Vở nhạc kịch nổi tiếng “Những người khốn khổ” sắp được công diễn

12/11/2020 - 07:41

Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) cho biết vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” sẽ được công diễn trong các ngày 21, 22, 23 và 24-11 tới, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Các nghệ sỹ vào vai trong vở kịch. (Ảnh: thethaovanhoa.vn)

Ngày 11-11, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) cho biết vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” sẽ được công diễn trong các ngày 21, 22, 23 và 24-11 tới, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

“Những người khốn khổ” là tiểu thuyết của văn hào Pháp Victor Hugo, được xuất bản năm 1862. Tác phẩm được đánh giá là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nền văn học thế giới thế kỷ XIX.

Lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học đầy tính nhân văn này, dựa trên bối cảnh toàn thế giới đang vật lộn đấu tranh với sự khủng hoảng của đại dịch COVID-19, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã quyết định cho ra mắt vở nhạc kịch (Musical) “Những người khốn khổ” để đề cao tình đoàn kết, tính nhân văn và niềm tin vào tương lai của người dân trên toàn thế giới.

Tác phẩm “Những người khốn khổ” là câu chuyện về một giấc mơ tan vỡ, của tình yêu không được đáp trả, niềm đam mê, sự hy sinh và chuộc tội. Một câu chuyện lồng ghép những giá trị nhân văn giữa con người với con người của cuộc sống thực tại vào trong tác phẩm kinh điển. Từ đó, ranh giới về không gian, thời gian, ranh giới về sắc tộc, văn hóa đều bị xóa nhòa, chỉ còn lại một điều duy nhất, đó là tình người.

Với sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại, sự sáng tạo của êkip sản xuất trẻ đã, đang học tập, làm việc trong lĩnh vực này ở nước ngoài, vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam sẽ được thể hiện một cách độc đáo, mới lạ, đặc biệt, từng bước đưa nghệ thuật trình diễn Musical lên sân khấu Việt.

[Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam mua bản quyền vở "Những người khốn khổ"]

Nghệ sỹ ưu tú Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cho biết: “Êkip đạo diễn, biên đạo có sự cống hiến của sức trẻ, tri thức được học từ những nền nghệ thuật tiêu biểu trên thế giới. Đó là Giám đốc âm nhạc, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, đạo diễn trẻ Triều Dương, chấp nhận cách ly 14 ngày sau khi từ Anh về, hay biên đạo múa Linh An, chuyên ngành vũ đạo Broadway tại Mỹ…”

Chia sẻ về vở nhạc kịch, đạo diễn Nguyễn Triều Dương cho biết, điều khó nhất khi thực hiện vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” ở Việt Nam là kỹ năng phối hợp giữa hát, nhảy, trình diễn trên sân khấu. Các nghệ sỹ Việt Nam hát Opera rất tốt, nhưng họ không được học về kỹ năng trình diễn trên sân khấu. Vì vậy, toàn bộ êkip diễn viên của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã, đang rất nỗ lực để khắc phục điểm yếu này, nhằm mang đến cho khán giả một sản phẩm nghệ thuật có chất lượng.

Tuy thời gian trình diễn “Những người khốn khổ” chỉ trong vòng 2 tiếng, nhưng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam không Việt hóa tác phẩm về cả âm nhạc, trang phục hay tên nhân vật, cốt lõi câu chuyện. Vở nhạc kịch được thể hiện bằng tiếng Anh để giữ được linh hồn của tác phẩm kinh điển. Nhưng khi nghệ sỹ biểu diễn, sẽ có phần sub tiếng Việt được chiếu để khán giả nắm được nội dung.

“Với mong muốn mang đến cho khán giả một tác phẩm nghệ thuật đạt được những tiêu chuẩn tổng thể của một vở nhạc kịch quốc tế, về cả phần hát và diễn, tổng thể sân khấu, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam quyết tâm thực hiện một tác phẩm mà trong đó, người xem có thể cảm nhận được mạch câu chuyện, những thăng trầm của nhân vật trong tác phẩm, được sống cùng các nhân vật và có thể nhìn thấy chính mình”, đại diện Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam chia sẻ.

Vở diễn cũng được quốc tế hóa về mặt diễn viên khi có sự góp mặt của các diễn viên nước ngoài trong Dàn hợp xướng quốc tế Hanoi Voices. Âm nhạc của “Những người khốn khổ” sẽ được chơi live, với sự trình diễn của Dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. 

Đại diện Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cho biết, để chuẩn bị cho “Những người khốn khổ,” êkip diễn viên của nhà hát đã chuẩn bị, tập luyện suốt 6 tháng qua với rất nhiều nỗ lực, tâm huyết, nhiệt tình và năng lượng, với mong muốn mang đến một sản phẩm nghệ thuật để đời cho công chúng Việt.

Theo PHƯƠNG LAN (TTXVN)