Vỡ mộng giàu sang vì… “ôm” đất

19/11/2023 - 18:57

 - Giao dịch nhà đất trầm lắng, lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao, dòng tiền mặt chưa được khơi thông… là những băn khoăn của giới đầu tư nhà đất hiện nay. Thay vì nuôi giấc mộng làm giàu nhanh chóng từ nhà đất như trước đây, nhiều nhà đầu tư chỉ mong “thoát hàng”, giải quyết được nợ vay ngân hàng đã là điều may mắn.

Nhiều nền đất chưa được xây dựng tại một số khu dân cư.

Tại TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) và một số huyện, thị xã, nhà đầu tư đất đai chủ yếu chọn đầu tư đất nền, nhà ở, một số khác chọn đầu tư nền, nhà ở từ dự án mới đầu tư trong tỉnh. Còn nhớ lúc thị trường nhà đất Long Xuyên sôi động (từ năm 2017 - 2021), những ai có tiền nhàn rỗi đều có thể trở thành nhà đầu tư, những ai có chút khả năng ăn nói và làm giấy tờ giao dịch đều có thể trở thành môi giới bất động sản.

Từ lao động bình dân đến người đi làm, giáo viên, viên chức đều có thể kiếm thêm nhờ giới thiệu hoặc đầu tư nhà đất. Vậy mà từ đầu năm 2022 đến nay, lượng mua bán giao dịch nhà đất đã giảm hẳn, nhiều nhà đầu tư phải lao đao vì “ôm hàng” nhiều, do trước đây họ không đủ vốn đầu tư nên vay ngân hàng, nay phải chịu cảnh đóng lãi ngân hàng mỗi tháng.

Nếu trước đây, trong các quán cà-phê, cánh môi giới, nhà đầu tư thường hay khoe với nhau “hôm nay chốt được nền này”, “bán được nhà kia”, “hưởng được hoa hồng bao nhiêu”… thì nay là những câu chuyện than thở, số tiền lãi phải đóng ngân hàng mỗi tháng, chia sẻ thông tin những mặt hàng “ngộp” để mong bạn bè giúp bán ra sớm.

Anh H. (phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) ngao ngán chia sẻ: “Ngày trước, tôi thấy làm đầu tư ngon ăn hơn môi giới, nên mạnh dạn đầu tư 1 nền ở phường Mỹ Thới. Có được chút vốn, tôi vay ngân hàng thêm 700 triệu đồng để mua đủ 1 nền nhà, mong bán lướt sóng kiếm lời 100 - 200 triệu đồng. Ngờ đâu, nền rao bán không ai mua, tôi ôm nền suốt 1 năm nay, đóng tiền lãi hơn 100 triệu đồng. Tiền kiếm được mỗi tháng, ngoài trang trải chi phí sinh hoạt, phải dành để… đóng lãi ngân hàng”.

Trong cơn sốt đất, nhiều người nghĩ rằng chỉ cần mua vào và nhờ cánh môi giới bán ra là đã có lợi nhuận. Điển hình như trong thời gian dài, đất nền Khu dân cư Sao Mai (thuộc khóm Bình khánh 3 và Bình Khánh 5) được đẩy giá lên quá nhanh, ngay như ở Khu dân cư Bình Khánh 3, đất nền giá từ 400 - 500 triệu đồng/nền, được đẩy lên gần 2 tỷ đồng/nền; đất nền khu vực Bình Khánh 5 từ giá 600 - 700 triệu đồng/nền ban đầu, được giao dịch lên đến 2 - 2,5 tỷ đồng/nền tùy vị trí.

Điều này đã khiến không ít người tranh thủ huy động vốn nhàn rỗi của người thân và vay ngân hàng để đầu tư. Ôm giấc mộng có được nguồn tiền thụ động từ đầu tư bất động sản nhanh chóng, một số người mạnh dạn mua những nền nhà thuộc Khu đô thị Sao Mai (TP. Long Xuyên), Khu đô thị An Châu Central (huyện Châu Thành), Khu đô thị TNR Stars Núi Sập (huyện Thoại Sơn).

