Việt Nam làm bạn với tất cả các nước

25/02/2022 - 06:32

 - Cuộc khủng hoảng Ukraine càng chứng minh đường lối ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa, làm bạn với tất cả các nước của Việt Nam là đúng đắn, phù hợp. Những ý kiến, diễn đàn kêu gọi Việt Nam nên chọn trở thành “đồng minh thân cận” với Mỹ, phương Tây, hay Nga, Trung Quốc… đều là góc nhìn phiến diện. Với Việt Nam, độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ là những ưu tiên hàng đầu.

Việt Nam là bạn bè, đối tác với tất cả các nước

Ngày 28-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa gồm 15 bộ, trong đó có Bộ Ngoại giao, do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Bộ trưởng. Điều này cho thấy, Bác rất coi trọng công tác ngoại giao, xem ngoại giao là phần không thể thiếu trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Hơn 10 năm sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trên cơ sở phân tích một cách khoa học tình hình thế giới với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) đã quyết tâm đổi mới đất nước một cách toàn diện, trước hết là đổi mới về kinh tế. Về đối ngoại, Đại hội VI nhấn mạnh nhiệm vụ hàng đầu là “tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc”, và “cần hòa bình để phát triển kinh tế”.

Chính sách đối ngoại rộng mở theo đường lối đổi mới đã giúp Việt Nam phá được “tảng băng” bao vây, cấm vận. Trải qua nhiều vòng đàm phán, với sự cố gắng của 2 bên, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc chính thức được bình thường hóa năm 1991 trên cơ sở 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình. sau khi Hiệp định Paris về Campuchia được ký kết, Việt Nam đã xây dựng mối quan hệ bình thường với các nước ASEAN, cùng các nước trong khu vực hợp tác, phát triển. Bằng nhiều nỗ lực, ngày 11-7-1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa 2 quốc gia. Việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ đã giúp Việt Nam khai thông quan hệ với Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, gia nhập Tổ chức Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các tổ chức quốc tế khác…

Đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đã giúp Việt Nam vượt qua khó khăn, kể cả trong bối cảnh Liên Xô tan rã và sự sụp đổ của hệ thống XHCN  ở Đông Âu. Đảng ta đã xác định: “Tiếp tục đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại với tinh thần Việt Nam muốn là bạn của các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển” (thay cho chính sách “thêm bạn bớt thù” trước đây), tạo điều kiện mở rộng ngoại giao và hội nhập kinh tế thế giới.

Trong quan hệ quốc tế ở thế kỷ XXI, kinh tế trở thành nhân tố quyết định sức mạnh tổng hợp và vị thế của của mỗi quốc gia. Trước xu thế hợp tác, Việt Nam tiếp tục khẳng định thông điệp: “Là bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới”. Việc trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO, tháng 11-2006) đã giúp kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng. Nước ta hiện có quan hệ đầu tư với khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nhờ đường lối ngoại giao cởi mở, đúng đắn, nước ta gặt hái được những thành tựu vượt bậc, trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Hình ảnh và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được cải thiện và nâng cao. Công tác ngoại giao khéo léo không chỉ góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế mà còn đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ an ninh biên giới, lãnh thổ. Các hiệp định biên giới trên đất liền với Trung Quốc, cũng như với Lào và Campuchia đã tạo cơ sở cho việc xây dựng một khu vực biên giới hòa bình và phát triển với các nước láng giềng. Việt Nam cũng tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và biên giới trên Biển Đông.

Đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ, sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước của Việt Nam đã chứng minh được tính đúng đắn qua thực tế. Việt Nam đang tạo ra môi trường hòa bình, hợp tác, là điểm đến đầu tư lý tưởng của các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia, điểm đến du lịch an toàn của du khách và bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, trên một số diễn đàn, trang mạng, vẫn có những ý kiến kêu gọi “Việt Nam nên trở thành đồng minh của Mỹ để được Mỹ bảo vệ trước sự bành trướng của Trung Quốc”; đâu đó có ý kiến đề xuất “Việt Nam nên trở thành đồng minh của Nga để đối trọng với phương Tây”, cũng có ý kiến “Việt Nam nên nghiên về Trung Quốc, theo Trung Quốc để được Trung Quốc bảo vệ”…

Suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam là quốc gia thường bị các nước lớn xâm lược, chiếm đóng, vơ vét, bốc lột. Muốn có độc lập, tự chủ, nhân dân Việt Nam đã đổ biết bao xương máu trong những cuộc chiến tranh trường kỳ, gian nan, vất vả. Với vị trí địa chính trị chiến lược hiện nay, nhiều nước lớn vẫn “thèm muốn” kết đồng minh với Việt Nam để mở rộng, củng cố địa vị, tranh thủ lợi ích cho quốc gia họ. Chẳng có đất nước hay tổ chức nào trên thế giới “tốt bụng” cho nước khác quyền lợi mà không vì lợi ích lớn hơn; cũng chẳng có nước nào tự nhiên “dang tay” bảo vệ nước khác. Khi trở thành đồng minh của quốc gia này thì sẽ "đối đầu" với quốc gia khác. Khi các nước lớn tranh giành hay âm thầm “đi đêm” với nhau vì lợi ích của họ, chính những nước đồng minh nhỏ hơn dễ trở thành “chốt thí” trên bàn cờ chính trị. Chỉ có độc lập, tự chủ, “làm bạn với tất cả các nước” mới mong có được hòa bình, ổn định để phát triển trong thế giới đầy phức tạp này.

Bài học từ khủng hoảng Ukraine hiện tại (theo các nhà nghiên cứu, vấn đề Ukraine bắt nguồn từ việc chưa hài hòa các mối quan hệ quốc tế, quá coi trọng phương Tây mà ít quan tâm cải thiện mối quan hệ với Nga…) càng chứng minh chủ trương “làm bạn với tất cả các nước” của Việt Nam là đúng đắn, phù hợp.

N.H