VN-Index cần thời gian dài để tìm lại điểm cân bằng sau tuần 'hoảng loạn'

21/04/2024 - 09:43

Trong tuần qua, thị trường chứng khoán chứng kiến lực bán trên thị trường gia tăng mạnh, đột biến hơn ở nhiều mã và nhóm ngành; nhà đầu tư nước ngoài bán ròng với giá trị 2.248 tỷ đồng trên sàn HoSE.


Thị trường giảm điểm rất mạnh khi không giữ được vùng giá hỗ trợ giá cao nhất năm 2023 tương ứng quanh 1.250 điểm. (Ảnh: Vietnam+)

Thị trường chứng khoán có một tuần giao dịch "hoảng loạn" khi VN-Index lao dốc và giảm mạnh 7,97% so với tuần trước về mức 1.174,85 điểm. Đây là tuần giao dịch giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 10/2022. Bên cạnh đó, HNX-Index kết thúc tuần ở mức 220,8 điểm và giảm 8,51% so với tuần trước.

Kết thúc xu hướng tăng

Ông Nguyễn Khắc Thành, chuyên viên phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội, cho biết ngoài những thông tin quốc tế về căng thẳng địa chính trị leo thang ở khu vực Trung Đông thì thị trường cũng đón nhận nhiều thông tin khác, như GDP quý 1 của Trung Quốc tăng trưởng 5,3% so với cùng kỳ đồng thời cao hơn mức 5,4% của quý 4/2023. Kết quả này cũng cao hơn mức dự báo 4,6% từ các chuyên gia trước đó. Những điều này phần nào đã ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.

[Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam,” ngày 16/4. (Vietnam+)]

Thúc đẩy nâng hạng chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi

Việt Nam được 2 tổ chức quốc tế MSCI và FTSE Russell phân loại là thị trường cận biên và được đưa vào chỉ số thị trường cận biên.

Tại phiên giao dịch đầu tuần (ngày 15/4), VN-Index bắt đầu chịu áp lực bán mạnh khi không giữ được các giá vùng hỗ trợ kỹ thuật quanh khu vực 1.250 điểm. Diễn biến này xác nhận thị trường kết thúc xu hướng tăng kéo dài từ tháng 11/2023.

Các phiên giao dịch sau đó, VN-Index sau đó phục hồi ở quanh 1.190 điểm để lên vùng 1.220 điểm. Song, áp lực lại gia tăng trong phiên cuối tuần và VN-Index giảm mạnh về mức 1.174,85 điểm, quanh đường giá trung bình của 200 phiên.

Trong tuần, thanh khoản trên sàn HoSE đạt 130.589 tỷ đồng, tăng 36% so với tuần trước. Ông Thành cho hay lực bán trên thị trường gia tăng mạnh và đột biến hơn ở nhiều mã và nhóm ngành. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài gia tăng giao dịch và tiếp tục bán ròng với giá trị 2.248 tỷ đồng trên sàn HoSE. Và, đây là đang là chuỗi bán ròng đột biến liên tiếp của khối ngoại. Tuy nhiên, họ mua ròng trên sàn HNX với giá trị gần 28 tỷ đồng.

Trên thị trường, áp lực bán tháo diễn ra trên diện rộng và khiến hầu hết các nhóm ngành giảm điểm sâu cùng với mức thanh khoản giá tăng khá đột biến. Như các cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán với BSI (-20,70%), FTS (-18,70%), VDS (-17,31%), VIX (-16,41%)... Các cổ phiếu ngân hàng đa phần cũng chịu áp lực bán mạnh, như CTG (-11,98%), TPB (-11,23%), NVB (-10,68%), BID (-9,46%).... ngoài LPB (+2,81%), SGB (+0,68%).

Thêm vào đó, áp lực giải chấp gia tăng tiếp tục đẩy các nhóm ngành khác vướng vào đà lao dốc cùng với thanh khoản gia tăng đột biến, như nhóm ngành bất động sản với FIR (-23,45%), CEO (-21,33%), DXG (-21,21%), NHA (-19,91%).…; Các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su cũng có diễn biến tương tự với DTD (-16,20%), KBC (-16,17%), BCM (-15,41%), VGC (-13,23%), GVR (-12,19%)…; Các nhóm ngành khác như cổ phiếu dầu khí cũng chịu áp lực bán mạnh với CNG (-17,47%), POS (-16,48%), PVC (-13,41%), PVS (-10,70%)... ngoài PGS (-4,91%)...

Nguyên nhân do đâu?