Ngay khi vừa mua 1 nền tại Khu đô thị An Châu Central, chị M. (huyện Châu Thành) đã có khách hỏi mua, thế nhưng chị M. dự đoán giá đất sẽ còn tăng nên chần chừ không bán. Vài tháng sau, chị M. kêu bán đất nhưng không ai mua, gửi môi giới nhiều nơi vẫn không bán được. Đến nay, chị M. phải dùng tiền lương hàng tháng đóng lãi vay ngân hàng gần 200 triệu đồng. Ngán mức lãi suất khá cao, chị M. đang tính toán chuyển khoản vay sang ngân hàng khác để được giảm lãi suất phải đóng hàng tháng.

Còn anh T. (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) dường như tuyệt vọng vì mấy căn nhà, mấy nền đất hơn 1 năm nay vẫn không thể bán ra được. “Nhớ thời huy hoàng, mỗi ngày tôi mua nhà hoặc đất có khi lên đến 10 tỷ đồng, chủ yếu mình có chút tiền vốn để đặt cọc chủ đất, sau đó nhanh chóng giao hàng cho anh em môi giới bán ra.

Chính vì có lúc mua nhanh bán nhanh quá, nên mình tự tin thị trường sẽ mãi như vậy càng đầu tư càng “say”, cho đến khi thị trường có dấu hiệu chững lại mà tôi vẫn chưa tin. Đến nay, thật sự một căn nhà nhỏ giá chỉ dưới 2 tỷ đồng, giảm giá mãi mà tôi vẫn không bán được. Nhiều tháng nay, tôi phải xoay số tiền lãi vài chục triệu đồng mỗi tháng, không biết còn trụ được đến lúc nào”.

Cùng cảnh ngộ, ông K. (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) sáng nào thức dậy cũng canh cánh nỗi lo giải quyết số tiền lãi ngân hàng lên đến 200 triệu đồng/tháng. Trong thời điểm thị trường sôi động, tính thanh khoản của các sản phẩm cao, nên các nhà đầu tư rất tự tin, luôn tính toán mức lợi nhuận có thể trả chi phí mua bán, chi phí lãi suất.

Nay trong giai đoạn thị trường trầm lắng, dòng tiền cho vay vào bất động sản của các ngân hàng còn hạn chế, các nhà đầu tư chưa dám “bắt đáy” bất động sản, người có vốn nhàn rỗi chưa dám ôm hàng vì chưa thấy tín hiệu đi lên của thị trường. Tất cả những yếu tố làm những nhà đầu tư trước đây khó xoay chuyển tình thế.

Trải qua giai đoạn "hoàng kim" của thị trường bất động sản, người từ rủng rỉnh tiền bạc trở thành kẻ trắng tay, người từ cảnh đủ ăn đủ mặc bỗng rơi vào cảnh nợ nần, người thì với nghề nghiệp cũ vẫn giải quyết được câu chuyện lãi suất ngân hàng nhưng trong lòng lúc nào cũng là nỗi bất an, tính toán. Người may mắn hơn đã kịp rút ra khỏi thị trường bất động sản, mặc dù phải chịu cảnh cắt lỗ vài trăm triệu đồng.

Song, qua mỗi khó khăn, nhiều người dường như học được những bài học giá trị, đó là “ôm giấc mộng giàu sang” là một nhu cầu chính đáng, nhưng giấc mộng đó phải được xây dựng trên một nền móng vững chắc, chỉ bằng cách đầu tư nguồn lực tương xứng từ vốn, trí tuệ, công sức lao động mới có thể nhận được những thành quả chân chính.

Đừng vì lòng tham cá nhân, đổ xô đầu cơ đất đai ồ ạt, làm mất cân đối cung cầu, gây nên những cơn sốt đất “ảo” và để lại nhiều hệ lụy cho xã hộ. Thấy rõ nhất là tình trạng lãng phí đất đai, nhiều nền đất không được khai thác, phải bỏ hoang, trong khi còn rất nhiều người thu nhập thấp phải từ bỏ ước mơ có nơi “an cư, lạc nghiệp”.

NGỌC GIANG