinh tế song song với khôi phục đa dang sinh học; đảm bảo tất cả sản phẩm, dịch vụ được tạo ra từ nguồn nguyên liệu hợp pháp, chống phá rừng. Với sự hợp tác chặt chẽ, toàn diện Việt Nam – EU mang đến nhiều cơ hội cho chuyển đổi xanh hơn.
Ở góc độ địa phương, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chia sẻ, TP Hồ Chí Minh đang tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế, tiến hành chuyển đổi công nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững với ưu tiên trước mắt là giảm 10% phát thải vào năm 2030. TP Hồ Chí Minh kỳ vọng GEFE 2024 sẽ giúp thành phố có thêm thông tin, kinh nghiệm và kết nối nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, năng suất cao, sử dụng hiệu quả tài nguyên và nguồn năng lượng tái tạo…Từ đó, giúp thành phố triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh và đạt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra theo hướng xanh, bền vững và bao trùm.
Theo TTXVN
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: