Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế sáng tạo
Sáng 12-3, CIEM phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức - do Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Liên bang Đức tài trợ (GIZ) tổ chức hội thảo tham vấn “Phát triển kinh tế sáng tạo: Xu hướng, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị đối với Việt Nam”.
Các ngành kinh tế sáng tạo gồm có: Thủ công mỹ nghệ; thời trang và thiết kế; nghệ thuật ẩm thực; nghệ thuật biểu diễn; nghệ thuật tạo hình; phim và truyền thông; công nghệ thông tin và kỹ thuật phần mềm; du lịch và di sản văn hóa; âm nhạc và giải trí; xuất bản và văn học; sáng tạo nội dung số; tiếp thị và quảng cáo số.
Ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho hay, xuất khẩu hàng hóa sáng tạo thế giới tăng từ 208 tỷ USD vào năm 2002 lên 524 tỷ USD vào năm 2020, trong đó, châu Á là khu vực xuất khẩu lớn nhất từ năm 2007.
Đáng chú ý, từ năm 2006 đến nay, tỷ trọng hàng hóa sáng tạo có sự thay đổi đáng kể. Xuất khẩu đĩa CD, DVD, băng, báo và tài liệu in khác giảm đáng kể, trong khi xuất khẩu các phương tiện truyền thông và ghi âm trò chơi điện tử tăng mạnh. Tỷ trọng hàng hóa sáng tạo trong tổng hàng hóa xuất khẩu ở khu vực châu Á ngày một tăng lên, trong khi ở các khu vực khác như châu Âu, Bắc Mỹ, Mỹ Latinh có xu hướng giảm.
Theo CIEM, top 10 nền kinh tế phát triển xuất khẩu hàng hóa sáng tạo hàng đầu hiện nay gồm: Mỹ, Italia, Đức, Pháp, Anh, Hàn Quốc, Ba Lan, Thụy Sỹ, Hà Lan, Nhật Bản với tổng 176.704 triệu USD, chiếm 33,7% tổng xuất khẩu hàng hóa sáng tạo trên thế giới.
Trong khi đó, top 10 nền kinh tế đang phát triển xuất khẩu hàng hóa sáng tạo hàng đầu trên thế giới bao gồm: Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Việt Nam, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Thái Lan với tổng xuất khẩu hàng hóa sáng tạo đạt 276.997 triệu USD, chiếm 33,7% tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa sáng tạo thế giới.
Như vậy, Việt Nam nằm trong Top 3 nền kinh tế đang phát triển trên thế giới xuất khẩu hàng hóa sáng tạo hàng đầu với 14.153 triệu USD.
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển nền kinh tế sáng tạo khi có nhiều chính sách hỗ trợ và Việt Nam có dân số trẻ, hiểu biết về công nghệ; có di sản văn hóa phong phú; quá trình số hóa diễn ra nhanh chóng và tăng cường hội nhập với kinh tế toàn cầu.
Theo An ninh thủ đô