Theo nhóm phân tích từ Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), thị trường bị tác động bởi những thông tin quốc tế không tích cực. Tại Nhật Bản, lạm phát tháng Ba giảm, song Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cảnh báo sự suy yếu của đồng yên chưa có hồi kết. Mặt khác, giới đầu tư đã dự tính khả năng đến năm 2025-FED mới giảm lãi suất. Thứ Ba tuần trước, đại diện của FED cho biết tiến trình giảm lạm phát về mục tiêu 2% đang “thiếu bước tiến.” Điều này đồng nghĩa có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến để Ngân hàng Trung ương của Mỹ có đủ tự tin để bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.

Theo ghi nhận từ VCBS, VN-Index chứng kiến một tuần giao dịch giảm điểm liên tục với thanh khoản và dòng tiền yếu dần qua các phiên. Cụ thể, thị trường rung lắc mạnh trong phiên đầu tuần khiến nhiều cổ phiếu rơi xuống giá sàn. Điều đó đã tạo ra hiệu ứng tâm lý xấu đối với nhà đầu tư và các phiên tiếp theo, tình hình cũng không cho dấu hiệu cải thiện. Các nhóm ngành gần như chìm trong sắc đỏ, chỉ số ít các cổ phiếu vốn hóa lớn thay nhau tăng điểm nhẹ trong tuần. Trong nước, tin tức tiêu cực liên quan đến diễn biến tỷ giá USD/VND hay bất ổn địa chính trị trên thế giới cũng phần nào gây ảnh hưởng tới thị trường. Với diễn biến không được ổn định như vậy, tâm lý nhà đầu tư cũng có phần hoang mang và minh chứng là thanh khoản suy yếu.

Về kỹ thuật, nhóm phân tích của VCBS cho rằng VN-Index ghi nhận phiên cuối tuần tại khu vực 1.175 điểm cho thấy thị trường đang ở trạng thái lưỡng lự tại vùng điểm này. Khung đồ thị ngày chỉ báo dòng tiền ở mức thấp và chưa có tín hiệu hồi phục. Tính từ cuối năm 2023, thì các ngưỡng hỗ trợ tiếp theo của VN-Index sẽ quanh khu vực 1.160 điểm và 1.130 điểm. Theo đó, VN-Index sẽ cần thời gian để tìm lại được điểm cân bằng.

Thị trường giảm điểm rất mạnh khi không giữ được vùng giá hỗ trợ giá cao nhất năm 2023 tương ứng quanh 1.250 điểm. Đồng thời, xu hướng tăng kéo dài trong 5 tháng qua kết thúc, khiến cho tâm lý nhà đầu tư trở nên kém tích cực hơn bên cạnh các tin tức tiêu cực từ tình hình thế giới.

Ngoài ra, ông Thành cho rằng VN-Index đã quay trở lại kênh tích lũy rộng 1.150 điểm-1.250 điểm và mất động lực hình thành xu hướng đi lên. Song, VN-Index về trung hạn thị trường vẫn đang vận động tích lũy chứ không có nguy cơ rơi vào chu kỳ suy giảm mới.

Hơn nữa, ông Thành nhấn mạnh tình hình vĩ mô trong nước đang dần có dấu hiệu khởi sắc hơn, khi GDP của quý 1 ghi nhận tăng 5,66%, cao nhất trong 5 năm qua. Tuy nhiên, các thông số vĩ mô vẫn chưa hoàn toàn cho thấy khởi sắc khi tăng trưởng tín dụng yếu. Điều đó cho thấy nền kinh tế đang có khả năng hấp thụ vốn thấp, tỷ giá vẫn ở mức cao và những khó khăn đối với thị trường bất động sản. Đặc biệt là thị trường trái phiếu vẫn chưa có bước chuyển biến căn cơ.

“Với tình trạng vĩ mô tốt-xấu đan xen, bất ổn thế giới gia tăng là một phần nguyên nhân thị trường chịu áp lực điều chỉnh,” ông Thành chia sẻ.

Về tuần tới, ông Thành cho rằng VN-Index tiếp tục giảm điểm và rủi ro rơi về các ngưỡng sâu hơn. Các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tranh thủ các nhịp thị trường hồi phục để hạ tỷ trọng danh mục về mức an toàn. Với nhà đầu tư trung-dài hạn, thị trường đang vận động trở lại kênh tích lũy rộng 1.150 điểm-1.250 điểm và có thể vận động tích lũy lại sẽ kéo dài. Do đó, nhà đầu tư không nên giải ngân trong bối cảnh hiện tại mà cần kiên nhẫn chờ đợi nhịp tích lũy lại tin cậy hơn./.

Theo Vietnam+