Xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Cái Lân. (Ảnh: TTXVN)
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng nhận định quan hệ kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ vẫn duy trì được đà tăng trưởng và có thể đạt kim ngạch song phương 15 tỷ USD vào cuối năm nay, bất chấp đại dịch COVID-19, cạnh tranh địa chiến lược trong khu vực và trên thế giới tác động không nhỏ đến dòng chảy thương mại toàn cầu.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại New Delhi, Tham tán Bùi Trung Thướng cho biết tổng kim ngạch thương mại hai nước trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 11,43 tỷ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Việt Nam xuất siêu sang Ấn Độ 6,13 tỷ USD, tăng 35%. Hợp tác trong lĩnh vực du lịch và đầu tư cũng có nhiều điểm sáng. Việc hai nước nối lại và mở thêm đường bay thẳng đã tạo điều kiện thuận lợi phục hồi hợp tác sau 2 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19.
Nhiều tập đoàn lớn của Ấn Độ như Adani, Essar đã tích cực sang Việt Nam để tìm kiếm và thúc đẩy cơ hội hợp tác đầu tư. Tháng 6 vừa qua, tập đoàn Adani cam kết đầu tư 10 tỷ USD vào Việt Nam trong các lĩnh vực phát triển cảng biển với mục tiêu phát triển cảng Đà Nẵng thành điểm trung chuyển hàng hóa quốc tế, dịch vụ kho vận logistics, năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
Trước đó, tập đoàn Essar cũng mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư để phát triển dự án điện khí, vận tải dầu khí và hợp tác phát triển phân bón. Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư sang Ấn Độ.
Trong năm nay, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã khai thác tuyến vận tải đường biển trực tiếp đầu tiên từ Việt Nam sang Ấn Độ và các nước Nam Á.
Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ là một trong những đơn vị đầu tiên trong hệ thống thương vụ và cơ quan đại diện thực hiện chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến. Tháng 4/2020, khi cả Việt Nam và Ấn Độ đang thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, Thương vụ đã phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại và Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ tổ chức chương trình giao thương kết nối trực tuyến với sự tham dự của hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ. Mô hình này sau đó đã trở thành xu hướng trên toàn cầu và đến nay vẫn đang được áp dụng tại một số nơi.
Thương vụ cũng đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Việt Nam kết nối với đối tác và giải quyết tranh chấp thương mại; thu thập và cung cấp thông tin về các vụ việc phòng vệ thương mại (do Ấn Độ khởi xướng điều tra) cho cơ quan hữu quan và cộng đồng doanh nghiệp trong nước, đồng thời tham dự các phiên điều trần bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp. Một số vụ việc có kết quả rất tích cực, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam không bị áp thuế hoặc áp thuế ở mức thấp hơn nước khác.
Nhân kỷ niệm 50 năm Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao, ngay từ đầu năm nay, Thương vụ đã lên kế hoạch phối hợp với các cơ quan xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng, phòng thương mại-công nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp tổ chức 50 chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu thông tin thị trường, ngành hàng, tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham dự hội chợ triển lãm quốc tế tại Việt Nam và Ấn Độ.
Dây chuyền sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Tham tán Bùi Trung Thướng nhấn mạnh Ấn Độ có nhiều ngành sản xuất truyền thống, lâu đời, còn Việt Nam là nước ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất rất nhanh và hiệu quả, nên hai nước có lợi thế bổ sung cho nhau. Ấn Độ là nơi sản xuất và cung cấp nguyên vật liệu quan trọng, Việt Nam có nhu cầu đa dạng hóa nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Ấn Độ là nguồn cung cấp nguyên liệu quan trọng hàng đầu đối với một số ngành của Việt Nam như thủy sản, dệt may, da giày, dược phẩm.
Ấn Độ là một thị trường lớn với dân số khoảng 1,4 tỷ người, nhu cầu thị trường phong phú, đa dạng nằm ở nhiều phân khúc khách hàng… là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường.
Tham tán Bùi Trung Thướng cũng nêu ra một số khó khăn, thách thức như sự hiện diện của các doanh nghiệp Việt Nam tại Ấn Độ còn ít, nguyên nhân là do sự quan tâm của các địa phương, doanh nghiệp về thị trường Ấn Độ còn thấp nên chưa thể thúc đẩy mạnh mẽ tiềm năng của thị trường; thủ tục hành chính, pháp luật kinh doanh của Ấn Độ còn khá rườm rà, phức tạp.
Bên cạnh đó, theo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Ấn Độ là một trong các quốc gia áp dụng các biện pháp bảo hộ thị trường lớn nhất thế giới, đặc biệt sau đại dịch COVID-19. Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường.
Theo TTXVN/Vietnam+