Vợ chồng già nghèo khó cần được giúp đỡ

09/05/2019 - 08:14

 - Chồng bị tật ở chân đi bán cước rửa chén, vợ đi bán vé số không may bị tai nạn gãy xương đùi. Đó là tình cảnh khó khăn của cặp vợ chồng già ở tuổi 80, không con cái chăm sóc tại vùng núi Ba Thê (Thoại Sơn).

Chúng tôi tìm đến nhà ông bà ở tổ 8, ấp Tân Hiệp A (thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn) giữa trưa hè nắng nóng. Căn nhà của ông bà liêu xiêu lộ rõ vẻ nghèo khó của chủ nhân ngôi nhà. Bà Nguyễn Thị Vân (năm nay 81 tuổi), đôi mắt “lem nhem” nhìn khách rồi đon đả: “Mời, mời cô chú vào nhà”. Bà gắng gượng ngồi dậy nhưng chúng tôi khuyên không nên vì hay tin bà bị té dẫn đến gãy xương đùi, đến nay vẫn chưa lành hẳn. Bà Vân chia sẻ: “Đã 5 tháng nay mà chân vẫn còn đau nhức. Mấy tháng trước, tôi bán vé số ở gần nhà ế ẩm quá nên tôi đã đi xe bus từ nhà ra thị trấn Núi Sập để mong bán được nhiều hơn. Lúc đi bộ, không may tôi bị té ngã, gãy xương phải nằm một chỗ, bữa nay mới di chuyển được chút ít”.

Đang trò chuyện với bà Vân thì chồng bà (ông Lê Văn Tấn, 79 tuổi) từng bước khập khễnh trở về nhà sau buổi đi bán tại chợ thị trấn Óc Eo. Trên chiếc xề được ông buộc thêm sợi dây quàng vào cổ là các loại cước chùi xoong nồi. Ông Tấn cho biết, đây là bộ đồ nghề của ông suốt mấy chục năm nay. Ông Tấn kể: “Hồi còn trẻ, tôi đi làm thuê, mướn đủ nghề, cuộc sống vất vả nhưng có thể nuôi được vợ và con trai. Vậy mà tai nạn lao động từ nghề làm đá đã làm đứt cơ chân của tôi. Từ đó về sau, chân trái tôi bị dị tật, đi lại rất khó khăn. Từ chỗ khỏe mạnh đến sức khỏe suy giảm, chân đi khó, đôi tay sau cơn tai biến nhẹ không cầm được vật gì quá 2kg, nên tôi chỉ còn tìm đến nghề bán dạo kim, chỉ, đá lửa”.

Ông Tấn và bà Vân

Hơn 40 năm nay, người dân vùng núi Ba Thê rất đỗi quen thuộc với hình ảnh đầy nghị lực của ông từng bước khập khễnh đi khắp các con đường trong thị trấn để bán những món lặt vặt cho các gia đình. Khi nghề bán kim, chỉ, đá lửa không còn được chuộng như trước đây, ông Tấn chuyển sang nghề bán cước chùi xoong nồi. Khi được hỏi mỗi buổi bán dạo kiếm được bao nhiêu tiền, ông Tấn vẻ mặt buồn buồn: “Đồng lời hẻo lắm, mỗi hôm chỉ kiếm được 10.000 đồng, hôm nào đắt hơn được 15.000-20.000 đồng. Dẫu ít ỏi nhưng tôi phải ráng đi bán, vì mình không tự lo thì có ai lo cơm ăn, nước uống cho mình hàng ngày”.

Khi thắc mắc về cậu con trai như thế nào mà không chăm sóc ông bà, chúng tôi được anh Nguyễn Văn Vững (người hàng xóm) cho biết: “Con trai của 2 bác trước đây làm thuê, mướn phụ giúp 2 bác nhưng từ ngày mua bán bị thua lỗ nên đã đi xứ khác làm thuê. Hiện tại, anh mắc bệnh lao phổi, cuộc sống của anh chị và 2 cháu hết sức khó khăn, không thể phụ giúp cho 2 bác. Tôi ở kế bên, đi làm về là chạy qua chăm sóc, cơm nước đỡ đần cho 2 bác. Tôi thương cảnh bác gái gãy xương mà lâu quá vẫn chưa lành, bác trai hay bị cao huyết áp ban đêm, mái nhà do Hội Phụ nữ thị trấn hỗ trợ trước đây giờ đã xuống cấp, khi mưa lớn tôi phải chạy sang kiểm tra mới yên tâm”.

Trưởng ban Nhân dân ấp Tân Hiệp A (thị trấn Óc Eo) Đào Ngọc Toản cho biết: “Gia đình ông Tấn và bà Vân thuộc hộ khó khăn của địa phương, đời sống mưu sinh hàng ngày vất vả, 2 bác lớn tuổi lại đau bệnh, phải sống nương nhờ vào sự giúp đỡ của láng giềng. Chúng tôi rất mong những tấm lòng nhân ái gần xa cùng chung tay giúp đỡ để đời sống 2 bác được cải thiện hơn”.

Mọi chia sẻ, giúp đỡ, bạn đọc có thể gửi về địa chỉ: Ban Công tác Xã hội- Từ thiện Báo An Giang (số 399B Hà Hoàng Hổ, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang), điện thoại: 0986.058.053. Têntài khoản: Báo An Giang, số tài khoản: 6700201006825 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - Chi nhánh An Giang.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG