Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm sản xuất chíp bán dẫn mới của thế giới trong tương lai.
Chíp bán dẫn giữ vai trò then chốt trong việc tạo ra các sản phẩm và linh kiện công nghệ. Nhiệm vụ của những con chíp cho phép máy móc thực hiện những chức năng chính như điều khiển, xử lý dữ liệu, lưu trữ... nên chip bán dẫn không thể thiếu trong tất cả các công nghệ hiện nay.
Các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là Hoa Kỳ vừa có những hợp tác chiến lược với Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp chíp bán dẫn.
Làm rõ hơn hướng phát triển chíp bán dẫn tại Việt Nam, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi nhanh tại họp báo thường kỳ Bộ Khoa học Công nghệ (9/10/2023) với ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ các ngành kinh tế-kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ).
- Ông nhận định thế nào về sự hợp tác với Việt Nam khi tham gia phát triển ngành công nghiệp chíp bán dẫn?
Vụ trưởng Nguyễn Phú Hùng: Hợp tác phát triển chíp bán dẫn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nói riêng cũng như các nước thời gian vừa cho thấy cơ hội rất lớn đối với Việt Nam. Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trong những quốc gia tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm này. Trong Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt-Mỹ, hai bên ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn cũng như sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam. Hai nước sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.
Cùng với cơ hội thì Bộ Khoa học và Công nghệ đang nhận thấy, không chỉ tiềm năng và cơ hội thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành này mà Việt Nam cũng đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc bởi nguồn nhân lực đang còn thiếu.
Theo thống từ các Hiệp hội, Việt Nam chỉ có khoảng 5.000 kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực chíp bán dẫn tại Việt Nam, đây là khâu còn yếu khi mỗi loại chip bán dẫn đều đòi hỏi công nghệ rất cao, do đó cần một lực lượng nhân lực đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, thời gian tới, Việt Nam phải tập trung vào đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao công nghệ để Việt Nam nhanh chóng nắm bắt được công nghệ lõi trong phát triển chíp bán dẫn.
Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là Hoa Kỳ vừa có những hợp tác chiến lược với Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp chíp bán dẫn có thể khẳng định là những cơ hội thuận lợi cho Việt Nam.
Trước cơ hội này, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định việc làm chủ được thiết kế chíp là ưu tiên hàng đầu trong chuỗi giá trị sản xuất chíp bởi thiết kế chíp chiếm khoảng 50-60% giá trị của sản phẩm chíp. Cùng với sự hợp tác với các nước, Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài đầu tư vào phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo chung tại các trường, các viện nghiên cứu, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp chíp bán dẫn.
- Xin ông cho biết những định hướng của Bộ Khoa học và Công nghệ để phát triển lĩnh vực chíp bán dẫn trong thời gian tới?
Vụ trưởng Nguyễn Phú Hùng: Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều cơ chế chính sách liên quan đến phát triển chíp bán dẫn và đặc biệt trong việc đào tạo nguồn nhân lực, thu hút chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục ưu tiên triển khai các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia liên quan đến chíp bán dẫn. Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai chương trình sản phẩm quốc gia đối với chip bán dẫn. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xây dựng các chính sách về đầu tư và hỗ trợ những trang thiết bị cho việc đo lường, kiểm định các sản phẩm chíp bán dẫn đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2017 để đáp ứng nhu cầu đo lường của các doanh nghiệp thiết kế, chế tạo chíp bán dẫn trong cả nước, góp phần rút ngắn thời gian sản xuất và đầu ra sản phẩm.
Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ sớm đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước đầu tư các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong các viện, trường có lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến chíp bán dẫn.
Bên cạnh đó, thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ của của các doanh nghiệp lớn trong nước như Viettel, FPT, CMC... các viện, trường có nghiên cứu liên quan tới vi mạch để tham gia vào chương trình phát triển sản phẩm quốc gia liên quan đến chíp bán dẫn, từ đó tạo ra hệ sinh thái phát triển chíp bán dẫn từ khâu thiết kế đến chế tạo trong chuỗi sản phẩm chíp bán dẫn.
Cùng với thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, thu hút nguồn chất xám, công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng khuyến khích các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển lĩnh vực chíp bán dẫn tại Việt Nam.
Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đẩy mạnh chương trình tìm kiếm, chuyển giao công nghệ, chương trình hợp tác song phương, đa phương đối với những nước có thế mạnh về khoa học và công nghệ, từ đó tạo ra các nhóm nghiên cứu mạnh có thể áp dụng, nắm bắt nhanh nhất công nghệ lõi trong lĩnh vực này.
- Liệu rằng Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất chíp bán dẫn mới của thế giới không, thưa ông?
Vụ trưởng Nguyễn Phú Hùng: Việt Nam đã có những hợp tác chiến lược với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là Hoa Kỳ trong việc phát triển ngành công nghiệp chíp bán dẫn. Điều này cho thấy, Việt Nam không chỉ trở thành một trong những quốc gia tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm chíp bán dẫn mà tôi tin tưởng cùng với định hướng của Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng với các chính sách khác mà Đảng, Chính phủ đang chỉ đạo cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, Việt Nam sẽ trở thành một trong những trung tâm sản xuất chíp bán dẫn mới của thế giới trong tương lai.
- Trân trọng cảm ơn ông!.
Theo TTXVN