Trao Giấy chứng nhận cho đại diện 4 Vườn Di sản ASEAN mới của Việt Nam. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)
Ngày 10-12 tại thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN (ACB) tổ chức Lễ trao Chứng nhận và vinh danh 4 Vườn di sản ASEAN mới được công nhận của Việt Nam.
Tại buổi lễ, tiến sỹ Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường và bà Clarria C. Adida, đại diện Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN đã trao Giấy chứng nhận, công nhận 4 Vườn di sản ASEAN của Việt Nam gồm Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà thuộc tỉnh Lâm Đồng; Vườn Quốc gia Vũ Quang, nằm xen giữa Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An) và Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình); Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát thuộc tỉnh Tây Ninh và Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Tài cho biết Chương trình Vườn di sản ASEAN đã được Bộ trưởng Môi trường các nước ASEAN thống nhất thực hiện từ năm 2003. Theo đó, các Vườn di sản ASEAN được thiết lập với mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học có tầm quan trọng của khu vực và quốc tế; góp phần nâng cao nhận thức, giáo dục về môi trường, góp phần thể hiện nguyện vọng của người dân các nước thành viên ASEAN về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, hướng tới phát triển bền vững.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 15 được tổ chức vào tháng 10/2019, 4 Vườn quốc gia của Việt Nam là Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà, Vườn Quốc gia Vũ Quang, Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát và Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh đã được công nhận danh hiệu Vườn di sản ASEAN. Sự kiện này đã nâng tổng số Vườn di sản ASEAN của Việt Nam lên 10 vườn, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thành viên có nhiều Vườn di sản ASEAN nhất trong khu vực.
Tại lễ trao giấy chứng nhận, bà Clarria C. Adida cho biết khi đến với Đà Lạt, chúng ta đã có cơ hội được đến thăm Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà, được tiếp xúc với nền văn hóa cũng như khung cảnh thiên nhiên tại đây.
Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang đã được UNESCO công nhận, cùng với các dân tộc sinh sống ở đây tạo nên những giá trị riêng biệt cần được bảo tồn. Hiện nay, thế giới đang rất quan tâm tới vấn đề biến đổi khí hậu, ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu, đây là vấn đề thách thức với sự phát triển bền vững.
Sau lễ trao chứng nhận và vinh danh 4 Vườn di sản ASEAN mới được công nhận của Việt Nam, các đại biểu đã tham gia hội thảo, tham vấn về việc thành lập Mạng lưới các Vườn di sản ASEAN mới của Việt Nam.
Nội dung tập trung thảo luận về các biện pháp quản lý hiệu quả các Vườn di sản ASEAN của Việt Nam; đề xuất thành lập Mạng lưới các Vườn di sản ASEAN của Việt Nam.
Các đại biểu đã bàn bạc, thống nhất đề ra phương hướng tăng cường hợp tác về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của các Vườn di sản ASEAN trong khu vực.
Theo thông tin từ Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài Nguyên và Môi trường), đến tháng 9/2017, trong khối ASEAN đã có 40 Vườn di sản ASEAN được công nhận. Trong đó, năm 2003, Việt Nam có 4 Vườn di sản ASEAN đầu tiên là Vườn quốc gia Ba Bể, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Vườn quốc gia Chư Mom Rây và Vườn quốc Hoàng Liên.
Chín năm sau đó, Vườn quốc gia U Minh Thượng được công nhận là Vườn di sản ASEAN. Tới năm 2016, Việt Nam có thêm Vườn quốc gia Bái Tử Long được công nhận là Vườn di sản ASEAN.
Theo CHU QUỐC HÙNG (TTXVN/Vietnam+)