Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Đại hội đồng khóa 74 Tijjani Muhammad Bande đã điểm lại những thành tựu đạt được trong công tác bảo vệ quyền trẻ em trong 30 năm qua như kể từ năm 1990 đến nay như tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi giảm hơn 50% và tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm gần 50%. Ông cũng nhấn mạnh tăng cường chất lượng giáo dục sẽ là một trong các ưu tiên cao nhất của ông trong nhiệm kỳ này.
Tổng Thư ký LHQ António Guterres cũng chia sẻ nỗ lực của cộng đồng quốc tế đã đưa Công ước thành hiện thực cho hàng triệu trẻ em trên thế giới, song thừa nhận vẫn còn hàng triệu em khác phải chịu tác động nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu, phải sống trong đói nghèo, bệnh tật, nguy hiểm và bạo lực. Ông kêu gọi các nước tái cam kết triển khai Công ước và bảo đảm trẻ em được sống trong an toàn, khỏe mạnh và đạt được những mơ ước của mình.
Đại sứ Thiện chí trẻ tuổi nhất của UNICEF, em Muzoon Almellehan lên án xung đột đã tàn phá đất nước Syria tươi đẹp của em, cướp đi sinh mạng của nhiều người thân, phá hủy hàng ngàn trường học, và mong rằng các nước sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa với những cam kết cụ thể để bảo vệ tương lai của các em. Giám đốc Điều hành UNICEF, bà Henrietta Fore, kêu gọi các nước thực hiện đúng những cam kết của mình, nhấn mạnh thế giới cần lắng nghe trẻ em nhưng lắng nghe không đủ mà cần ủng hộ và hành động cùng trẻ em.
Thay mặt Việt Nam, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại LHQ chia sẻ ý nghĩa của sự kiện là cơ hội quan trọng để các nước tái khẳng định và tăng cường nỗ lực bảo đảm và thúc đẩy quyền trẻ em. Đại sứ nhấn mạnh nhìn lại 30 năm qua, thế giới đã đạt nhiều kết quả tích cực; nhìn vào hiện tại, thế giới có nhiều điều lo lắng từ xung đột, biến đổi khí hậu, ô nhiễm, đói nghèo, thiên tai, bệnh tật; nhìn về tương lai, thế giới cần nỗ lực nhiều hơn nữa với tinh thần trách nhiệm và đoàn kết cao hơn, để 30 năm tới khi nhìn lại, chúng ta có thể tự hào vì những điều đã làm được cho trẻ em. Đại sứ khẳng định cần tạo điều kiện cho sự tham gia của trẻ em bởi những gì chúng ta làm hôm nay sẽ tác động đến thế giới ngày mai và do đó, thế giới cần lắng nghe các mối quan tâm của trẻ em và chung tay hành động để hiện thực hóa một thế giới phù hợp với trẻ em.
Chứng kiến và đã trải qua các cuộc chiến tranh kéo dài nhiều thập kỷ, thẳm sâu trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam là khát khao về một nền hòa bình bền vững. Ông khẳng định vai trò thiết yếu của giáo dục trong việc nuôi dưỡng tình yêu thương và đùm bọc trong mỗi trẻ em cũng như chuẩn bị để mỗi em sẽ trở thành những người có trách nhiệm và biết sẻ chia. Ông cũng nhấn mạnh Việt Nam luôn dành mọi nỗ lực để bảo đảm trẻ em được học tập, kể cả trong những năm tháng chiến tranh và trên tinh thần đó, Đại sứ đã trân trọng thông báo Chính phủ Việt Nam ủng hộ Tuyên bố Trường học An toàn nhằm cùng cộng đồng quốc tế lên tiếng ủng hộ và đề cao quyền giáo dục của trẻ em trong mọi trường hợp. Việt Nam cùng với hơn 40 quốc gia khác đã tham gia Bản Cam kết Toàn cầu Tự nguyện vì “Mỗi trẻ em, Mỗi quyền của trẻ em”.
Đại Hội đồng LHQ đã thông qua Công ước Quyền Trẻ - văn kiện quyền con người được nhiều quốc gia phê chuẩn nhất trên thế giới - vào năm 1989.
Theo Báo Tin Tức