HĐXX nghe các bên lập luận tại phiên tòa.
Theo đại diện VKS, dù HĐXX phúc thẩm trong phiên tòa tháng 2/2015 đã yêu cầu điều tra bị cáo Như về hành vi “Tham ô tài sản”, tuy nhiên sau khi điều tra lại, VKS giữ nguyên quan điểm Huỳnh Thị Huyền Như phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vì đây là ý định xuyên suốt của bị cáo khi phạm tội.
VKS khẳng định Như đã lợi dụng việc nhiều cá nhân, tổ chức muốn nhận lãi suất vượt trần để dẫn dụ gửi tiền vào Vietinbank bằng các thỏa thuận trái luật. Với thủ đoạn này, Như đã lập chứng từ giả, giả chữ ký để chiếm đoạt của 5 tổ chức 1.085 tỷ đồng.
Từ lập luận trên, VKS cho rằng Như là người phải bồi thường thiệt hại cho 5 tổ chức, gồm 209 tỷ của Công ty cổ phần Chứng khoán Saigonbank – Berjaya, 200 tỷ của Công ty cổ phần đầu tư Hưng Yên, 380 tỷ của Công ty cổ phần Chứng khoán Phương Đông, 124 tỷ của Công ty cổ phần bảo hiểm Toàn Cầu, 170 tỷ của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại An Lộc.
Cũng theo VKS, hành vi của hai bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng tới xã hội và xâm phạm tài sản nhiều đơn vị, gây mất niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, ảnh hưởng tới uy tín của Việt Nam trong quan hệ quốc tế, do vậy cần phải áp dụng mức án nghiêm khắc với các bị cáo.
VKS tiếp tục đề nghị tòa tuyên bị cáo Như chịu án từ Chung thân vì hành vi lừa đảo. Cùng bị truy tố về hành vi này, VKS đề nghị tòa tuyên bị cáo Võ Anh Tuấn mức án 12-14 năm tù.
Ngay sau đó các luật sư đã bước vào phần tranh luận. Bảo vệ Huỳnh Thị Huyền Như, luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi cho rằng hành vi mà VKS nêu đã được xét xử trong giai đoạn 1, vì vậy việc tiếp tục truy tố gây bất lợi cho bị cáo. Luật sư Thi cũng yêu cầu HĐXX trả hồ sơ vụ án.
Hiện luật sư bảo vệ cho 5 tổ chức bị thiệt hại đang tiếp tục phần lập luận bào chữa.
Theo NGUYỄN CƯỜNG (Infonet)