Ảnh minh họa. (Nguồn: weforum.org)
Ngày 27/10, Google, Temasek và Bain & Company công bố báo cáo mới nhất cho thấy nhóm 6 nền kinh tế kỹ thuật số hàng đầu của khu vực Đông Nam Á tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong năm 2022, ước tính đạt tổng giá trị trao đổi hàng hóa (GMV) 200 tỷ USD trong năm nay.
Báo cáo lưu ý Việt Nam sẽ là nền kinh tế kỹ thuật số tăng trưởng mạnh nhất trong giai đoạn 2022-2025.
Cụ thể, báo cáo "e-Conomy SEA 2022" nêu rõ với kết quả trên, nhóm 6 nền kinh tế kỹ thuật số hàng đầu khu vực, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, sẽ đạt được cột mốc 200 tỷ sớm hơn 3 năm so với dự kiến.
Trong báo cáo công bố năm 2016, Google, Temasek and Bain & Company ước tính nền kinh tế kỹ thuật số của 6 quốc gia trên sẽ đạt tổng giá trị 200 tỷ USD vào năm 2025.
Như vậy, GMV năm 2022 tăng khoảng 20% so với mức 161 tỷ USD trong năm 2021.
Stephanie Davis, phó chủ tịch Google phụ trách khu vực Đông Nam Á cho biết dù các quốc gia đã mở cửa trở lại sau đại dịch, giao dịch tại các chuỗi cửa hàng truyền thống đã tăng vượt mức ghi nhận trước đại dịch tại nhiều quốc gia nhưng kinh tế kỹ thuật số vẫn tăng trưởng 20% so với năm ngoái.
Điều này cho thấy nhiều ứng dụng trong thời kỳ đại dịch vẫn đang hoạt động, một số thói quen mới đã được hình thành và tiếp tục duy trì.
Cũng theo báo cáo mới, sau nhiều năm bứt tốc, tốc độ tăng trưởng ứng dụng kỹ thuật số vào nền kinh tế tại Đông Nam Á đang dần trở nên ổn định.
Số người sử dụng Internet trong khu vực Đông Nam Á tiếp tục tăng, với 20 triệu người dùng mới trong năm 2022, nâng tổng số người dùng Internet trong khu vực lên 460 triệu người.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng người dùng bắt đầu chậm lại, chỉ đạt mức tăng 4% trong năm 2022 so với năm trước, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 10% trong năm 2021 và 11% trong năm 2020, đợt cao điểm đại dịch COVID-19.
Điều này diễn ra trong bối cảnh các nền kinh tế khu vực mở cửa biên giới trở lại trong năm 2022 sau thời gian phong tỏa kéo dài và người tiêu dùng cũng quay lại thói quen mua sắm truyền thống.
Ngoài ra, các điều kiện kinh tế vĩ mô hiện nay như lạm phát tăng mạnh cũng ảnh hưởng tới người tiêu dùng khu vực và nền kinh tế kỹ thuật số.
Dù vậy, kinh tế trực tuyến của Đông Nam Á vẫn trên đà đạt mức tổng giá trị 1.000 tỷ USD vào năm 2030 khi mua sắm trực tuyến trở thành thói quen phổ biến.
Ngoài ra, báo cáo chỉ ra một số động cơ chính giúp các nền kinh tế kỹ thuật số khu vực tăng trưởng tốt trong năm 2022.
Thương mại điện tử tiếp tục là động cơ tăng trưởng dù các hình thức thương mại truyền thống đã dần khôi phục sau khi các biện pháp hạn chế phòng dịch được dỡ bỏ.
GMV của lĩnh vực thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á tăng 16% so với năm 2021 lên 131 tỷ USD trong năm 2022. Tuy nhiên, tốc độ này có thể sẽ chậm lại trong 3 năm tới.
Báo cáo có đoạn nêu rõ thương mại điện tử tiếp tục tăng tốc, dịch vụ giao đồ ăn và truyền thông trực tuyến đã trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch trong khi vẫn cần nhiều thời gian để đưa du lịch và giao thông phục hồi về mức trước đại dịch.
Một động cơ tăng trưởng khác là lĩnh vực dịch vụ tài chính số, trong đó các dịch vụ thanh toán, tiền gửi, cho vay, đầu tư và bảo hiểm đã tăng trưởng tốt từ năm 2021-2022 nhờ những thay đổi thói quen mua sắm từ truyền thống sang trực tuyến sau đại dịch.
Trong số những dịch vụ trên, bảo hiểm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất là 31% trong năm 2022 trong khi cho vay tăng 25%.
Cũng theo báo cáo, cả 6 quốc gia nêu trên đều sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng GMV 2 con số trong giai đoạn từ 2022-2025, theo đó nâng tổng GMV kinh tế kỹ thuật số của nhóm 6 nước dự tính đạt mức 330 tỷ USD vào năm 2025 nếu các công ty tập trung nhiều hơn vào khả năng sinh lời trong 3 năm tới.
Đặc biệt trong giai đoạn từ 2022-2025, Việt Nam được chờ đợi sẽ ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm 6 quốc gia, với GMV tăng 31% từ 23 tỷ USD năm 2022 lên 49 tỷ USD trong năm 2025.
Tiếp đến là Philippines với mức tăng trưởng GMV dự tính là 20%, từ 20 tỷ USD năm 2022 lên 35 tỷ USD năm 2025.
Theo LÊ ÁNH (TTXVN)